(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 18/8/2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ATTP đến năm 2020" với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đang từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường. Thay vào đó là sự phát triển của một nền nông nghiệp sạch, an toàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi cả hệ thống chung tay chống thực phẩm bẩn

Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 18/8/2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ATTP đến năm 2020" với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đang từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường. Thay vào đó là sự phát triển của một nền nông nghiệp sạch, an toàn.

Xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP

Phần lớn hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm diễn ra ở cơ sở xã, phường, thị trấn, do vậy, việc xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP là việc làm cần kíp để bảo vệ giống nòi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Thực hiện Kế hoạch số 135 của UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP, trong đó tập trung hướng dẫn đánh giá các tiêu chí xã ATTP, quy định trách nhiệm quản lý ATTP của ban nông nghiệp xã và tổ giám sát cộng đồng thôn...

Xã Đông Văn, huyện Đông Sơn là xã điểm xây dựng xã ATTP. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, xã đã thành lập BCĐ quản lý VSATTP do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, ban hành quy chế hoạt động và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ phụ trách thôn, phụ trách tiêu chí. 7/7 thôn đã thành lập tổ giám sát cộng đồng, tổ giám sát chợ. Sau khi hoàn thiện bộ máy quản lý, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức cho người dân, đồng thời khuyến khích cá nhân, tập thể phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn VietGap, chăn nuôi an toàn sinh học... Đến nay, xã đã xây dựng thành công 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (1 chuỗi thịt lợn an toàn, 1 chuỗi lúa gạo an toàn) được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Thanh Hoá công nhận; 8/8 cơ sở giết mổ thực hiện nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP theo quy định; bếp ăn tập thể Trường Mầm non Đông Văn được Chi cục ATVSTP tỉnh cấp giấy công nhận bếp ăn tập thể đảm bảo ATTP; 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại thôn Văn Thắng đảm bảo các điều kiện về ATTP; Chợ Đông Văn đã được Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Thanh Hoá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.

Ông Lê Đình Thọ - Chủ tịch UBND xã Đông Văn, cho biết “Hiện nay 100% các sản phẩm thực phẩm giết mổ đưa ra lưu thông trên thị trường xã được đóng dấu kiểm soát, hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y. Chợ Đông Văn đã hoàn thành 33/33 tiêu chí chợ ATTP, các cửa hàng, hộ kinh doanh tại chợ đã bổ sung trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu kinh doanh thực phẩm, hầu hết người dân trong xã đến mua hàng đều yên tâm với chất lượng và nguồn gốc sản phẩm”.

Trên thực tế, việc xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP đang gặp không ít khó khăn và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ mà các cấp, chính quyền đã và đang thực hiện, cùng với ý thức nâng cao của người dân, tin rằng sẽ ngày càng có nhiều xã, phường, thị trấn đạt được những tiêu chí đảm bảo ATTP như Đông Văn.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn.

Được biết, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn phải xây dựng kế hoạch cụ thể hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, hàng năm để triển khai thực hiện; phải xác định rõ mục tiêu, các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện. Các sở, ngành liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, phê bình, xử lý trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương triển khai không đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định; hoàn thành xây dựng phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và phần mềm hệ thống thông tin quản lý nhà nước về ATTP...

Những con số đáng ghi nhận

Những xã, phường đang từng bước đạt chỉ tiêu về ATTP không chỉ là “quả ngọt” duy nhất sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020” mà còn rất nhiều kết quả khác được thể hiện qua những con số biết nói.

Về việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, cấp tỉnh đã xây dựng được 4 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, trong đó có 1 chuỗi gạo antoàn tại Công ty CP Thương mại Sao Khuê với diện tích 140 ha, sản lượng đạt 2.000 tấn/năm; 1 chuỗi thịt bò an toàn của Công ty Anh Minh Giang, sản lượng 600 tấn/năm; 1 chuỗi rau an toàn của Công ty Dịch vụ TM phát triển Việt Nam xanh, sản lượng 180 tấn/năm; 1 chuỗi thủy sản an toàn của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Đức Quý, sản lượng khoảng 960 tấn/năm. Hiện thị trường tiêu thụ của những sản phẩm này không những trong tỉnh mà còn xuất sang các tỉnh, thành khác và có mặt trong siêu thị lớn trên toàn quốc.

UBND cấp huyện đang chỉ đạo xây dựng 446/389 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 1.024/1.546 cơ sở giết mổ đáp ứng các quy định về ATTP; 37/32 chợ ATTP; 862/335 bếp ăn tập thể ATTP...

Nhiều mô hình thực phẩm an toàn ra đời sau khi thực hiện Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Bên cạnh sự quyết liệt của các cấp chính quyền là sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội. Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào “khu dân cư 3 không” trong đó nội dung không vi phạm ATTP; tổ chức cho 27 huyện, thị, thành phố và 632 xã, phường, thị trấn ký cam kết giữa Ủy ban MTTQ , Ban Dân vận và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp về thực hiện bảo đảm ATTP. Tỉnh Đoàn tổ chức hội thi “Thanh niên Thanh Hóa đảm bảo ATTP”. Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phát hành 8.000 cuốn sách Thông tin phụ nữ số đặc biệt với chủ đề “Phụ nữ Thanh Hóa thực hiện đảm bảo ATTP vì sức khỏe cộng đồng; tổ chức thành công hội thi “Phụ nữ Thanh Hóa với VSATTP”; 3 phiên chợ “Truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”; 18 cuộc truyền thông ngày hội “cơm ngon cơm khỏe”; giành giải đặc biệt cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về VSATTP” toàn quốc. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức cho 5.770 chi hội ký cam kết ATTP...

Song song với đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về ATTP cho cán bộ, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quan tâm. Riêng cấp tỉnh đã mở 107 lớp tập huấn, cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức hơn 200 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho hàng nghìn cán bộ, công chức quản lý, chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm... Qua đó, công tác giám sát, kiểm tra VSATTP tại cấp cơ sở được nâng cao rõ rệt.

Có thể "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn sẽ không bao giờ kết thúc bởi luôn có những kẻ cơ hội, hám lợi, sẵn sàng vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm mà tiếp tay cho những kẻ sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ngành thì người dân cần đề cao cảnh giác, và trở thành người tiêu dùng thông minh trong việc chọn thực phẩm.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]