(vhds.baothanhhoa.vn) - Vì hữu duyên mà tôi đã chạm tay vào cuốn tản văn của Lê Hồng Lam “Những mảnh ký ức viết bằng bút chì”. Một tối nọ, cô con gái bé nhỏ của tôi thầm xuýt xoa và lặng im rung động khi nghe tôi đọc những dòng tản văn trong cuốn sách ấy, là lúc ấy, tôi biết mình nên cầm bút viết những dòng này để sẻ chia cùng mọi người.

Tản văn Lê Hồng Lam - Nỗi niềm của người muốn yên thân và thanh bần

Vì hữu duyên mà tôi đã chạm tay vào cuốn tản văn của Lê Hồng Lam “Những mảnh ký ức viết bằng bút chì”. Một tối nọ, cô con gái bé nhỏ của tôi thầm xuýt xoa và lặng im rung động khi nghe tôi đọc những dòng tản văn trong cuốn sách ấy, là lúc ấy, tôi biết mình nên cầm bút viết những dòng này để sẻ chia cùng mọi người.

Tản văn Lê Hồng Lam - Nỗi niềm của người muốn yên thân và thanh bần

Trong lời tự bạch đầu sách, Lê Hồng Lam tự nhận mình là người muốn yên thân và là người muốn thanh bần, lại thích chốn hoang vu, nhưng cũng đầy mâu thuẫn khi muốn đi khắp Đông, Đoài để ngắm nhìn thế giới, được sẻ chia những nhọc nhằn và tự trào nhếch môi cười những kệch cỡm, sân si. Nói là muốn yên thân, nhưng tâm còn động lắm, những vang động của cuộc đời cứ chạm vào mãi tâm trí của Lê Hồng Lam, để rồi theo dặm dài đất nước, nơi nào anh qua, nơi ấy có những dòng thật đẹp để lại.

Hà Nội, quê Thanh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Sài Gòn và cả những con đường xa ngái. 7 chương sách là 7 dấu ấn nhớ thương đến cồn cào, thú vị đến ngẩn ngơ trong ánh mắt trong trẻo mỗi lần khám phá của Lê Hồng Lam với đất và người trong nước, nước ngoài.

Như trên đã nói, muốn là người yên thân nhưng tâm còn động rất đúng với Lê Hồng Lam. Hà Nội - những ngày hết mùng trong mắt Lê Hồng Lam có cả chất thơ và thế sự ngẫm suy. “Trời Hà Nội đẹp, buổi tối bảng lảng như mùi hương trầm gần tàn lụi, như lá bánh trên mâm sắp được dọn đi”. “Những cành đào bung nở rũ rượi... mấy ngày trước còn nâng niu kiêu hãnh, còn thiêng liêng xì xụp vuốt ve. Tôi trân trối nhìn mà thấy hơi bất nhẫn. Một xã hội tiêu dùng dần thừa mứa đang trở nên ráo hoảnh”.

Nếu không có những dòng thế sự ấy, chắc chắn những dòng tản văn của Lê Hồng Lam sẽ trôi tuột trong tâm trí tôi. Sự neo đậu lại ấy có lẽ là từ một tấm lòng nghĩ suy, sâu hơn và xa hơn từ cảnh vật. Ngẫm lại, văn hay, ám ảnh là nhờ tư tưởng. Ý tứ khắc cốt là bởi tâm tư dốc lòng, vì con người và cho con người, điều đó luôn đúng.

Anh vẫn giữ phong thái ấy khi viết về Sapa. Sapa mảnh đất thơ và tình trong con mắt ngày trở lại của Lê Hồng Lam thật có chút xót xa. “Nói cả Sapa như một Đại công trường thì hơi quá, nhưng cô sơn nữ mộc mạc, xinh xắn, yêu kiều thủa nào đang chuyển mình thành gái phố KT3 phấn son lòe loẹt tiếng Kinh chưa sõi nhưng khi nói chuyện thi thoảng chêm vào vài tiếng Ăng-lê... Và tâm hồn vì yêu vì đến, vì thương mà nặng nợ nặng trĩu với câu hỏi đau đáu: “Chúng ta còn lại gì với những khối bê-tông bong tróc, những núi rác và những khuôn mặt người mỏi mệt khô cằn đi kiếm từng xô nước sạch, giương mắt nhìn những triền đồi sạt lở, những dòng suối cạn trơ đáy vàng khè...”.

“Tôi lặng lẽ đi ra, bước chầm chậm phóng tầm mắt nhìn những rặng núi vấn vít mây phủ bốn mùa nơi xa xôi tít tắp”.

Khi đọc những dòng này, tôi luôn cố tự hỏi: Lê Hồng Lam sẽ nghĩ gì trong bước hành trình lặng lẽ ấy. Những điều mắt thấy tai nghe, chắc điều chưa vui còn nhiều hơn niềm vui góp nhặt, thì lòng người có yên thân được không đây?.

Là một con người phải yêu quý thiên nhiên đến dường nào, trân quý vẻ đẹp tự nhiên đến nhường nào, nên Lê Hồng Lam mới thốt lên rằng: “Thiên nhiên và những giá trị cao quý thường chậm rãi và lâu biến chuyển, được tạo ra sau hàng vạn năm, hàng triệu năm chắt chiu gom góp mới thành lấp lánh vững bền”.

Món quà thiên nhiên vô giá ấy đã được Lê Hồng Lam nâng niu và luôn nói về nó như một ước mơ thật đẹp trong bài “Giấc mơ Tây Tạng”. Lê Hồng Lam không dành thời lượng để kể và tả về những điều mình thấy và cảm nhận trên hành trình ấy đến Tây Tạng, bởi tác giả cho rằng luôn cảm thấy bé nhỏ trước những điều kỳ vĩ của tạo hóa, thiên nhiên. Chuyến hành trình ấy như một giấc mơ mà khi tỉnh lại, có điều nhớ có điều không. Đọng lại chỉ là ấn tượng và xúc cảm. Tác giả đã luôn cho rằng đến được vùng đất Tây Tạng phải hội tụ đủ 4 yếu tố như cơ duyên, thời gian, sức lực và tiền bạc. Và cho đến khi viết, tác giả vẫn còn nguyên cảm giác choáng ngợp khi mỗi lúc Lhasa ở lại ở phía sau xa hơn, thì trên những đỉnh gió núi mây ngàn trứ danh thế giới từ bao đời nay, phong cảnh càng đẹp đẽ, tráng lệ và hùng vĩ đến lặng người. Thiên nhiên càng vĩ đại, con người càng bé nhỏ. Tâm thức ấy nghìn thu bao tao nhân đã trải nghiệm. Chỉ có điều, Lê Hồng Lam lại cảm nhận thêm một chút đó là: “Khi loay hoay trong cái kén nhỏ chật và tiện nghi của mình, với tầm mắt vừa đủ quét qua tấm biển quảng cáo đã vô tình hay hữu ý trở thành những kẻ vô ơn với thiên nhiên”.

Có lẽ, tôi sẽ chưa đủ tài năng và đủ sự bao quát để nhận định tản văn Lê Hồng Lam được định vị như thế nào trong làng tản văn đương đại của rất nhiều cây viết trẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn dám khẳng định: Một ngòi bút hay một áng văn luôn có sức quyến rũ nhất định với người đọc khi người đó dám bộc lộ cái tôi cá nhân cùng phong cách nghệ thuật của riêng mình. Lê Hồng Lam là một người viết tản văn duyên dáng. Sự duyên dáng ấy bắt nguồn từ một tâm hồn yêu thiên nhiên, giá trị của tự nhiên đến da diết, cháy bỏng. Vẻ đẹp ngôn từ trong tản văn của Lê Hồng Lam như người con gái đôi khi còn chưa tự ý thức về sắc đẹp, dung mạo của mình. Cũng chả sao, Lê Hồng Lam luôn muốn là người yên thân và thanh bình mà. Ồn ào và khêu gợi quá cũng chẳng cần thiết lắm đâu. Tuy nhiên, trong vai một người mẹ, đêm đêm tôi sẽ luôn chọn những áng tản văn ngắn, đẹp và tha thiết với thiên nhiên như tản văn Lê Hồng Lam để bồi dưỡng tâm hồn cho những người con yêu dấu của mình. Đó là điều tôi chắc chắn!.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]