(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, Thanh Hóa đã vững vàng đi qua 3 tháng quyết định chống đại dịch Covid-19 với kết quả luôn nằm trong khu vực nguy cơ thấp. Đến ngày 29/4, toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc mới, tiếp tục khẳng định là địa phương an toàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Càng khó, càng quyết tâm, nỗ lực chống dịch

Với sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, Thanh Hóa đã vững vàng đi qua 3 tháng quyết định chống đại dịch Covid-19 với kết quả luôn nằm trong khu vực nguy cơ thấp. Đến ngày 29/4, toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc mới, tiếp tục khẳng định là địa phương an toàn.

Là một trong 3 tỉnh công bố dịch đầu tiên trong cả nước, không nhiều người nghĩ Thanh Hóa có thể nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19 nhanh như thế. Bởi vốn là tỉnh đất rộng, người đông, có cả biên giới trên bộ và trên biển, có nhiều đầu mối giao thông quan trọng của đất nước, Thanh Hóa cũng là tỉnh có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, có người ở các nước là vùng dịch đến công tác. Bên cạnh đó, con em người Thanh Hóa sinh sống, làm việc ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có cả ở vùng dịch như: Bệnh viện Bạch Mai, Sơn Lôi... thường xuyên về thăm quê nhà... Nhưng tính đến thời điểm ngày 29/4, trên địa bàn Thanh Hóa ghi nhận 4 ca mắc Covid-19, trong đó có 3 ca tại khu cách ly tập trung, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, một ca trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ra viện ngày 3/2/2020. Các ca bệnh đều được kiểm soát tốt, từ ngày 23/3/2020 đến nay không ghi nhận ca mắc mới.

Khám sàng lọc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa.

Nhịp sống trở lại trong an toàn

Sau 22 ngày “sống chậm”, giờ đây người dân Thanh Hóa đang dần trở lại cuộc sống bình thường như trước đây, tâm lý ai cũng cảm thấy thoải mái, hạnh phúc hơn. Thoải mái hơn bởi đã có thể hoạt động tự do ngoài trời, không phải dành phần lớn thời gian ở trong nhà, hạnh phúc vì hiểu rằng dịch bệnh đang được kiểm soát tốt ở nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, với mỗi hoạt động người dân vẫn luôn giữ gìn, tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Tại các điểm công cộng như công viên, quảng trường... đã có đông người hơn đến để thư giãn, chơi thể thao. Tuy nhiên người nào đến đây cũng chấp hành các quy định phòng dịch, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với những người khác. Bác Lê Thế Đạo - Chủ tịch Hội Người cao tuổi TP Thanh Hóa, phấn khởi nói: “Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi phải hết sức giữ gìn do thuộc nhóm người dễ tổn thương nhất. Trừ thời gian làm việc tại cơ quan tôi không hề đi ra ngoài, các hoạt động thể thao cũng tạm dừng. Nhưng nay thì tốt rồi, chúng tôi đã có thể ra ngoài hít thở khí trời, tập luyện thể thao, chưa thể chơi những môn thể thao tập thể nên chúng tôi đi bộ, đi xe đạp... cũng rất hữu ích”.

Trong ngày 23/4 các cửa hàng spa, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê... được mở cửa trở lại. Dễ dàng nhận thấy tuy đã mở cửa trở lại nhưng phần lớn hàng quán kinh doanh hạn chế nhận nhiều khách, nếu cảm thấy lượng khách trong quán đã đủ, chủ quán từ chối nhận thêm khách hoặc bán mang về. Đa phần các hàng quán nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp phòng dịch như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang... một số chủ cửa hàng tự sắm nhiệt kế, đo thân nhiệt cho khách khi vào quán. Anh Nguyễn Hữu Kỳ, chủ tiệm tóc tại đường Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa), cho biết: “Trước khi mở lại cửa hàng, chúng tôi đã tổng vệ sinh sạch sẽ, ghi bảng thông báo đặt ngoài cửa yêu cầu mọi khách hàng vào quán đều phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn do quán chuẩn bị sẵn. Bản thân tôi trong suốt quá trình ở quán cũng luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay”.

Từ 21/4 học sinh THCS và THPT ở Thanh Hóa đi học trở lại. Các nhà trường cùng chính quyền địa phương thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và các em học sinh. Ở tất cả các trường học đều đo thân nhiệt ngay tại cổng trường, với những em có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ thông báo ngay cho trạm y tế. Quán triệt toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường đeo khẩu trang khi đến trường và trong suốt quá trình ở trường. Bà Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường PTTH Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa), cho biết: “Trường đã tổng vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn, chuẩn bị xà phòng, vòi nước rửa tay, bố trí mỗi lớp có một lọ nước rửa tay khô. Nhà trường cũng thông báo, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho con đến trường an toàn, đồng thời khuyến cáo giáo viên không nên đi khỏi nơi cư trú, tránh đa tiếp xúc không cần thiết nhằm tạo môi trường an toàn nhất cho các em và chính thầy cô”.

Sinh viên Đại học Hồng Đức đo thân nhiệt trước khi vào lớp.

Tiếp tục đồng lòng các biện pháp mạnh chống đại dịch

Ngay từ khi có ca bệnh dương tính Covid-19 đầu tiên, ngay lập tức toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của Thanh Hóa đã xây dựng, lên phương án từ trước được “kích hoạt”. Theo đó, tỉnh đã có những hành động rất sớm và quyết liệt, tính toán chặt chẽ, kỹ lưỡng các giải pháp, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với từng giai đoạn, cụ thể hóa đến từng ban, ngành, lực lượng chức năng. Đặc biệt, ngành y tế đã nhanh chóng khoanh vùng, xử lý ca bệnh không để lây lan, gây lo lắng trong cộng đồng. Đồng thời, đặt toàn bộ hệ thống y tế luôn trong tình trạng sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; lên phương án ứng phó ở mức độ cao nhất; thành lập bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19. Mặc dù thời điểm đó, trong nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với sự bùng phát của các ổ dịch mới như quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh), Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Mạch Mai... nhưng Thanh Hóa vẫn kiểm soát tốt tình hình, ngoài các ca bệnh tại khu cách ly tập trung thì không có ca bệnh nào phát sinh tại cộng đồng từ 3/2/2020, bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là rất cao, những thách thử trước mắt là không hề nhỏ. Thanh Hóa vẫn duy trì thực hiện nghiêm hàng loạt các giải pháp cấp bách đã triển khai và mang lại hiệu quả trước đó. Đồng thời, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với việc khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Trong đó, nhân dân trong toàn tỉnh giữ nguyên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần phòng dịch và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng việc tuân thủ các quy định về phòng dịch; hạn chế đi khỏi nơi cư trú trừ những trường hợp thật cần thiết; nếu có các biểu hiện về sốt, ho, khó thở hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Ngành y tế tiếp tục thể hiện vai trò trọng yếu trong phòng chống dịch...

Các chốt kiểm dịch, tổ giám sát thôn, bản đảm bảo hoạt động hiệu quả nhằm kiểm soát toàn diện những di biến động về nhân khẩu đi, đến từng gia đình trong khu dân cư. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thành viên tổ giám sát cũng là những tuyên truyền viên tích cực, giúp nhân dân địa phương hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng, không kỳ thị người bị nhiễm, nghi nhiễm hoặc đang thực hiện cách ly...

Tổ giám sát thôn Phú Quang, xã Hoằng Châu, Hoằng Hóa tuyên truyền cho nhân dân.

Anh Lê Đình Trung - Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ giám sát thôn Phú Quang, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, cho hay: “Với 196 hộ gia đình trong thôn, nếu không có sự giúp đỡ của nhân dân thì chúng tôi không thể nào quản hết được chỉ với 6 thành viên trong tổ. Trong thời gian cách ly xã hội, hầu hết người dân trong thôn đều ở nhà, không đi đâu, nếu ra ngoài đều đeo khẩu trang. Nếu trong thôn có biến động về nhân khẩu, thậm chí là con cái đi làm ăn xa về đều được người dân chủ động thông báo cho tổ giám sát”.

Còn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp... nơi tập trung hàng trăm nghìn công nhân và có nhiều người nước ngoài đến làm việc thì việc triển khai các biện pháp phòng dịch vẫn đang được thực hiện chặt chẽ hơn bao giờ hết, nhất là kiểm soát công nhân trước khi bước vào khu sản xuất, nhà máy.

Với quyết tâm của chính quyền cùng sự đồng lòng từ phía nhân dân, cuộc chiến chống “giặc dịch” đã có những tín hiệu vui ban đầu. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là biện pháp phòng dịch. Bởi nếu chủ quan, lơ là rất có thể đại dịch sẽ quay trở lại, phá hỏng mọi cố gắng, nỗ lực, hi sinh và thành quả chúng ta gây dựng từ đầu đến nay. Vì vậy, tinh thần “chống dịch như chống giặc” cần được nhân dân và chính quyền Thanh Hóa giữ vững cho đến hết dịch.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]