(vhds.baothanhhoa.vn) - Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp và có tỷ lệ tử vong cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bệnh bạch hầu, triệu chứng và cách phòng bệnh

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp và có tỷ lệ tử vong cao.

Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, khu vực Tây Thái Bình Dương, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hàng năm có trên 13.000 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, đến năm 1990 giảm xuống 1.130 trường hợp và năm 1994 còn 614 trường hợp. Hiện nay, số ca mắc bạch hầu hàng năm đã giảm rõ rệt do hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em ở các nước. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu năm 1985 là 3,95/100.000 dân. Nhờ thực hiện tốt Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nên vào năm 2000 tỷ lệ mắc chỉ còn 0,14/100.000 dân.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dịch bạch hầu có xu hướng gia tăng trở lại, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Đặc biệt, từ 1/1/2020 đến 10/7/2020, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca bệnh dương tính với bạch hầu tại các tỉnh Gia Lai (15 trường hợp), Kon Tum (22 trường hợp), Đắk Nông (25 trường hợp), Đắk Lắc (1 trường hợp).

Bệnh bạch hầu ban đầu có một số triệu chứng như viêm họng nhẹ, chán ăn, sốt, đau khi nuốt, da xanh, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm, sưng tấy vùng cổ. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tạo ra giả mạc ở tuyến amidan, hầu họng thanh quản, mũi với đặc điểm có màu trắng ngà, dai dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc. Ngoài ra bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên nghiêm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày do các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường thở, nhiễm độc thần kinh, liệt thần kinh, rối loạn nhịp tim, suy tim. Các trường hợp tử vong có thể gặp ở đối tượng trẻ nhỏ, chẩn đoán điều trị ở giai đoạn muộn. Tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu có thể lên đến 5 - 10%.

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Tiêm phòng vắc xin có chứa thành phần bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm vắc xin phối hợp thành phần Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib (Combe Five/SII) cho trẻ em từ 2 tháng tuổi với 3 mũi tiêm cơ bản trong 3 tháng liên tiếp và mũi 4 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Ngoài ra chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn tổ chức các đợt tiêm chiến dịch vắc xin có thành phần Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT), Bạch hầu - Uốn ván (Td) cho các đối tượng trẻ từ 24 - 50 tháng tuổi tại một số vùng có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp, “vùng lõm” miễn dịch, nhằm tạo ra kháng thể cộng đồng. Bên cạnh đó với sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất vắc xin, một số loại vắc xin dịch vụ có thành phần bạch hầu cũng được triển khai tại các phòng tiêm chủng, dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau, gây miễn dịch chủ động cho các đối tượng chưa có miễn dịch phòng bệnh.

Việc đảm bảo vệ sinh cá nhân, gia đình và trường học là cần thiết trong việc phòng bệnh bạch hầu. Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp và có tỷ lệ tử vong cao. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

BS. Đỗ Ngọc Nhung (Trung tâm CDC Thanh Hóa)


BS. Đỗ Ngọc Nhung (Trung tâm CDC Thanh Hóa)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]