(vhds.baothanhhoa.vn) - Chưa bao giờ các trạm y tế (TYT) lại phải căng mình như thời gian chống dịch Covid-19. Ngày thường đã cực, dịch bùng phát bước chân của họ càng vội vã hơn, cứ thế len lỏi trong từng con ngõ nhỏ, gõ cửa từng nhà dân cùng chống dịch. Đặc biệt, với những địa phương đã từng có ca nhiễm Covid-19 thì trách nhiệm của họ nặng nề và khó khăn hơn bao giờ hết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về những “người lính” phòng dịch cơ sở

Chưa bao giờ các trạm y tế (TYT) lại phải căng mình như thời gian chống dịch Covid-19. Ngày thường đã cực, dịch bùng phát bước chân của họ càng vội vã hơn, cứ thế len lỏi trong từng con ngõ nhỏ, gõ cửa từng nhà dân cùng chống dịch. Đặc biệt, với những địa phương đã từng có ca nhiễm Covid-19 thì trách nhiệm của họ nặng nề và khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhớ lại những ngày cuối năm 2019 khi xã Định Hòa phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh, chị Ngô Thị Bình - Trạm trưởng TYT xã Định Hòa vẫn còn chưa hết run, kể lại “khi đó T (tên bệnh nhân) có đến trạm khai báo mới từ Vũ Hán về quê ăn tết, mấy hôm nay em bị sốt, ho nên đến cơ sở y tế khai báo. Nghe những lời em nói tôi đã có dự cảm không lành nhưng vẫn động viên em cố gắng không nên suy nghĩ tiêu cực, đồng thời dặn dò em không tiếp xúc gần với bất kỳ ai”. Sau đó ngay lập tức chị cùng chính quyền chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, rồi chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao đảm bảo công tác phòng dịch được thực hiện nhanh, cách ly những người tiếp xúc gần nhưng đồng thời không gây hoang mang cho người dân. “Sau khi có danh sách những người tiếp xúc gần tôi cùng với 1 đồng chí chính quyền, 1 công an lặng lẽ đến gặp từng người vừa điều tra tiếp F2, vừa “hạ lệnh” bắt buộc họ phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, nếu ai không nghe thì để đồng chí công an nói chuyện tiếp”, chị Bình nhớ lại.

Những ngày đó 4 y bác sỹ của trạm làm việc ngày đêm không nghỉ, thậm chí họ còn mang sẵn quần áo lên để thay, dặn dò người nhà vì công việc nên thời gian này sẽ không về, xác định làm việc 24/24h tại trạm. Chị bộc bạch “Lúc đó, chúng tôi làm việc liên tục không ngừng nghỉ với nỗ lực kiểm soát ca bệnh. Tôi biết rằng nhân viên của trạm đều thấy bất an, lo lắng nhưng mình không làm thì ai làm, đây chính là trách nhiệm của người thầy thuốc. Những lúc ấy tôi động viên họ bằng cách nêu cao trách nhiệm của bản thân, và một khi mình có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì không lo gì cả”.

Sự kết hợp khéo léo, tinh tế giữa các y bác sỹ cùng chính quyền địa phương giúp cuộc sống của nhân dân Định Hòa không bị xáo trộn khi có hung tin, không những thế người dân còn rất ủng hộ, tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch đã đề ra của chính quyền và cơ quan chức năng.

Ngược lại với “sức nóng” của Định Hòa, đến với Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa ta cảm thấy sự an toàn, bình yên giữa mùa dịch. Không phải vì người dân ở đây không sợ đại dịch mà vì họ tin tưởng vào công tác phòng dịch và vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở. Theo anh Lê Đình Quê - Trạm trưởng TYT xã Hoằng Thành thì lâu lắm rồi địa phương không để xảy ra dịch bệnh nào. Từ những tháng cuối năm 2019, anh Quê đã biết đến dịch bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc và thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh. Khi đó trên thế giới rất nhiều quốc gia chủ quan với dịch bệnh này, tôi biết đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, vì vậy, ngay trước Tết Nguyên đán tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương nắm bắt số lượng người di dân, nhất là những lao động tự do từ Trung Quốc trở về. Sau đó, chúng tôi chủ động tiếp cận đối tượng và đề nghị được theo dõi sức khỏe tại nhà. “Rất may những đối tượng chúng tôi theo dõi đều có sức khỏe ổn định”, anh Quê cho biết.

Trong 3 tuần cách ly xã hội, tránh tụ tập đông người, theo anh Quê thì biện pháp hiệu quả nhất là “chủ động để tách”, nghĩa là phải chủ động có được thông tin nơi nào, ở đâu, thời gian nào sẽ có đông người mà đi trước một bước “tách” họ ra. Theo đó, qua thông tin của tổ giám sát biết có gia đình sắp tổ chức đám cưới con, tôi cùng với các thành viên trong tổ giám sát đến gia đình họ để phân tích, vận động gia đình chỉ nên gặp gỡ hai bên còn tiệc cưới nên hoãn lại. Với đám hiếu thì vận động gia đình tổ chức nhanh, gọn, tuyệt đối không kéo dài thời gian, phân chia người đến viếng theo khung thời gian nhất định, khuyến khích tất cả mọi người nên đeo khẩu trang, đồng thời cấp nước rửa tay cho gia đình. Qua đó, tổ giám sát đã vận động được 6 đám hiếu, hỉ tổ chức gọn nhẹ, không mở tiệc. Vừa thực hiện công tác phòng dịch, TYT vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân. Được biết TYT Hoằng Thành là một trong những TYT tốp đầu của huyện trong khám và điều trị sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương.

Tinh thần và trách nhiệm của những người như chị Bình, anh Quê đã tạo nên tấm lá chắn vững chắc ở cơ sở. Cùng với tổ giám sát thôn, bản và chốt kiểm dịch làm thành những bức tường ngăn dịch đầy chắc chắn và vững vàng.

Anh Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa, nói: "Các y bác sỹ TYT vốn đã phải thực hiện nhiều chương trình, hoạt động cộng đồng. Mùa dịch còn vất vả hơn bao giờ hết, mỗi khi có trường hợp nghi ngờ mắc, liên quan với người bệnh là phải lập tức lên đường, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xử lý. Trong khi đó, mỗi trạm chỉ vài nhân viên mà khối lượng công việc lại nhiều. Có đồng hành với họ những ngày này mới thấu hiểu hết được những vất vả mà họ đã trải qua”.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]