(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 10 năm bắt tay vào XDNTM, huyện Quan Hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Cùng với kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, khang trang thì lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng có bước tăng trưởng khá, chất lượng y tế, giáo dục, đời sống văn hóa của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nhiệm vụ XDNTM trên huyện vùng cao này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cần nỗ lực rất lớn.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Quan Hóa

Sau hơn 10 năm bắt tay vào XDNTM, huyện Quan Hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Cùng với kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, khang trang thì lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng có bước tăng trưởng khá, chất lượng y tế, giáo dục, đời sống văn hóa của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nhiệm vụ XDNTM trên huyện vùng cao này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cần nỗ lực rất lớn.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Quan HóaCông trình nước sạch được hỗ trợ bằng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tại bản Bút, xã Nam Xuân.

Trên địa bàn huyện Quan Hóa hiện mới có xã Phú Nghiêm đạt chuẩn NTM. Năm 2023, huyện Quan Hóa có lộ trình về đích NTM xã Thiên Phủ. Đây được đánh giá là một trong những xã có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kinh tế so với các xã khác. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, xã Thiên Phủ chỉ mới dừng lại ở hoàn thành 10/19 tiêu chí. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lộ trình về đích của xã Thiên Phủ chưa đạt được kế hoạch là do thiếu các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân, khó khăn về kinh phí xây dựng và nâng cấp đường giao thông, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa...

Cùng với Thiên Phủ, xã Nam Xuân cũng đang trên lộ trình phấn đấu về đích NTM. Năm 2023, nguồn vốn huy động XDNTM đạt hơn 15,8 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 6,2 tỷ đồng, vốn của tỉnh 120 triệu đồng và Nhân dân đóng góp 9,3 tỷ đồng cùng 1.200 ngày công. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên đến nay, địa phương mới chỉ hoàn thành 11/19 tiêu chí. Đồng chí Hà Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho biết: “8 tiêu chí còn lại chưa đạt, có những tiêu chí rất khó đối với địa phương như tiêu chí nhà ở, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất... Trong khi đó, một bộ phận cán bộ và Nhân dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Tiêu chí về thu nhập, sản xuất gặp khó do chỉ trông chờ vào cây luồng và diện tích lúa nương ít ỏi, khó có mặt bằng để thu hút cơ sở sản xuất”.

Theo rà soát của UBND huyện Quan Hóa, tính đến hết năm 2023, tổng tiêu chí xã NTM toàn huyện đạt 145/266 tiêu chí; bình quân số tiêu chí xã NTM đạt 10,35 tiêu chí/xã, trong đó có 1 xã đạt 17 tiêu chí; 5 xã đạt 11 tiêu chí, 4 xã đạt 10 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí và 1 xã đạt 7 tiêu chí. Đối với chương trình NTM nâng cao, tổng số tiêu chí xã NTM nâng cao toàn huyện mới đạt 75/266 tiêu chí; bình quân đạt 5,35 tiêu chí/xã. Trong năm 2023, huyện chưa có xã, bản nào được công nhận đạt chuẩn NTM theo các cấp độ.

Theo UBND huyện Quan Hóa, nguyên nhân dẫn đến kết quả các chỉ tiêu XDNTM còn thấp đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, Quan Hóa là huyện miền núi cao, địa bàn rộng, có xuất phát điểm thấp so với bình quân chung của tỉnh, các yếu tố phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn hạn chế. Trong khi đó, quy định Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 về tiêu chí thu nhập và tiêu chí nghèo đa chiều yêu cầu cao so với tình hình thực tế. Ngoài ra, tiêu chí “Môi trường và an toàn thực phẩm” yêu cầu một bộ phận hộ dân trong xã, thôn, bản phải được sử dụng nước sạch cấp từ công trình nước tập trung theo quy chuẩn mới, trong khi trên địa bàn huyện chưa có nhà máy nước sạch tập trung cung cấp cho các xã. Cùng với đó là những nguyên nhân do công tác lãnh, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong XDNTM chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao. Một số đơn vị chưa quan tâm đến phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân...

Năm 2024, huyện Quan Hóa đang nỗ lực tập trung nguồn lực để xây dựng thành công NTM xã Thiên Phủ và Nam Xuân. Cấp bản sẽ phấn đấu xây dựng 3 bản đạt chuẩn NTM gồm: bản Yên, xã Hiền Chung; bản Pọng 1, xã Hiền Kiệt; bản En, xã Phú Thanh và tiếp tục xây dựng các bản trong năm 2023 đã đăng ký, nhưng chưa đạt, gồm: Sa Lắng (xã Phú Xuân), bản Sại (xã Phú Lệ), bản Chiềng (xã Phú Sơn), bản Đỏ (xã Phú Thanh), bản Co Me (xã Trung Sơn), bản Bút Xuân (xã Nam Xuân), bản Sài (xã Thiên Phủ), bản Lóp Hai (xã Hiền Chung), bản Chiềng Căm (xã Hiền Kiệt).

Hiện nay, địa phương đang tăng cường công tác tuyền truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua gắn với XDNTM, điển hình như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM”; đổi mới công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, trong đó các xã chủ động đánh giá sát thực mức độ đạt được đối với bộ tiêu chí quy định, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng chỉ tiêu, tiêu chí, thời gian hoàn thành.

Địa phương cũng sẽ tập trung triển khai huy động nguồn lực trên cơ sở triển khai kịp thời các dự án đầu tư được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo hoàn thành và giải ngân đúng quy định; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các dự án theo hướng kết hợp huy động đóng góp, xã hội hóa của Nhân dân và doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm xây dựng các mô hình phát triển sản xuất liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tiếp cận thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đáp ứng tiêu chí về “Tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông thôn” gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Để “trợ lực” cho các địa phương vùng cao nói chung xây dựng thành công chương trình NTM, đại diện lãnh đạo UBND huyện Quan Hóa kiến nghị cấp tỉnh tiếp tục quan tâm nâng mức hỗ trợ để đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và đảm bảo yêu cầu về tiêu chí XDNTM theo quy định; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình nước sạch cho các xã không có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư, khai thác, kinh doanh nước sạch tập trung, nhất là các xã thuộc các huyện miền núi. Đồng thời, Trung ương cần xem xét, sửa đổi Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng hoàn thành mục tiêu, kế hoạch NTM của các địa phương, nhất là các xã thuộc khu vực miền núi, miền núi cao.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]