(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) nợ và trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động diễn ra phổ biến, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối nợ đọng BHXH

(VH&ĐS) Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) nợ và trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động diễn ra phổ biến, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Những con số báo động

Tính đến hết ngày 31/7/2016 trên địa bàn tỉnh có 3.986 đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên tổng số 7.687 đơn vị tham gia với số tiền 336.889 triệu đồng, gồm: 340 đơn vị HCSN nợ 13.443 triệu đồng, 3.646 doanh nghiệp nợ 220.593 triệu đồng; ngân sách nợ tiền đóng BHYT cho các nhóm đối tượng do nhà nước đóng 102.853 triệu đồng.

Đặc biệt đáng quan tâm 55 doanh nghiệp có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên nợ chây ì, với số tiền nợ là 100.263 triệu đồng. Điển hình như Công ty Cổ phần Xây dựng HANCORP.2 nợ 17.029 triệu đồng, Công ty Cổ phần Licogi 15 nợ 10.399 triệu đồng, Công ty Cổ phần Bỉm Sơn Viglacera nợ 5.577 triệu đồng…

Nợ đọng, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Tình trạng nợ đọng phổ biến trong các doanh nghiệp đã và đang tạo ra những diễn biến phức tạp trong quan hệ lao động, quan hệ BHXH giữa người sử dụng lao động và người lao động. Rất nhiều lao động trong các doanh nghiệp nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN chậm được giải quyết các quyền lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như không được thanh toán chế độ khi họ trong thời kỳ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH... Những điều này đã gây nhiều bức xúc và khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội…

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho việc chậm, nợ BHXH, BHYT, như do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do công trình xây dựng đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán tiền...

Tuy vậy, trừ các doanh nghiệp thực sự khó khăn, không còn khả năng trả lương cho lao động thì có rất nhiều doanh nghiệp, dù hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng lại cố tình không đóng hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp, nên cố tình nợ BHXH, BHYT. Nhiều doanh nghiệp đã trích tiền lương tháng của người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà sử dụng vào mục đích khác, kể cả một số đơn vị HCSN thụ hưởng ngân sách Nhà nước cũng để nợ. Và còn nhiều địa phương chưa chuyển kịp thời tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng chính sách.

Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN chưa được coi trọng, nhất là ở cơ sở, các địa phương tuy đã ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả thấp. Một số nơi cấp ủy và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, chưa đưa vào nội dung chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền theo yêu cầu Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đã đề ra.

Bên cạnh đó kể từ ngày 1/1/2016 Tòa án không thụ lý đơn của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động, trong khi đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa có hướng dẫn cho Công đoàn các cấp quy trình khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH ra tòa án theo quy định của Luật BHXH. Cơ quan bảo hiểm xã hội không được quyền xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BHYT, BHTN đối với người sử dụng lao động nên khi kiểm tra phát hiện vi phạm phải lập hồ sơ báo cáo và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý vì vậy vi phạm chưa được xử lý kịp thời, hiệu quả thấp, thiếu tác dụng răn đe.

Kể từ ngày 1/7/2016, Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực đã quy định tại Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Theo đó trách nhiệm hình sự được quy định cho cả cá nhân và pháp nhân khi có các hành vi trốn đóng bảo hiểm với hình phạt tương đối nghiêm khắc. Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm mà trốn đóng bảo hiểm có thể bị xử phạt với mức cao nhất lên đến 7 năm tù”.

Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành của ngành LĐ,TB&XH; các đoàn kiểm tra liên ngành và kiểm tra của ngành BHXH đã tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra hàng trăm doanh nghiệp vi phạm, song biện pháp xử phạt quá nhẹ nên không có hiệu quả, thậm chí các kết luận thanh tra, kiểm tra không được các doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt, 4 doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ thanh tra về chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN thời kỳ từ tháng 1/2013 đến tháng 7/2014, gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng HANCORP.2 , Công ty TNHH Một thành viên xây dựng công trình giao thông 892, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 và Chi nhánh Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh, sau kết luận thanh tra chỉ có Chi nhánh Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh đến ngày 14/4/2016 mới thanh toán xong nợ với trên 6.700 triệu đồng, các doanh nghiệp còn lại vẫn không thực hiện, số nợ không những không giảm mà ngày càng phát sinh.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp và một số đơn vị hành chính sự nghiệp trong tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thiết thực. Trong đó đã có nhiều giải pháp mạnh là công khai danh tính các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoặc cung cấp thông tin tình hình nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp đến Liên đoàn Lao động tỉnh để chỉ đạo các tổ chức công đoàn lập hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án theo quy định của Luật BHXH. Thực hiện ký kết với các ngân hàng thương mại để phối hợp thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp... Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp.

Mai Hoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]