(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với việc từng bước cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được nhiều làng nghề chế biến thực phẩm trong tỉnh quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng nghề truyền thống tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Cùng với việc từng bước cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được nhiều làng nghề chế biến thực phẩm trong tỉnh quan tâm.

Không phải xã ven biển nào có nghề đánh bắt thủy hải sản cũng làm được nước mắm. Trong số 5 xã ven biển huyện Hoằng Hóa chỉ có Hoằng Phụ là có nghề truyền thống làm nước mắm và cũng chỉ nước mắm ở làng Khúc Phụ (tên làng xưa) là nổi tiếng khắp vùng. Trong đó, khu sản xuất nước mắm Lê Gia đã trở thành thương hiệu nước mắm nổi tiếng khắp nơi. Ông Lê Anh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Lê Gia, tâm sự: “Làm nghề nước mắm truyền thống thực sự rất khó khăn. Muốn có chỗ đứng trên thị trường thì nước mắm vừa đạt chất lượng tốt nhưng cũng đảm bảo yêu cầu khắt khe về ATTP, bởi người tiêu dùng hiện nay khó tính và cũng rất thông minh”.

Nghĩ sao làm vậy, ông Lê Anh sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền, muối nén gài trong thùng gỗ Bời Lời, lên men tự nhiên trong nhà tôn kính, sau 18 - 24 tháng mới rút nỏ, chắt lấy nước mắm cốt. Trong đó, khu nhà tôn kính luôn được khử trùng sạch sẽ, tránh vi khuẩn xâm nhập trong quá trình ủ nén. Toàn bộ dụng cụ, dây chuyền sản xuất và con người khi trực tiếp tham gia vào quá trình chiết xuất nước mắm luôn đảm bảo ATTP. Vì vậy, cơ sở của Lê Anh được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản Thanh Hóa chứng nhận là sản phẩm an toàn. Hiện đây là sản phẩm nước mắm duy nhất của Thanh Hóa sản xuất theo phương pháp truyền thống nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

Đến nay, xã Hoằng Phụ có khoảng 350 hộ dân tham gia sản xuất nước mắm. Nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hầu hết các hộ dân đều chú trọng đến khâu VSATTP.

Người lao động tại xưởng mắm Lê Gia tuân thủ quy định ATTP khi trực tiếp sản xuất nước mắm.

Làng nghề miến gạo ở xã Thanh Long (Nông Cống) đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có 60 hộ dân làm nghề truyền thống, tập trung ở các thôn Ngư Thôn, Ân Phú, Tân Giao. Với sự gia tăng về nhu cầu, sản phẩm cũng đã xây dựng được thương hiệu, đến nay nhiều gia đình đã có sự đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất, vì vậy chất lượng miến được nâng cao. Nghề làm miến tạo việc làm cho khoảng 300 lao động, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 3,5 - 4,5triệu đồng/tháng, và đem về cho địa phương nguồn thu gần 15 tỷ đồng/năm.

Với đặc điểm sản xuất miến gạo ngay tại gia đình. Do vậy, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải là khá lớn. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã hướng dẫn các hộ đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện quy trình xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Không chỉ thực hiện nghiêm quy trình xử lý nước thải, các hộ sản xuất còn tận dụng phụ phẩm từ sản xuất miến để chăn nuôi, hạn chế tối đa lượng xả thải ra môi trường.

Với những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng hiện nay, các làng nghề truyền thống sản xuất thực phẩm đều đã chú trọng hơn đến công tác đảm bảo ATTP cho sản phẩm. Đặc biệt, là giữ vệ sinh khu vực sản xuất, trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp sản xuất, đầu tư máy móc đầy đủ góp phần đảm bảo VSATTP trong khâu chế biến. Trong đó, tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hay phơi sấy, tập kết nguyên liệu tại đường đi, cánh đồng... giảm đáng kể. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít cơ sở vì lợi nhuận sử dụng nguồn nguyên liệu, gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đảm bảo ATTP, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

V.A


V.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]