Thái úy Lê Niệm: “Thanh danh trọn vẹn”
Nếu như khai quốc công thần Lam Sơn Lê Lai - người đã đổi áo bào, liều mình cứu Bình Định vương Lê Lợi trong thời khắc nguy khốn thì cháu nội của ông - Lê Niệm lại có công phò tá ba triều vua Lê, “uy đức, danh vọng nổi bật... thanh danh trọn vẹn”, được cả đương thời và hậu thế ngợi ca.
Lê Niệm quê gốc ở đất cổ Dựng Tú - làng Tép thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc ngày nay. (Ảnh chụp tại Di tích đền Tép thờ Trung túc vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc).
Lê Niệm là con trai của Lê Lâm và là cháu nội của Lê Lai. Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa nơi đất Lam Sơn, Lê Lai đã cùng các con dốc sức phò tá chủ tướng. Trong đó, kế thừa và phát huy khí phách của cha mình (Lê Lai), Lê Lâm đã có nhiều đóng góp cho khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Cho đến khi vương triều nhà Lê được thành lập, Lê Lâm vẫn là vị tướng dũng mãnh thường xông pha chiến trận, ông được vua Lê Thái tổ hết sức coi trọng. Lê Lâm hy sinh trong một trận chiến đánh giặc Ai Lao.
Lê Niệm - con trai Lê Lâm từ nhỏ đã nổi bật là người có trí tuệ “thông văn, giỏi võ”, lại nhờ “tập ấm” của cha, năm Kỷ Mùi (1439) đời vua Lê Thái tông, Lê Niệm được giữ chức Cận thị cục Chánh trưởng (được cho là phụ trách các lính hầu vua Lê trong nội cung). Đến năm 1446, đời vua Lê Nhân tông, Lê Niệm được thăng làm Thiêm tri nội phiên viện sự. Bấy giờ, ông theo tướng Lê Thụ xuôi vào phương Nam đi đánh giặc Chiêm Thành. Trong lần viễn chinh này, quân Đại Việt toàn thắng với nhiều chiến tích, như bắt được vua Chiêm và các phi tần, tướng giặc; thu về nhiều chiến lợi phẩm ngựa, voi, vàng bạc... Thắng trận trở về, Lê Niệm được phong chức Đồng tri.
Đến năm Kỷ Tỵ (1449) ông lại giữ chức An phủ sứ Tây Đạo, rồi thăng lên An bang trấn Tuyên úy đại sứ. Trong bài biểu tạ ơn vua Lê Nhân tông, ông thể hiện lòng biết ơn với lời lẽ khiêm nhường: “Thần lạm dự con cháu công thần, được làm quan do đường tập ấm (phong quan chức cho con cháu công thần), hầu Tiên hoàng (tức vua Thái Tông) trong khi nhàn rỗi đã được yêu riêng, nay được Thánh hoàng cất nhắc... Mới rồi, vì ngoại trấn thiếu người được cử ra làm Tuyên úy. Việc rối như tơ, đã không thi thố được gì; Ăn gió nằm sương, bôn tẩu càng thêm khó nhọc. Hôm sớm vẫn mơ màng cửa khuyết, bỗng kẻ thù gắp lửa bỏ tay. Dạ thường lo lũ ác gièm pha, dù thẳng ngay tránh sao khỏi tội. May nhờ ơn trên soi xét, lại được thăng lên...” (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).
Một trong những công trạng nổi bật của ông với nhà Lê chính là việc đã phò tá Lê Tư Thành - tức Lê Thánh tông lên ngôi. Năm 1459, Lê Nghi Dân tạo binh biến lật đổ vua Lê Nhân tông khiến quần thần trong triều bất bình. Năm 1460, khi thời cơ đến, các cựu huân thần như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm... đã khởi xướng giết bọn phản nghịch. “Bấy giờ Lê Niệm đương chức Xa kỵ đồng tổng tri chư quân sự đã phối hợp với các quan giữ quân khác là Tổng tri ngự tiền hậu quân Lê Nhân Thuận, Tổng tri ngự tiền Lê Nhân Quý... nên việc xướng nghĩa được thắng lợi nhanh chóng. Sau khi dẹp yên bọn Nghi Dân, triều đình lập Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi”.
Sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh tông đã luận khen thưởng những người có công phò lập, Lê Niệm được phong Suy trung Bảo chính công thần, Tân An trấn phủ quân Thượng tướng quân, Sùng tiến Nhập nội Tư mã, tham dự triều chính, tước Đình Thượng hầu... Trong bài chế văn vua Lê Thánh tông ban cho ông, đã ngợi khen: “Lê Niệm là người khí độ trầm hùng, thông minh sáng suốt, dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa...” (sách Đại Việt thông sử).
Sau đó, Lê Niệm được thăng làm Thái bảo, tước Kỳ Sơn hầu, rồi tước Kỳ Quận công, ban cho nhiều ruộng đất. Đến năm 1462, Lê Niệm lại được gia phong hàm Nhập nội Đô đốc Bình chương sự tri Đông đạo chư vệ kiêm sung Quốc Tử Giám Tế tửu. “Đến đây, ông vừa mang chức quan võ là Đô đốc trông coi các đạo quân Đông đạo, vừa mang chức quan văn là Tế tửu Quốc Tử Giám... Ông được vua trọng dụng như vậy nên trong triều đã có kẻ ghen ghét, đố kỵ” (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).
Tuy nhiên, với sự quý trọng dành cho Lê Niệm, vua Lê Thánh tông vẫn tin tưởng ông. Năm Đinh Hợi (1467) trong lần vua Lê về bái yết Sơn lăng ở Tây Kinh (tức Lam Kinh), Lê Niệm đã được giao giữ chức “Lưu thủ Đông Kinh” - trọng trách trấn giữ kinh thành an toàn khi vua đi xa. Khi nhà vua về kinh đô, Lê Niệm được thăng chức Bình chương quân quốc trọng sự. Vua Lê Thánh tông tin quý, thường cùng ông bàn việc.
Khi vua Lê Thánh tông thân chinh dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, Lê Niệm được đeo ấn “Chinh Lỗ phó tướng quân”, cùng với Đinh Liệt dẫn thủy quân đi trước, vua dẫn đại binh đi sau. Đầu năm 1471, quân Đại Việt thắng lớn trên đất Chiêm Thành, đánh chiếm được kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống được vua Chiêm cùng nhiều thân thuộc, quan lại. Khi luận công khen thưởng trong chiến dịch bình Chiêm (1470-1471), Lê Niệm được vua Lê ban cho nhiều thực ấp.
Thái úy Lê Niệm hiện đang được con cháu phụng thờ tại Di tích lịch sử văn hóa đền An Lạc.
Quân Chiêm dù bị Đại Việt đánh đại bại nhưng vẫn chưa từ bỏ việc quấy phá vùng biên giới hòng giành lại phần đất đã mất. Bấy giờ, vua Lê sai Lê Niệm cùng với Trịnh Công Lộ đem 3 vạn quân đi đánh phá, dẹp yên. Lê Niệm được phong Kỳ Quận công.
Cũng theo sử liệu, dưới thời vua Lê Thánh tông, Bồn Man là một nước nhỏ phía Tây biên giới nước ta song thường xuyên cấu kết với một số nước nhỏ khác quấy phá hòng chiếm vùng biên giới Đại Việt. Cuối năm 1479, Kỳ Quận công Lê Niệm đã dẫn đại binh đi đánh, đuổi giặc bỏ chạy đến tận biên giới Miến Điện...
Phụng sự qua ba triều vua Lê, ở cương vị nào Lê Niệm cũng khẳng định được tài năng và dốc lòng phò tá cơ nghiệp nhà Lê, vì vậy ông luôn được các vua Lê quý trọng, tin tưởng. Năm 1482, Lê Niệm lại được vua Lê Thánh tông gia phong nhiều tước vị. Sau khi qua đời (năm 1485), Lê Niệm lại được nhà vua truy tặng hàm Thái úy với tên thụy là Trinh Ý. Ông được người dân nhiều nơi tôn kính lập đền thờ phụng.
Văn võ toàn tài, lại giỏi thơ văn nên sinh thời Lê Niệm còn được xem như “bạn thơ” của vua Lê Thánh tông. Tương truyền vua Lê Thánh tông mỗi lần làm thơ đề vịnh thường gọi Lê Niệm họa lại...
Đánh giá về Thái úy Lê Niệm, nhà bác học Lê Quý Đôn sau này cũng dành cho ông sự ngợi ca: “Lê Niệm vì là dòng dõi công thần, có công từ triều trước, làm chức phụ tướng, nắm quyền ngôn luận của Nhà nước trong 30 năm. Mấy lần đem quân đi đều lập công lớn, uy đức, danh vọng nổi bật. Là người thanh danh trọn vẹn, hưởng phúc đầy đủ trong triều đình, được cả đương thời ngợi khen”.
Ông Lê Văn Dự, phó ban quản tộc dòng học Lê ở thôn An Lạc, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa), cho biết: “Tiếp nối truyền thống của dòng dõi khai quốc công thần Trung Túc vương Lê Lai, tiền nhân Lê Niệm tài đức, trí dũng toàn tài, cuộc đời và sự nghiệp làm quan của cụ là niềm tự hào đối với cháu con dòng họ Lê hôm nay. Cuộc đời cụ gắn liền với những năm tháng rực rỡ của vương triều Hậu Lê, đặc biệt là dưới triều vua Lê Thánh tông... Hằng năm vào ngày mất của cụ (1 tháng 2 âm lịch) con cháu trong dòng họ lại tập trung về Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền An Lạc làm lễ giỗ tưởng nhớ tiền nhân”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-04-09 14:24:00
Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Bích Ngà: Người miệt mài gieo chữ
Nhà văn Phạm Công Thắng, ngòi bút của thân phận
Tướng công Nguyễn Trung Nghĩa
Chủ tịch Hội LHPN xã Nga Hải hết lòng vì phụ nữ nghèo
Lê Phụ Trần: Dũng tướng phò tá cơ nghiệp nhà Trần
Vị đại tá mê “chép sử”
Nữ sinh giành giải Nhất môn Ngữ văn quốc gia: “Tuổi trẻ không phải cái cớ để sống thờ ơ”
Từ thầy giáo đến ông chủ trang trại sinh thái
NSND Vương Hải: Danh hiệu không phải là đích đến
Chàng trai 9X làm giàu từ đặc sản nem chua