(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp hiệu quả nhất giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ do dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh”. Phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với BS.CKII Đỗ Đình Hùng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Thanh Hóa xoay quanh nội dung trên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp hiệu quả nhất giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ do dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh”. Phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với BS.CKII Đỗ Đình Hùng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Thanh Hóa xoay quanh nội dung trên.

PV: Xin ông đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây?

BS.CKII Đỗ Đình Hùng: Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành; sự cố gắng của những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đều tập trung thực hiện tốt Chiến lược Dân số/SKSS và các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác DS-KHHGĐ. Bởi vậy, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; Hệ thống chính sách, pháp luật về DS-KHHGĐ được tăng cường, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chương trình DS-KHHGĐ. Tỉnh ThanhHóa đã đạt và vượt kế hoạch giảm sinh, duy trì được mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn 2,05 con); Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm xuống từ 12,25% xuống còn 11%. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số nhất là hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được chú trọng. Triển khai, quan tâm đến vấn đề chăm sóc người cao tuổi về tinh thần và sức khỏe cộng đồng. Tuổi thọ bình quân tăng từ 73 tuổi lên 73,5 tuổi. Mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các bậc cha mẹ và vị thành niên thanh niên.

PV: Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh là một trong những đóng góp quan trọng góp phần trong thành tích chung công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh? Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa việc thực hiện Đề án?

BS.CKII Đỗ Đình Hùng: Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” được triển khai tại 27 huyện, thị, thành phố với tổng số 635 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những Đề án quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số. Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh là chương trình thực hiện xét nghiệm thường quy cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và trong vòng 1 tháng đầu sau sinh để phát hiện sớm các thai nhi và các trẻ sơ sinh có nguy cơ về bệnh lý di truyền như thiếu men G6PD, bệnh lý nội tiết như suy giáp bẩm sinh, dị tật ống thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống), bệnh về nhiễm sắc thể như hội chứng Down và các dị tật bẩm sinh khác ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển thể chất tinh thần của trẻ. Cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn. Sàng lọc để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Ý nghĩa của sàng lọc chính là giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật; lựa chọn ngưng thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh; có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai. Đồng thời giảm chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần cải thiện chất lượng dân số.

CB Y tế siêu âm cho phụ nữ xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa.

PV: Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề án đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

BS.CKII Đỗ Đình Hùng: Sau một thời gian thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Về công tác truyền thông: Đã cung cấp cho các đối tượng biết được các thông tin về hoạt động của đề án trên địa bàn. Các đối tượng trong diện thực hiện của đề án đã tích cực tham gia vì lợi ích của bản thân gia đình và xã hội. Thông qua hoạt động truyền thông, góp phần vào việc thực hiện tốt các chỉ tiêu của Đề án; cung cấp các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của đề án (Máy chiếu, máy siêu âm màu...). Các sản phẩm truyền thông như pano, tờ rời sách lật được cung cấp đến tận tay đối tượng. Đồng thời, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể ở địa phương về mục đích và ý nghĩa của đề án. Đặc biệt Đề án đã tổ chức thực hiện việc siêu âm sàng lọc cho hàng chục nghìn phụ nữ mang thai để phát hiện các dị tật bẩm sinh, tư vấn cho các đối tượng khi phát hiện các thai có dị tật bẩm sinh. Bên cạnh, chương trình đã thực hiện việc lấy mẫu máu gót chân cho các trẻ mới sinh để xét nghiệm phát hiện 2 loại bệnh do thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh. Đặc biệt, năm 2018 đề án tập trung vào 3 hoạt động chính là siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh, tập huấn truyền thông cho đội ngũ cán bộ dân số các xã thực hiện đề án, hỗ trợ tuyến xã thực hiện truyền thông tuyên truyền đến từng đối tượng tham gia các hoạt động của đề án tại tuyến cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã thực hiện được 13.500 ca siêu âm sàng lọc và lấy mẫu máu gót chân cho trẻ được gần 2.000 mẫu, phát hiện được 161 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, các trường hợp này đã được tư vấn đi khám lại lần 2 và mở sổ theo dõi quá trình điều trị bệnh.

PV: Mặc dù đạt được những kết quả nhất định song việc triển khai Đề án cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Xin ông chia sẻ về điều này?

BS.CKII Đỗ Đình Hùng: Tuy đạt được kết quả như vậy nhưng Đề án vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như, kinh phí đầu tư cho hoạt động thấp, các hoạt động của dự án bị cắt giảm nhiều (chủ yếu cho 2 hoạt động siêu âm và lấy mẫu máu không có kinh phí cho hoạt động truyền thông và quản lý Đề án), kinh phí địa phương không được cấp. Hoạt động đào tạo chuyên môn kỹ thuật siêu âm cho cán bộ y, bác sỹ làm sàng lọc của đề án chưa được thực hiện đồng bộ; Công tác đào tạo tập huấn siêu âm chẩn đoán cho cán bộ tuyến huyện còn quá ít, chỉ tiêu còn quá thấp, bên cạnh đó kinh phí lại không được trợ cấp nên cũng gây tâm lý cho người được cử đi tập huấn; Tổng số mẫu lấy được tuy có tăng hàng năm và số lượng cũng tương đối lớn, nhưng so với số trẻ em được sinh ra cần phải lấy mẫu tại các xã dự án thì số lượng được lấy mẫu cũng còn quá ít so với thực tế. Bình quân hàng năm đạt khoảng 60 đến 70% kế hoạch giao. Công tác tuyên truyền, vận động của một số đơn vị y tế tuyến cơ sở (Bệnh viện huyện và Trạm Y tế cho chương trình này chưa chú trọng).

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hóa đề ra những giải pháp nào để thực hiện tốt hơn việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh?

BS.CKII Đỗ Đình Hùng: Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức xây dựng kế hoạch và đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt đề án: Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng bằng nhiều hình thức khác nhau; Tăng cường việc hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động cụ thể từ tỉnh đến cơ sở, phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý các cấp, cung cấp và trao đổi thông tin về tình hình thực hiện đề án trên địa bàn; Tăng cường công tác tập huấn truyền thông, tư vấn, quản lý đối tượng cho đội ngũ cộng tác viên, cán bộ chuyên trách Dân số, Y tế. Xây dựng định mức chi trả chi phí cho người thực hiện dịch vụ, chế độ báo cáo, theo dõi và quản lý đối tượng; Có cơ chế phối kết hợp trong việc chuyển tuyến khi khám, chẩn đoán, vận chuyển, xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh. Đồng thời tăng kinh phí đầu tư và mở rộng các hoạt động đặc biệt là hoạt động truyền thông để cung cấp thông tin đến đối tượng.

PV: Xin cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe - thành công!

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]