(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong số các vị chúa họ Trịnh, Tây Định vương Trịnh Tạc khá đặc biệt. Bởi ông chứng kiến hầu hết các cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn trong thế kỷ XVII và là người có công trong việc chấm dứt cát cứ họ Mạc ở phía Bắc. Đồng thời, chúa Trịnh Tạc cũng được sử sách nhắc đến với những cải cách trong việc điều hành bộ máy đất nước thời bấy giờ.

Tây Định vương Trịnh Tạc

Trong số các vị chúa họ Trịnh, Tây Định vương Trịnh Tạc khá đặc biệt. Bởi ông chứng kiến hầu hết các cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn trong thế kỷ XVII và là người có công trong việc chấm dứt cát cứ họ Mạc ở phía Bắc. Đồng thời, chúa Trịnh Tạc cũng được sử sách nhắc đến với những cải cách trong việc điều hành bộ máy đất nước thời bấy giờ.

Tây Định vương Trịnh TạcHoằng Tổ Dương vương Trịnh Tạc được thờ tại Khu Di tích phủ Trịnh.

Tài cầm quân đánh trận

Sinh năm 1606, Trịnh Tạc là con trai chúa Trịnh Tráng, cháu nội chúa Trịnh Tùng. Từ nhỏ, Trịnh Tạc đã được nuôi dạy nghiêm khắc. 9 tuổi đã được phong làm Tây Quận công. Dù không phải con trai trưởng nhưng sau khi người anh là Trịnh Kiều qua đời, Trịnh Tạc được kế vị. Đến khi chúa Trịnh Tráng qua đời, Trịnh Tạc chính thức trở thành vị chúa Trịnh thứ 3 nắm quyền. Chúa Trịnh Tạc là người chứng kiến toàn bộ những lần xung đột Trịnh - Nguyễn trong lịch sử.

Theo đó, ở lần xung đột, giao tranh thứ nhất (năm 1627), bấy giờ nhà Minh ở phương Bắc đang chống đỡ với quân Mãn Thanh, họ Mạc ở Cao Bằng thì sợ hãi, chúa Trịnh Tráng đã “mượn quyền” vua Lê để vào đất Thuận Hóa đòi họ Nguyễn tiền thuế nhiều năm không nộp, song bất thành. Liền sau đó, Trịnh Tráng rước vua Lê vào Nam “hỏi tội” chúa Nguyễn. Tuy nhiên bị quân Nguyễn chống trả quyết liệt nên đành rút quân về.

Năm 1630, chúa Sãi ở Đàng Trong nghe theo lời Đào Duy Từ sai người đem sắc dụ ra trả lại vua Lê, đồng thời lại sai tướng đánh lấy phía Nam sông Linh Giang để chống quân Trịnh. Năm 1633, nhân cơ hội nội bộ họ Nguyễn lục đục, chúa Trịnh Tráng lại đem quân đóng ở cửa Nhật Lệ. Sau đó, thấy sự bất thành, chúa Trịnh Tráng lại rút quân về đất Bắc.

...Trong những lần đầu quân Trịnh - Nguyễn giao tranh, Trịnh Tạc được chúa Trịnh Tráng giao trấn thủ xứ Sơn Nam - một trong những trấn quan trọng của nhà Lê - Trịnh ở phía Bắc. Đến lần giao tranh thứ 5, Trịnh Tạc mới trực tiếp tham chiến.

Năm 1655, chúa Hiền ở Đàng Trong sai “hổ tướng” Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đem quân vượt Linh Giang đánh Bắc Bố Chính khiến tướng họ Trịnh phải đầu hàng. Thừa thắng, quân Nguyễn lại dẫn quân tiến đánh đồn Hà Trung, tướng nhà Lê - Trịnh không chống đỡ được, buộc phải rút về giữ An Trường (Nghệ An). Sau đó, một số tướng họ Trịnh cũng dẫn quân đi ứng cứu nhưng đều thất bại. Trước tình thế ấy, chúa Trịnh Tráng sai con trai là Trịnh Tạc vào đất Nghệ An thống lĩnh đại quân chống lại quân Nguyễn.

Tây Định vương Trịnh Tạc

Hoằng Tổ Dương vương Trịnh Tạc là vị chúa Trịnh đời thứ 3.

Khi Trịnh Tạc đến, với tài cầm quân đánh trận, Trịnh Tạc khiến quân Nguyễn không khỏi lo sợ, đề phòng, buộc rút lui, không dám tiến thêm. Tuy nhiên, đang trên đà thắng, ngoài đất Bắc có chiến sự, Trịnh Tạc lại phải trở ra, việc cầm quân được giao cho Ninh Quốc công Trịnh Toàn.

Sau khi chúa Trịnh Tráng qua đời, Trịnh Tạc nắm giữ cơ nghiệp họ Trịnh, vì nghi người em trai cùng cha khác mẹ là Trịnh Toàn có “lòng riêng”, Trịnh Tạc đã cho triệu ông về kinh, đồng thời giao việc trấn giữ đất Nghệ An cho con trai là Trịnh Căn.

Năm 1661, chúa Trịnh Tạc lại cử đại binh vào Đàng trong đánh quân Nguyễn. Có sự chuẩn bị đề phòng cẩn trọng nên quân Nguyễn không nao núng, khiến quân Lê - Trịnh mệt mỏi, đánh mãi không thắng, Đến năm 1672, chúa Trịnh Tạc đem đại quân rước vua Lê vào đất Bắc Bố Chính với quyết tâm đánh quân Nguyễn. Tuy nhiên, quân Nguyễn cũng chống trả hết sức quyết liệt... Hai bên lấy sông Linh Giang (tức sông Gianh) làm giới tuyến.

Là người chứng kiến và trực tiếp tham gia các cuộc chiến giữa hai bên, chúa Trịnh Tạc hiểu hơn ai hết những tổn thất, mất mát mà cuộc nội chiến gây ra. Vì thế, sau lần giao tranh thứ 7, ông quyết định ngừng giao chiến, rút quân về Thăng Long. Từ đây, Đàng trong - Đàng ngoài dừng nội chiến.

Lại nói, bấy giờ ở phía Bắc, họ Mạc không yên phận, vẫn không ngừng đem quân quấy phá. Với quyết tâm quét sạch tàn quân họ Mạc, năm Đinh Mùi (1667) Trịnh Tạc dẫn đại binh, cùng các tướng đánh lấy đất Cao Bằng khiến Mạc Kính Vũ phải bỏ chạy sang phương Bắc. Từ đây, chúa Trịnh Tạc “chiêu dân về làm ăn và đặt quan cai trị, lại sai Vũ Vinh làm đốc trấn Cao Bằng, Đinh Văn Tả làm trấn thủ đất Thất Tuyền (tức là Thất Kê bây giờ)... Từ khi Mạc Mậu Hợp bị bắt, họ Mạc thất thủ Thăng Long, con cháu chạy lên mạn ngược, nhờ thế nước Tàu, được giữ đất Cao Bằng, tương truyền được 3 đời,... đến nay mới mất hẳn” (sách “Việt Nam sử lược”).

Kiến thiết đất nước, củng cố bộ máy theo lối "chính quy"...

Như vậy, với sự quyết tâm của chúa Trịnh Tạc, nhà Lê - Trịnh đã từng bước chấm dứt các cuộc nội chiến trong nước, tập trung vào việc kiến thiết đất nước. Ông chủ trương củng cố bộ máy theo lối “chính quy”, các văn thần phải thay phiên nhau vào ứng trực tại phủ chúa để giải quyết công việc, gọi là “nhập các”. Bên cạnh đó, với quyền lực nắm giữ, chúa Trịnh Tạc cũng đề ra chính sách mới về thuế khóa, ruộng đất nhằm giảm bớt những hệ quả của những năm tháng nội chiến gây ra.

Tây Định vương Trịnh Tạc

Làng Sóc Sơn nay thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) là quê hương của chúa Trịnh Tạc.

“Đời bấy giờ lại đặt ra một phép rất hay, như cấm không cho các quan viên lập trang trại ở chỗ mình làm quan, bởi vì thường có nhiều người ỷ quyền thế mà hà hiếp lấy ruộng đất của dân, rồi nuôi những đồ gian ác làm tôi tớ, để quấy nhiễu mọi người, đến nỗi có nhiều nơi dân phải xiêu tán đi. Ấy cũng là một việc đỡ hại cho dân và lại có thể giữ liêm cho quan vậy” (sách “Việt Nam sử lược”).

Đặc biệt, dưới thời chúa Trịnh Tạc, nhà chúa cũng đặt ra hai phép xử kiện. Chia việc kiện tụng làm hai thứ. Những việc “mưu, sát, đạo, kiếp” thì gọi là đại tụng; những việc “hộ, hôn, ẩu, đả” thì gọi là tiểu tụng. Quan xử kiện mà không hợp lẽ sẽ bị phạt tiền; còn những việc đã xử phải lẽ, mà người đi kiện vẫn kiện thì cũng sẽ bị phạt. Thời gian xét xử cũng được hạn định, lệ không được để lâu, tránh để phiền phức, mất việc của dân.

Cùng với đó, chúa Trịnh Tạc còn quan tâm đến các vấn đề về học hành thi cử, đặc biệt là việc soạn quốc sử. Nhà chúa sai quan Tham tụng là Phạm Công Trứ soạn sách sử kể từ vua Lê Trang Tông đến vua Lê Thần Tông (nhưng chưa in).

Dẫu còn những đánh giá khác nhau về chúa Trịnh Tạc song thẳng thắn nhìn nhận về đóng góp của ông cho thời đại, đó là những tâm huyết, nỗ lực của người đứng đầu Phủ chúa: “Về thời Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương làm chúa, thì ông nào cũng hết lòng lo việc trị dân và lại nhờ có những người tôi giỏi như Phạm Công Trứ,... hết sức giúp đỡ nên sửa sang được nhiều việc, nước được yên trị” (sách “Việt Nam sử lược”).

Ông Trịnh Văn Sơn, hậu duệ dòng họ Trịnh hiện đang trông coi tại Khu Di tích phủ Trịnh, chia sẻ: “Tây Định vương Trịnh Tạc (tức Hoằng Tổ Dương vương) là vị chúa Trịnh đời thứ 3. Với tài năng, đóng góp và tâm huyết, ông được sử sách nhắc nhớ, con cháu tự hào...”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]