(vhds.baothanhhoa.vn) - Kỳ diệu thay, lịch sử dân tộc Việt Nam đã gắn nhiều mùa xuân với những chiến công oanh liệt hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ở thời đại Hồ Chí Minh ta luôn nhớ về một mùa xuân đầy ấn tượng, đó là mùa Xuân 1968 - một mùa xuân“hơn hẳn mấy xuân qua”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng Tết Mậu Thân 1968

Kỳ diệu thay, lịch sử dân tộc Việt Nam đã gắn nhiều mùa xuân với những chiến công oanh liệt hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ở thời đại Hồ Chí Minh ta luôn nhớ về một mùa xuân đầy ấn tượng, đó là mùa Xuân 1968 - một mùa xuân“hơn hẳn mấy xuân qua”.

Giữa năm 1967, quân Mỹ ở miền Nam là 48 vạn tên, gồm 9 sư đoàn và 3 lữ đoàn, chiếm tỷ lệ rất cao so với tổng số lực lượng thường trực của nước Mỹ.

Tháng 12/1967, Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã thông qua một Nghị quyết lịch sử: “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Đây là nhiệm vụ nặng nề và cấp bách, đòi hỏi quân, dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc nỗ lực vượt bậc với những cố gắng cao nhất. Bộ Chính trị chủ trương: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ở cả hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Thực hiện theo phương hướng đó, để thu hút vây hãm và giam chân tiêu diệt một bộ phận quân cơ động Mỹ, tạo thế cho các chiến trường tiến công và nổi dậy, đêm 20 rạng ngày 21/1/1968 quân ta tiến hành mở mặt trận Khe Sanh, đánh vào hầu hết các vị trí của địch ở Đường số 9. Tướng Mỹ - Oétmôlen vội vã tăng cường tập trung quân chống giữ, ném bom Khe Sanh và khu vực giới tuyến. Nhà Trắng và Bộ quốc phòng Mỹ đã dự đoán: "Tiến tới có khả năng cách mạng miền Nam có thể tập trung lực lượng tạo ra “một Điện Biên Phủ” ở Khe Sanh”.

Trên chiến trường nước bạn Lào, từ ngày 12 đến ngày 27/1/1968, bộ đội Pathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch và chiến thắng ở Nậm Bạc. Chiến thắng Nậm Bạc đã phối hợp nhịp nhàng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam.

Bộ đội ta tiến đánh căn cứ địch ở Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị.

Trong khi Mỹ - Ngụy đang bị hút vào “cái bẫy đường 9”, thì đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968 tổng tiến công và nổi dậy đợt một đã được phát động trên toàn miền Nam từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Quân và dân ta ở miền Nam đồng loạt tiến công địch ở 4/6 thành phố, 37/40 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận, lỵ. Hầu hết các cơ quan đầu não từ Trung ương đến địa phương đều bị tiến công.

Ở các thị xã, thị trấn khác thuộc đồng bằng Nam Bộ, ta đã tiến công 13 trong số 14 thị xã (trừ thị xã Long Xuyên). Ở thị xã Bến Tre, Mỹ Tho, ta đánh và giữ được các vị trí đã chiếm trong 3 ngày đêm. Lực lượng tiến công thị xã Trà Vinh gặp khó khăn nên quay trở ra đánh địch, giải phóng nhiều vùng ở nôngthôn.

Ngày 19/11/1967, Khu ủy Trị - Thiên nhận chỉ thị của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, trong đó xác định Huế là một trong chiến trường trọng điểm của miền Nam (Sài Gòn - Huế).

Đúng kế hoạch đã định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở mặt trận Huế bắt đầu lúc 2 giờ 33 phút ngày 31/1/1968 (mùng 3 Tết Mậu Thân), đảm bảo đúng thời gian hợp đồng với các chiến trường khác trong toàn miền Nam. Đến 8 giờ sáng, lá cờ của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình thành phố Huế đã tung bay trên đỉnh Cột Cờ trước mặt Ngọ Môn.

Trong 26 ngày đêm chiến đấu (31/1 đến 26/2), làm chủ thành phố, quân và dân Thừa Thiên Huế đã làm tan rã hầu hết hệ thống chính quyền địch từ tỉnh đến xã, thôn. Trên 200.000 dân ở 271 thôn được giải phóng.

Trên chiến trường quân Khu 5, bộ đội ta đồng loạt tiến công các thị xã: Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Hội An, và 40 quận lỵ, thị trấn.

Đúng giờ G (tức 2h33 phút ngày 31/1/1968 (ngày mùng 3 Tết Mậu Thân),bộ đội chủ lực Tây Nguyên tiến công thị trấn Tân Cảnh, thị xã Buôn Mê Thuột, Plei-cu, Kon Tum...

Trong khi bộ đội tiến công các mục tiêu trong thành phố, thị xã, thị trấn, thì quần chúng khắp nơi nổi dậy, chi viện tác chiến, phá chính quyền ngụy, diệt ác, trừ gian, giải tán dân vệ, giành quyền làm chủ. Có nơi, quần chúng tự vệ vũ trang cùng bộ đội đánh địch phản kích. Những buổi trao súng cho bộ đội, tiễn đưa thanh niên tòng quân diễn ra sôi nổi ở các phố, phường.

Ở Tây Nguyên, hàng vạn đồng bào các dân tộc bị địch gom vào các khu tập trung, ấp chiến lược đã nổi dậy trở về buôn làng cũ.

Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam. Đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ... cùng lúc lực lượng tự vệ và nhân dân tiến công các cơ quan chính quyền ngụy và đã làm chủ nhiều nơi.

Thắng lợi của đòn tiến công Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam cũng như cả nước chuyển sang một giai đoạn mới hết sức quan trọng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định lòng quả cảm của quân và dân ta.

Thắng lợi này, đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, làm rung chuyển cả nước Mỹ, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải chủ trương "phi Mỹ hóa" chiến tranh, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với ta ở Hội nghị Paris, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược của Mỹ.

Chiến thắng Tết Mậu Thân, là lời cảnh báo cho những ai trên thế giới này vẫn còn tham vọng đạt được điều gì đó bằng cách gây chiến tranh xâm lược thì hãy dừng bước, hãy yêu quý hòa bình và biết cách giải quyết các vấn đề bất đồng bằng con đường hòa bình.

Chiến thắng Tết Mậu Thân còn là biểu hiện ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; là biểu hiện sức sáng tạo và tài mưu lược trong nghệ thuật chiến tranh của Đảng ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ giải phóng quân anh dũng hy sinh trong tư thế hiên ngang đứng bắn quân thù, làm chúng vô cùng khiếp sợ. Đó là hình tượng “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.

Ngày nay, tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta được sống trong hòa bình, cuộc sống đang ngày một no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là nhờ có những “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”, nhờ những hy sinh vô cùng to lớn của biết bao người đi trước. Điều đó gợi cho chúng ta phải biết sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả và anh dũng của họ. Trách nhiệm của chúng ta và các thế hệ mai sau là phải mãi mãi giữ gìn, bảo vệnhững thành quả cách mạng đó.

Nguyễn Văn Thanh


Nguyễn Văn Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]