(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Gần 10 năm theo “nghiệp” báo, tôi đã có nhiều chuyến băng rừng, vượt núi khá gian nan, vất vả, song những chuyến điền dã, xuyên rừng già ở huyện Thường Xuân đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tâm sự chuyện nghề: “Cái duyên” với rừng già Thường Xuân

(VH&ĐS) Gần 10 năm theo “nghiệp” báo, tôi đã có nhiều chuyến băng rừng, vượt núi khá gian nan, vất vả, song những chuyến điền dã, xuyên rừng già ở huyện Thường Xuân đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên.

Cuối năm 2013, khi biết thông tin có hàng chục đối tượng chuyên khai thác đá thạch anh trái phép trong rừng sâu huyện Thường Xuân, tôi đã lân la dò hỏi các thông tin. Biết chắc vị trí các đối tượng phá rừng để đào bới các hố khai thác tại khu đồi Tỷ, thuộc đất rừng của xã Xuân Lẹ - giáp huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An, tôi đã háo hức lên đường.

Ngặt nỗi, rừng sâu hun hút khó lần theo dấu chân người, lại chưa từng đến nơi này nên không thể xác định được quãng đường mòn gần 10 km trong những cánh rừng để đến đồi Tỷ. Mặt khác, sẽ vô cùng nguy hiểm nếu người lạ đối mặt với các đối tượng “đá tặc” ngay trong “lãnh địa” họ đang làm mưa làm gió. Sau một ngày làm công tác thuyết phục, đồng chí Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ đã đồng ý cử “đoàn liên ngành” gồm 2 dân quân, 1 công an xã và một đồng chí phó Chủ tịch UBND xã đồng hành với chúng tôi. Phía Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân cũng đồng ý “nhả người” khi cử một kiểm lâm viên theo đoàn.

Với kinh nghiệm nhiều lần đi rừng, tôi đã chuẩn bị quần áo thể thao, giầy leo núi và những vật dụng cần thiết cho việc tác nghiệp. Sáng hôm sau, từ 6 giờ, đoàn công tác đã lỉnh kỉnh đồ đạc, tiến vào rừng sâu theo những con đường mòn. Đến giữa buổi, con đường dần nhỏ lại do ít dấu chân người qua lại. Cây cối um tùm che khuất lối, chúng tôi phải vạch cây rừng tìm lối đi. Nhiều đoạn đường dốc qua các triền núi, chỉ đi cách nhau vài mét mà đầu người này như muốn chạm gót người kia. Trong ít phút giải lao giữa rừng, tôi vén ống quần thì đã thấy một vài chú vắt rừng đã no tròn bụng máu vẫn đang bám chặt vào chân.

Chinh phục con đường rừng đầy gian nan, băng qua tổng cộng 7 ngọn đồi lẫn dãy núi, đến khoảng 13 giờ chiều, tôi bỗng “tỉnh” hẳn người khi nghe thông báo đã đến đồi Tỷ. Những hố khai thác đầu tiên được khoét vào các vách núi đất hiện ra. Tiếp tục lên triền đồi, những khoảng rừng tan hoang bởi các hố sâu cùng hiện tượng sạt lở. Hàng trăm thân cây cổ thụ đường kính đổ ngổn ngang do những hố khai thác dày chi chít trên các triền dốc cùng những cơn mưa rừng trước đó gây nên.

Tác giả trong một chuyến xuyên rừng (ảnh từ Facebook tác giả).

Khoảnh khắc thú vị nhất với tôi chính là lúc tiếp cận với gần 10 lán trại của các đối tượng “đá tặc”. Thấy lực lượng chức năng, những đối tượng này liền hô hoán nhau ào ào tháo chạy mất dạng vào rừng sâu. Thành quả của chuyến băng rừng đầy kỷ niệm là bài viết: “Thâm nhập lãnh địa khai thác thạch anh trong rừng Thường Xuân”, sau đó đạt giải C, Giải thưởng báo chí Trần Mai Ninh do Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Sau những chuyến đi thực tế cho thành quả là những bài viết tâm đắc, tôi càng hào hứng lên đường. Ít tháng sau đó, sang năm 2014, rừng già Thường Xuân lại đón tôi thêm 2 chuyến đi nữa: một là đi khám phá thác Trai Gái, hai là chuyến tìm lại dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn. Với chuyến vạch rừng tìm dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn, dẫn đầu đoàn công tác là anh Nguyễn Thanh Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng (nay đã nghỉ công tác) - người khá am tường vùng đất này, chúng tôi cũng mất trọn một ngày để chinh phục dãy Pù Mé và đỉnh Pù Sèo – ngọn núi được cho là cao nhất vùng Thường Xuân, Thọ Xuân, Ngọc Lặc…

Trên đỉnh cao nhất của dãy Pù Mé, có thể quan sát cả một vùng rộng lớn của miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa. Theo phân tích của các nhà sử học tại hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn” vào cuối năm 2013 mà tôi được dự, cùng với núi Pù Rinh ở huyện Lang Chánh, Pù Mé chính là dãy núi có ý nghĩa lớn về mặt quân sự...

Để đánh dấu sự có mặt của chúng tôi trên dãy núi lịch sử này, anh Lâm đã lấy trong ba lô ra một lá cờ Tổ quốc, chặt nứa rừng làm cán rồi cắm trên đỉnh cao nhất. Nhìn lá cở đỏ sao vàng bay phần phật trong gió ở nơi cao hơn 1.000m so với mực nước biển, ai cũng xúc động và tự hào.

Nhà báoLê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]