(vhds.baothanhhoa.vn) - Đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, nhất là đối với người già và trẻ em. Do vậy, việc phòng ngừa các bệnh trong mùa nắng nóng để bảo vệ sức khỏe là điều cần thiết với mỗi người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng ngừa bệnh hiệu quả trong mùa nắng nóng

Đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, nhất là đối với người già và trẻ em. Do vậy, việc phòng ngừa các bệnh trong mùa nắng nóng để bảo vệ sức khỏe là điều cần thiết với mỗi người.

Không dùng thuốc hạ sốt cho người say nắng

Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đợt nắng nóng diện rộng vừa qua có gia tăng nhẹ số bệnh nhân nhập viện, chủ yếu thuộc các khoa: Hô hấp, Tiêu hóa... Tính đến nay bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp cảm nắng, say nắng nào. Tuy nhiên, thời gian này đang là cao điểm mùa hè, sẽ còn những đợt nắng nóng kéo dài, vì vậy người dân cần biết cách phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm nhất do nắng nóng gây ra.

Bác sỹ Lưu Ngọc Hùng - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cảnh báo: “Nắng nóng gay gắt dễ dẫn đến tình trạng say nắng, bệnh xảy ra khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ, cơ thể không thể tự làm mát, lúc đó thân nhiệt có thể lên đến 39 - 40OC hoặc cao hơn. Say nắng có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời”.

Cùng quan điểm này Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Người say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bởi khi say nắng thân nhiệt lên rất cao, mạch nhanh, mạnh, đầu đau nhức, chóng mặt, buồn nôn, các chức năng của tim, phổi, hệ thần kinh... đều bị ảnh hưởng tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh cao huyết áp, bệnh phổi mạn tính”.

Bác sỹ Thanh khuyên, nếu gặp người hoặc bản thân bị say nắng thì việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn... và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lúc này không nên cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì nó không có tác dụng.

Khoa Hô hấp, BVĐK tỉnh Thanh Hóa gia tăng bệnh nhân bị viêm đường hô hấp trên, viêm họng... do nắng nóng.

Để phòng ngừa say nắng, mọi người hạn chế đi ra ngoài từ 11h trưa đến 3h chiều, với những người làm việc ngoài trời nên trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước và không nên ở quá lâu ngoài trời.

Uống nước đúng cách

Cũng theo bác sỹ Hùng, nắng nóng khiến cơ thể ra rất nhiều mồ hôi, dễ mất nước, nhất là ở trẻ nhỏ thường dẫn đến các bệnh rối loạn chuyển hóa. Vì vậy, bổ sung nước, điện giải cho cơ thể là điều cần thiết, đặc biệt với những người lao động ngoài trời thường xuyên. Tuy nhiên, nguồn nước bổ sung nên hạn chế nước giải khát có độ đường cao, nên là nước chanh hoặc nước muối pha loãng, nước pha oresol, nước lọc...

Uống nước cũng cần phải uống đúng cách để đảm bảo cơ thể luôn trong tình trạng đầy đủ nước. Không nên đợi khát mới uống cả cốc mà hãy chủ động uống kể cả khi không khát.

Lời khuyên chung của các bác sỹ là hãy đảm bảo cơ thể đủ nước. Một người khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ), hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng do nắng nóng, theo đó bác sỹ Lê Văn Tráng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khuyên: “Với trẻ em việc chạy nhảy, vui chơi trong những ngày nắng nóng là tăng khả năng sinh nhiệt, hoạt động liên tục, quên uống nước nên dễ vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt. Nếu trẻ có các biểu hiện như da lạnh, ẩm ướt, thở nhanh và nông... có thể trẻ biểu hiện kiệt sức do nóng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở trẻ hoạt động vui chơi trong chỗ mát, uống nước thường xuyên nhất là đồ uống sinh tố đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Không nên để trẻ nằm điều hòa quá lạnh, khi ra ngoài dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. Đảm bảo trẻ được dùng đồ ăn hợp vệ sinh, tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm”.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]