(vhds.baothanhhoa.vn) - Ghi danh bảng vàng, góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của quê hương Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), Nguyễn Ngọc Huyền là nhân vật lịch sử có nhiều dấu ấn.

Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền

Ghi danh bảng vàng, góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của quê hương Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), Nguyễn Ngọc Huyền là nhân vật lịch sử có nhiều dấu ấn.

Thái Quận công Nguyễn Ngọc HuyềnDi tích lịch sử văn hóa đền thờ Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền được trùng tu khang trang.

Sinh năm 1685 ở làng Bột Thái - nay là xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) trong gia tộc có truyền thống học hành, coi trọng chữ nghĩa (ông là hậu duệ của Thám hoa Nguyễn Sư Lộ và Hoàng giáp Nguyễn Thứ). Từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Huyền đã bộc lộ tài học hơn người, lại chăm chỉ đèn sách, 18 tuổi ông thi đỗ Hương cống. Gần 20 năm sau đó, trong khoa thi năm Tân Sửu (1721) Nguyễn Ngọc Huyền ghi danh bảng vàng - đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, ông được bổ nhiệm làm Hình khoa cấp Sự trung.

Năm 1728 ông được cử làm Đông các Hiệu thư (chức quan lo giúp việc ở Viện Đông các). Một năm sau đó, ông giữ chức Đốc trấn Cao Bằng.

Cao Bằng vốn là vùng đất biên giới trọng yếu của nước ta, sau khi triều đình Lê - Trịnh giành được vùng đất này từ tay nhà Mạc thì càng đặc biệt việc trông coi. Điều này được nhà sử học Phan Huy Chú chép trong sách Lịch triều Hiến chương loại chí: “Triều đình đều sai trung thần làm Đốc trấn để cai trị, có quyền thống lĩnh, so với các phiên trấn thủ khác trọng yếu hơn”. Như vậy, việc văn quan Nguyễn Ngọc Huyền được cử làm Đốc trấn Cao Bằng đã khẳng định phần nào sự tin tưởng, quý mến của vua Lê - chúa Trịnh dành cho ông.

Khi đang làm Đốc trấn Cao Bằng, Nguyễn Ngọc Huyền lại được triều đình gia phong Đông các học sĩ, Thái thường Tự khanh. Trong thời gian làm Đốc trấn, ông thấu hiểu lòng người, lấy lòng nhân mà đối đãi với kẻ dưới trướng vì thế mà được nhiều người kính trọng, khen ngợi, tiếng thơm về tận kinh đô. Vùng đất Cao Bằng dưới thời Nguyễn Ngọc Huyền làm Đốc trấn việc trị an, trật tự được giữ gìn, người dân cũng theo đó mà được vỗ về, yên tâm làm ăn. Theo sách Đại Việt sử ký tục biên: “... Nguyễn Ngọc Huyền ở Cao Bằng 7 năm, khéo vỗ về dân địa phương yên ổn, chúa rất coi trọng, đặc cách phong tước hầu”.

Thái Quận công Nguyễn Ngọc HuyềnBên trong đền thờ Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền.

Sau thời gian làm Đốc trấn Cao Bằng, Nguyễn Ngọc Huyền trở về kinh, giữ chức Đô Ngự sử, rồi Đông các Đại học sĩ. Năm 1742, ông được bổ nhiệm làm Hữu thị lang bộ Hộ, giữ “chức” Bồi tụng bên phủ chúa Trịnh. Một thời gian sau, ông được thăng Tả thị lang bộ Công, giữ “chức” Tham tụng. Ông cùng với Đô ngự sử Ngô Đình Ánh được giao xét xử những việc hình ngục oan uổng.

Theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa: “Tham tụng bên Phủ đường (phủ chúa Trịnh) cũng như Tể tướng bên Triều đường (cung vua Lê), nhưng đó chỉ là quyền chứ không phải chức. Cho nên khi chọn dùng người, không căn cứ vào phẩm thứ, có khi là Thượng thư vào làm Tham tụng, có khi là Thị lang mà hành Tham tụng. Nguyễn Ngọc Huyền đương chức Tả thị lang (hàm Tòng tam phẩm) giữ chức Tham tụng, về quyền thì ngang Tể tướng, nhưng về chức tước, phẩm hàm vẫn ở dưới Thượng thư”.

Trải qua giai đoạn hưng thịnh, yên ổn, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, triều đình Lê - Trịnh phải đối mặt với nhiều bất ổn. Nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra, trong đó nổi bật có phong trào khởi nghĩa nông dân của Lê Duy Mật. Từ vùng thượng du Thanh Hóa, nghĩa quân Lê Duy Mật mở rộng hoạt động ra vùng đất Sơn Tây, Hưng Hóa... Sau đó lại quay trở lại Thanh Hóa, tấn công một số nơi. Trước tình thế ấy “triều đình đã cử Nguyễn Ngọc Huyền phối hợp với Đặng Đình Mật lo việc đánh đuổi Lê Duy Mật và chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân của Lê Duy Mật đã bị đội quân của Nguyễn Ngọc Huyền và Đặng Đình Mật đánh bại ở Thịnh Mỹ huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Lê Duy Mật buộc phải rút tàn quân, chạy lên châu Lang Chánh” (sách Danh nhân Thanh Hóa).

Năm 1743, sau thời gian lâm trọng bệnh, Nguyễn Ngọc Huyền qua đời. Thương tiếc sự ra đi của viên quan thanh liêm, mẫu mực, triều đình Lê - Trịnh đã truy phong cho ông Công bộ Thượng thư, Thái phó trụ quốc thượng trật, tước Thái Quận công.

Thái Quận công Nguyễn Ngọc HuyềnVăn bia về thân thế, sự nghiệp của Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền.

Với tài năng, đức độ và sự mẫn cán, sự nghiệp quan trường của Nguyễn Ngọc Huyền khá thuận lợi. Trong những năm tháng quan trường, ông từng bước nắm giữ những trọng trách trong cung vua, phủ chúa. Song là người nghiêm cẩn, thanh liêm, ông được vua Lê - chúa Trịnh tin quý, người đời nể trọng.

Tương truyền sau khi mất, Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền được vua ban tặng đôi câu đối: “Văn tiến sĩ, võ tướng quân, triều đình hiển hoạn/ Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn nhân” (được hiểu là: Văn Tiến sĩ, võ tướng quân, triều đình chức trọng/ Nước trung thần, nhà con hiếu, thiên hạ tôn vinh”. Ngày nay, nên tuổi của ông còn được lưu ở bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử giám.

Trên quê hương Hoằng Lộc, đền thờ Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền được hậu thế giữ gìn. Ông Nguyễn Ngọc Hường, hậu duệ dòng họ Nguyễn hiện đang trông coi Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền, tự hào: “Làm quan lớn trong triều, tài sản cụ Nguyễn Ngọc Huyền để lại cho cháu con không phải vàng bạc mà là sự đức độ, phúc phần và danh thơm. Chính những điều đó như mạch nguồn chảy mãi, để con cháu dòng họ nương theo mà phấn đấu, nỗ lực, xây dựng gia đình, quê hương, đất nước. Hằng năm, vào ngày lễ tết, giỗ cụ, con cháu tề tựu về đền thờ thắp nén tâm hương, tưởng nhớ tiền nhân...”.

(Bài viết tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Danh nhân Thanh Hóa; Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]