(vhds.baothanhhoa.vn) - Chúng tôi có mặt ở thành phố biển Sầm Sơn vào những ngày cận kề diễn ra khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024 vào ngày 27/4. Không khí rộn ràng, tất bật khi các dự án trọng điểm tại TP Sầm Sơn đang được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện; các cơ sở lưu trú chuẩn bị nhân lực, vật lực, đảm bảo các điều kiện cho du khách ăn, nghỉ, vui chơi khi đến với Sầm Sơn.

Tạo việc làm cho người lao động ở các khu, điểm du lịch

Chúng tôi có mặt ở thành phố biển Sầm Sơn vào những ngày cận kề diễn ra khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024 vào ngày 27/4. Không khí rộn ràng, tất bật khi các dự án trọng điểm tại TP Sầm Sơn đang được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện; các cơ sở lưu trú chuẩn bị nhân lực, vật lực, đảm bảo các điều kiện cho du khách ăn, nghỉ, vui chơi khi đến với Sầm Sơn.

Tạo việc làm cho người lao động ở các khu, điểm du lịchKhu du lịch Pù Luông (Bá Thước) với đội ngũ người lao động chủ yếu là người dân bản địa, am hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa địa phương. Ảnh: CTV

Người lao động tìm việc làm nơi thành phố biển

Thời điểm TP Sầm Sơn rộn ràng chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch biển năm 2024 cũng là khi anh Mai Văn Nam (sinh năm 1997), quê xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn đến khách sạn Nhân Đức, có địa chỉ tại 89, Hồ Xuân Hương, phường Trung Sơn để đăng ký làm việc ở vị trí quản lý bộ phận nhà bàn. Đã nhiều năm nay, vào dịp cao điểm du lịch, anh Nam lại sắp xếp công việc gia đình rồi đến Sầm Sơn tìm việc.

Anh Lương Thanh Minh, đại diện khách sạn Nhân Đức, cho biết: Hiện tại khách sạn gia đình tôi có 105 phòng nghỉ, sức chứa hơn 400 người. Ngoài hệ thống phòng nghỉ, chúng tôi bố trí dịch vụ ăn uống, phòng ăn tại khách sạn. Từ những ngày đầu tháng 4, khách sạn bắt đầu chỉnh trang, dọn dẹp, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống tủ lạnh, điều hòa, các phòng ăn, phòng nghỉ... Những tháng cao điểm du lịch từ tháng 4 đến đầu tháng 9, khách sạn cần 40 - 50 lao động làm việc ở vị trí lễ tân, buồng phòng, nhà bếp, bảo vệ, kỹ thuật điện nước. Mức lương chi trả cho người lao động tại khách sạn từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ở các vị trí quản lý, trưởng buồng phòng, bếp, khách sạn lựa chọn lao động có tay nghề, có chứng chỉ qua đào tạo, tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. Người lao động được khách sạn tuyển dụng tại địa phương và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Nếu như anh Mai Văn Nam lựa chọn khách sạn là nơi đăng ký làm việc thì chị Cao Thị Hạnh, sinh năm 1981, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) lựa chọn công việc lái xe điện làm nghề mưu sinh. Chị Hạnh và chồng chị đã làm nghề lái xe điện được hơn 4 năm, thu nhập không cao nhưng ổn định, đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 3 con ăn học. Chị Hạnh cho biết: Hàng năm, những người làm nghề lái xe điện, xe xích lô, nhiếp ảnh... đều được TP Sầm Sơn tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng thuyết minh, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, các điểm vui chơi giải trí, các lễ hội trên địa bàn, các tour du lịch kết nối với các khu du lịch trong tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch Sầm Sơn an toàn, văn minh, thân thiện.

Đồng hành cùng người lao động

Với quyết tâm xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; tìm kiếm, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, góp phần đưa thương hiệu du lịch Sầm Sơn từng bước được khẳng định.

Tạo việc làm cho người lao động ở các khu, điểm du lịchAnh Mai Văn Nam, quê xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn đang làm việc tại khách sạn Nhân Đức (TP Sầm Sơn). Ảnh: Thảo Nguyên

Đến nay, TP Sầm Sơn có hơn 700 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác, công suất sử dụng phòng nghỉ năm sau cao hơn năm trước. Bởi vậy, nhu cầu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tăng cao, đặc biệt vào đợt cao điểm mùa du lịch.

Ông Lê Văn Khoa, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Sầm Sơn, cho biết: Thành phố hiện có hơn 112.326 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động gần 70.000 người. Hàng năm, chúng tôi rà soát lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển đổi nghề do ảnh hưởng bởi thực hiện các dự án để giới thiệu việc làm. Triển khai các văn bản của các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhằm tạo điều kiện cho con em địa phương đăng ký tham gia ứng tuyển. Tham mưu tổ chức tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, chủ các cơ sở kinh doanh và người lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch theo hướng chuyên sâu. Khuyến khích các cơ sở cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức 8 lớp cho 2.414 cán bộ quản lý, người trực tiếp tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách.

Thanh Hóa là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh và đa dạng về loại hình du lịch, với nhiều khu, điểm du lịch hình thành, từ đó, thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia. Ở các khu du lịch biển, đội ngũ người lao động ở khắp mọi miền tìm đến để tìm kiếm việc làm vào những dịp cao điểm du lịch, thì ở các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng thuộc các huyện miền núi, đội ngũ người lao động chủ yếu là người dân bản địa, với lợi thế am hiểu về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên...

Bá Thước - huyện vùng cao với nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, những năm qua đã tăng cường công tác tuyên truyền, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch.

Ông Hà Nam Khánh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Bá Thước được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hùng vĩ, khí hậu mát mẻ; có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 102 cơ sở lưu trú, trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng là 82 cơ sở, với 119 nhà sàn, 168 bungalow, công suất đón khoảng trên 2.800 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 420 lao động địa phương và tạo việc làm cho hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch. Với những nét đặc trưng riêng, địa phương chú trọng xây dựng đội ngũ người lao động am hiểu về văn hóa truyền thống, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên... Huyện Bá Thước đã và đang đề ra giải pháp ưu tiên phát triển nguồn nhân lực lao động trực tiếp, đặc biệt là người dân tộc thiểu số bằng các hình thức hỗ trợ học phí, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng miễn phí. Nâng cao nhận thức về du lịch cho Nhân dân về phong cách giao tiếp, ứng xử với khách du lịch; hỗ trợ giáo dục, chia sẻ lợi ích cộng đồng cho những người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Bá Thước đến với mọi miền, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]