Tết xưa - tết nay
Năm cũ dần khép lại, năm mới mở ra cũng là khi tết đang về. Mỗi năm đón tết, cùng với niềm vui, câu chuyện tết xưa - tết nay cũng được nhắc đến nhiều hơn. Rằng tết xưa có phải vui hơn tết nay?! Hay chuyện sắm tết, chơi tết, rồi đến những lễ tục ngày tết trước đây và bây giờ cũng khác... Những sự thay đổi khiến người ta có chút hoài niệm, thậm chí cả tiếc nuối.
Trong ngày Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu sắc thắm của hoa và mâm ngũ quả.
Gần 100 năm trước, cố nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên - một học giả tiêu biểu đương thời đã có những chuyên luận cặn kẽ, “phác họa” chân thực về Tết cổ truyền: “Phố phường có dáng vẻ rất nhộn nhịp và rất đẹp mắt... Người ta tranh nhau trả giá cao nhất củ thủy tiên nở bông đầu tiên đúng trong đêm giao thừa, cái cây trĩu quả đỏ, cành đào hoặc hải đường với vô số nụ... Bên trong mỗi ngôi nhà cần phải có bầu không khí nhuốm màu sắc rực rỡ là biểu tượng của hạnh phúc, điềm báo trước những sự kiện tốt lành, và những lá bùa có thể xua đuổi ma qủy cùng các ảnh hưởng độc hại... Các ông đồ nghèo, trong mười ngày trước tết, thuê góc các mặt cửa hàng hay vỉa hè trước đó, hoặc một góc phố, để bán những băng giấy đỏ đôi khi rắc phấn vàng hay bạc, những tấm biển trang trí hoa mà trên đó họ viết những câu đối hay những bức hoành phi nói đến năm đang bắt đầu, đến mùa xuân đang mở ra, đến gia đình hoặc chí hướng của người chủ”.
Rồi người ta lau dọn toàn bộ nhà cửa sạch sẽ, rửa đồ thờ bằng gỗ, đánh bóng lại đồ thờ bằng đồng hay thiếc; thay tro bát hương, cắm nến mới vào cây đèn nến, rửa bài vị bằng nước rễ cây thơm... Trong bếp người ta thay các viên gạch dùng làm kiềng... Người ta kho mắm hay kho tương, những nồi thức ăn truyền thống như cá, thịt bò và thịt lợn béo. Người ta muối hành hay dưa trước một tháng, gói những chiếc bánh chưng vuông vức theo hình quả đất được quan niệm là vuông, gồm một lớp ngoài gạo nếp, bên trong có đỗ giã nhỏ bọc những miếng thịt mỡ.
Đặc biệt, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, học giả Nguyễn Văn Huyên còn nhắc đến trẻ con như một niềm hy vọng. Ông viết: “Bọn trẻ con cũng không bị bỏ quên. Là hy vọng của tất cả các thế hệ ở đất nước này... chúng có phần tết của mình. Để phục vụ chúng, ở khắp nơi, đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. Bằng những nét vụng về và ngây thơ bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học rất sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột... Những tranh đó gợi lại một cách thật là sinh động và chua chát cuộc sống của kẻ giàu và người nghèo. Chúng kể lại các sự tích anh hùng lấy từ lịch sử dân tộc: Hai bà Trưng và nữ anh hùng Triệu Ẩu mặc chiến bào đang đánh đuổi những bọn áp bức...”.
Mỗi dịp tết đến, xuân về, người Việt lại “xin” chữ với mong muốn tốt lành.
Và ông khẳng định: “Trong dịp lễ này, từ Bắc chí Nam, cả nước đều hoan hỉ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi ở kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở”.
Tôi nhớ, những ngày mình còn nhỏ, mỗi lần tết về, cả mấy chị em cùng nhau quây quần cùng bố bên nồi bánh chưng luộc xuyên đêm. Không gian tĩnh lặng, mùi thơm gạo nếp quện tỏa lá gói bánh, cả mùi khói bếp nữa... Tất cả tạo nên một “hương vị” thật riêng, mà cho đến nay, tôi vẫn thường gọi đó là mùi tết. Bình thường, chỉ sau bữa cơm tối một lúc là chị em tôi đã buồn ngủ díp mắt. Vậy mà chẳng hiểu sao, những đêm thức cùng bố trông nồi bánh chưng lại không như thế. Và năm nào cũng vậy, bên nồi bánh sôi sình sình, chúng tôi lại đòi bố kể chuyện ăn tết xưa, rồi những “mùa tết” bố ở trong quân ngũ... Cứ như vậy, lim dim đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Để sáng hôm sau, thức dậy trong cái se lạnh của ngày giáp tết đã thấy mình đang cuộn tròn trong chăn ấm trên giường. Như sực nhớ, tôi chạy vội ra xem nồi bánh chưng thì thấy những chiếc bánh vuông vức đã được bố xếp gọn gàng, bên trên được đè bằng mấy tấm ván, có thêm vài viên gạch. Bố bảo, ép như thế để bánh được rền chắc, ngon hơn.
Còn mẹ tôi, từ ngày 23 tháng Chạp, bên cạnh việc đồng áng cấy hái thì bà cũng tất bật với những sắm sanh cho ngày tết được đủ đầy. Hôm nào đi chợ về, trong làn cũng lỉnh kỉnh những đồ. Hôm thì túi mộc nhĩ, măng khô, quả gấc chín; hôm lại vài bó hương, nải chuối... Vậy mà kiểu gì, đến phiên chợ cuối cùng của năm mẹ tôi cũng “phát hiện” ra mình còn quên một vài thứ chưa mua.
Nhắc đến phiên chợ ngày cuối năm, đó có lẽ là phiên chợ đông vui nhất trong năm ở quê tôi. Ngày 30 tết, người ta thường nói là đi chơi chợ tết. Mấy chị em tôi xúng xính trong bộ quần áo mới được mẹ đưa đi may hồi đầu tháng Chạp, nhưng phải đến hôm đó mới lấy ra mặc. Rồi cùng nhau theo mẹ đi chơi chợ tết. Những đào, quất, hoa, rồi quần áo, vải vóc, cau trầu, rau quả, tranh ảnh... tha hồ lựa chọn. Mà dường như trong phiên chợ ngày cuối năm ấy, người bán - người mua đều thoải mái, hào phóng, ít đòi thách và kỳ kèo trả giá. Và trên đường về, cùng với việc phụ mẹ xách đồ lỉnh kỉnh, kiểu gì chị em tôi cũng đòi được mẹ mua cho quả bóng bay mang về. Ngày ấy, những quả bóng bay cứ lơ lửng bay trong nhà dường như cũng là điều gì đó rất thú vị đối với những đứa trẻ.
Lớn lên, tôi có thể đã quên nhiều thứ, nhưng không hiểu vì sao, ký ức về những ngày tưởng chừng như xưa cũ lại không phai mờ, trở thành tết xưa trong tôi. Nó rõ ràng, sống động, dù rằng bây giờ, nhiều thứ đều đã thay đổi. Bởi lẽ, thấm thoát cũng đã mấy chục năm trôi qua.
Lớn hơn chút nữa, tôi hiểu hơn, Tết cổ truyền của dân tộc còn gọi là Tết Nguyên đán - buổi rạng đông của sự khởi đầu. “Chính vì ngày tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi cá nhân ở xứ sở mà tình cảm về sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa trật tự thiên nhiên với trật tự con người là yếu tố cơ bản của mọi tín ngưỡng dân gian... Mọi người đều hoan hỉ vì đã sống những thời gian đã qua và long trọng chuẩn bị bước vào thời kỳ đang mở ra... Tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả”.
Nhưng tết xưa đâu chỉ có vậy. Trong đời người hữu hạn, những ngày tết đã qua có thể đã được mỗi chúng ta “gói gém” trở thành tết xưa của chính mình. Nhưng thời gian thì vô hạn với vòng quay bốn mùa tuần hoàn, sự “vận hành” của Tết cổ truyền cũng nương theo đó mà tồn tại, phát triển trong dòng chảy văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt. Những “mùa tết” đã qua và sắp đến, ví như “gạch nối” của quá khứ - hiện tại - tương lai. Để mỗi người Việt sinh ra, lớn lên, trải qua bao năm cuộc đời vẫn cứ nao nao mỗi khi tết về.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Hội hè lễ tết của người Việt của tác giả Nguyễn Văn Huyên).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-24 07:33:00
Những bản sáng vùng biên: “Chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó”
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-01-11 16:51:00
Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạng
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đi xuất khẩu lao động
Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Cây cam trên những vùng đồi
Hối hả chạy việc thời vụ dịp cuối năm
“Chợ sớm bình yên” - Góc chợ xanh giữa lòng thành phố
Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Quan Hóa
Mường Lát sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 11
Phường Thiệu Dương ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường
Gian nan đường vào bản Giá