(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Một bộ phận trẻ em gái vị thành niên đang phải gánh chịu nhiều áp lực xã hội từ việc lao động, kết hôn và sinh con từ độ tuổi rất nhỏ. Tuy nhiên, các em vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để trưởng thành và phát triển một cách toàn diện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hãy quan tâm hơn nữa đến các em gái vị thành niên

(VH&ĐS) Một bộ phận trẻ em gái vị thành niên đang phải gánh chịu nhiều áp lực xã hội từ việc lao động, kết hôn và sinh con từ độ tuổi rất nhỏ. Tuy nhiên, các em vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để trưởng thành và phát triển một cách toàn diện.

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

Ông Nguyễn Ngọc Thụ - Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Sở LĐ,TB&XH cho biết: Trẻ em gái vị thành niên hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa như nạn buôn bán trẻ em, bị xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn...

Thời gian qua, đã có không ít những vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Gây nên tổn thương nặng nề cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em về sau. Người dân thôn Phú Long, xã Tượng Lĩnh, Nông Cống không khỏi xót xa khi biết cháu Nguyễn Thị H (10 tuổi) bị chính những người bạn của gia đình xâm hại tình dục ngay tại nhà.

Không mang nỗi đau bị xâm hại tình dục nhưng nhiều trẻ em gái vị thành niên ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh phải bỏ học, lao động kiếm sống do nhà nghèo; phải kết hôn, sinh con khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Em Lò Thị M (Quan Sơn) mới tròn 17 tuổi nhưng đã là mẹ của hai đứa con.Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu bởi cả hai vợ chồng M đều không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh trong khi đứa trẻ nay ốm mai đau. Các khoản chi tiêu cho ăn, uống, sinh hoạt hằng ngày và thuốc thang vẫn phải nhờ cậy hai bên nội, ngoại giúp đỡ.

Thực tế, ở một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng kết hôn, mang thai và sinh con. Các em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, bị ảnh hưởng tới sức khỏe do sinh nở sớm. Các thách thức và trở ngại mà các em gái vị thành niên phải đối mặt sẽ nhân lên bội phần nếu là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng nông thôn và xuất thân trong một gia đình nghèo khó.

Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên

Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Thanh Hóa hiện có khoảng 473.611 trẻ vị thành niên, chiếm 13,16% dân số, trong đó, trẻ em gái vị thành niêncó khoảng 230.522 người, chiếm 6,4 % dân số.

Thựctế cho thấy, mặc dù đã có sự vào cuộc của nhà trường, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong việc cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi học đường nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Còn không ít bậc phụ huynh thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu sự chủ động trong việc giáo dục giới tính cho con, thậm chí nhiều người thờ ơ, không quan tâm đúng mức tới vấn đề này, khi con cái “xảy ra sự cố đáng tiếc” lại quay ra mắng mỏ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Để trẻ em gái vị thành niên có thể sống vui, sống khỏe đúng với lứa tuổi thì các cấp, ngành cần phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân rộng các mô hình truyền thông giáo dục giới tính có hiệu quả, xây dựng các phòng khám thân thiện, trung tâm tư vấn sức khỏe dành cho lứa tuổi này…

Đồng thời, thực hiện chương trình giáo dục giới tính một cách toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho lứa tuổi vị thành niên, nhất là với vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp tới vị thành niên một cách tế nhị, bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử. Khuyến khích các em gái tham gia học tập và các hoạt động xã hội khác, tránh tình trạng kết hôn sớm.

V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]