(vhds.baothanhhoa.vn) - Tài học xuất chúng, đỗ đạt khi còn trẻ tuổi và làm đến chức Tham tụng trong phủ Chúa, đứng đầu lục bộ, có nhiều đóng góp cho việc hoàn thành bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư... ông chính là Lê Hy, người con xuất chúng của vùng đất Thạch Khê - nay là xã Đông Khê (huyện Đông Sơn).

Tham tụng Lê Hy

Tài học xuất chúng, đỗ đạt khi còn trẻ tuổi và làm đến chức Tham tụng trong phủ Chúa, đứng đầu lục bộ, có nhiều đóng góp cho việc hoàn thành bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư... ông chính là Lê Hy, người con xuất chúng của vùng đất Thạch Khê - nay là xã Đông Khê (huyện Đông Sơn).

Tham tụng Lê HyDi tích lịch sử đền thờ Lê Hy ở làng Thạch Khê (nay là xã Đông Khê).

Trong lịch sử dân tộc, làng Thạch Khê nổi tiếng là vùng đất hiếu học, nhiều người đỗ đạt. Đây cũng chính là quê hương của Tham tụng Lê Hy, vị đại quan triều Lê - Trịnh.

Lưu truyền dân gian ở vùng đất Thạch Khê đến nay còn kể, Lê Hy từ nhỏ đã nổi danh thần đồng. Với trí thông minh xuất chúng, Lê Hy học đâu hiểu đó. Không chỉ văn hay, chữ tốt, Lê Hy còn giỏi đối đáp, tính tình ngay thẳng... Năm 18 tuổi, Lê Hy đã thi đậu Tứ trường ở kỳ thi Hương. Chỉ sau đó 1 năm, lều chõng ra chốn kinh kỳ dự thi Hội (năm 1664) đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, tên ông đến nay còn được lưu ở bia Tiến sĩ tại Văn miếu - Quốc Tử Giám. Vì đỗ đạt khi còn quá trẻ, sau khi nhận mũ áo vua ban thì Lê Hy được về quê nhà tu dưỡng thêm một thời gian trước khi ra làm quan.

Khi ra làm quan, vốn tài trí hơn người nên ông nhanh chóng được vua Lê, chúa Trịnh quý mến, tin dùng, nhờ đó mà quan lộ hanh thông. Năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677) ông giữ chức Cấp sự trung Bộ Hình; năm 1681 nhận chức Thị nội tán tri thủy Bộ Binh phiên (thuộc phủ chúa Trịnh) kiêm chức Đề hình giám sát ngự sử; đến năm 1684 được thăng giữ chức Hữu Thị lang Bộ Binh, rồi Tả Thị lang Bộ Lễ, tiếp đó là Tả Thị lang Bộ Lại. Năm 1693, Lê Hy được thăng làm Tham tụng (chức quan đứng đầu phủ Chúa Trịnh, quyền ngang Tể tướng trong triều vua Lê, vì thế mà có những tài liệu viết ông giữ chức Tể tướng) kiêm Thượng thư Bộ Hình.

Sau đó, ông vâng lệnh vua Lê, chúa Trịnh lên trấn thủ vùng đất Cao Bằng. Tiếp đấy là 3 năm đi sứ nhà Thanh. Năm 1698, trở về triều đình, Lê Hy được thăng chức Thượng thư Bộ Binh, đặc biệt tiến phong Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tham tụng Thượng Bộ lại, kiêm trưởng Thượng thư lục bộ (6 bộ), Tri trung thư giám, Tổng tài quốc sử, tước Lai Sơn bá.

Là một nhà chính trị tài năng, Lê Hy không ngại đụng chạm với quan lại trong triều để hướng tới lợi ích của triều đình và người dân. Chính vì vậy mà bên cạnh việc được vua Lê chúa Trịnh quý mến, tin tưởng thì ông cũng không tránh khỏi sự dèm pha của quan lại đương thời. Dẫu vậy, đi qua thời gian, tên tuổi ông vẫn lưu danh sử sách, được người đời nhắc nhớ với sự kính ngưỡng.

Dẫu vậy, không chỉ là một nhà chính trị tài năng quyền cao chức trọng. Với cương vị là Tổng tài quốc sử, quan đại thần Lê Hy đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư và trực tiếp biên soạn phần Bản kỷ tục biên.

Theo đó, năm 1676, triều đình giao cho sử thần Hồ Sĩ Dương trông coi quốc sử. Tuy nhiên việc chưa xong thì Hồ Sĩ Dương qua đời, Lê Hy được vua Lê giao trọng trách thay Hồ Sĩ Dương cùng với các quan lại trong nhóm tiếp tục công việc. Và trong bài tựa Đại Việt sử ký tục biên, Lê Hy cũng ghi rõ nhiệm vụ của ông là: “Khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy. Về thế thứ, phàm lệ, niên biểu hết thảy đều theo như trước. Lại sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử, biên chép tất cả mọi sự việc từ Huyền tông Mục hoàng đế niên hiệu Cảnh Trị năm thứ nhất (1663) đến Gia tông Mỹ hoàng đế niên hiệu Đức Nguyên năm thứ 2 (1675), tất cả trong 13 năm gọi là Bản kỷ tục biên” (sách Địa chí huyện Đông Sơn).

Tham tụng Lê HyVăn bia soạn khắc thời Nguyễn ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp làm quan của quan đại thần Lê Hy.

Như vậy, ngoài khảo đính sử cũ, Lê Hy và các cộng sự của ông đã biên soạn mới “Bản kỷ tục biên” (quyển 19 trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư), bao hàm giai đoạn 13 năm từ 1663 đến 1675. Công việc được hoàn thành năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Khi ấy, Lê Hy đã đem bộ quốc sử dâng lên triều đình, được vua Lê chúa Trịnh chấp nhận và “sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ để những sự tích trước đây trăm ngàn năm chưa tập hợp lại, nay được hoàn thành” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Việc biên soạn và khắc in bộ Đại Việt sử ký toàn thư vào năm 1697 được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền lịch sử nước nhà. Từ khi Lê Văn Hưu viết xong Đại Việt sử ký cho đến lúc nhóm Lê Hy hoàn thành Đại Việt sử ký toàn thư, quá trình kéo dài hơn 400 năm, đó là công sức, nỗ lực của nhiều sử gia lỗi lạc như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ... Điều đáng tự hào, nếu như Lê Văn Hưu là người “đặt nền móng” cho bộ quốc sử thì Lê Hy lại là người có công quan trọng hoàn thành bộ sử đồ sộ và cả hai ông, đều là những người con tài năng của xứ Thanh.

Năm 1702, quan đại thần Lê Hy đột ngột qua đời khi đang làm quan trong triều. Tiếc thương vị đại quan tài năng, nhà vua đã gia ân truy tặng ông Thái bảo Lai Quận công, ban cho thụy hiệu là Duệ Đạt (ý nghĩa là dòng dõi thành đạt), lập đền thờ ở quê nhà Thạch Khê.

Đền thờ ông ở quê nhà khi xưa người dân Thạch Khê vẫn thường gọi là Đền thờ tướng công. Hiện nay, tại đền thờ còn lưu giữ văn bia soạn và khắc dưới thời Nguyễn. Nội dung văn bia ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp làm quan của Lê Hy, đồng thời bày tỏ sự kính ngưỡng của hậu thế với tài năng, nhân cách cùng những đóng góp của ông. Theo đó, văn bia có đoạn: “Cây bền là từ gốc, dù năm rét mà vẫn xanh non, cho nên có thể bảo tồn đợi tới mùa xuân tươi tốt; nguồn rộng thì sông sâu, cuối năm nước vẫn đầy nên nuôi dưỡng được con giao long, đợi đến mùa hạ mạnh gió sóng vẫy vùng. Gốc bền, ngọn tươi tốt; nguồn sâu nước chảy mãi, đó là cái lí tự nhiên. Sự nghiệp làm quan của tướng công thì rất lớn, con đường khoa bảng của ngài thì khó có người sánh được. Đó là trời phù hộ để cho nước thịnh, triều đình yên ổn. Đời trước của tướng công có nhiều tốt đẹp nên được âm phù. Do đó trời sinh ra người tài để nhân lên điều tốt đẹp...”.

Đền thờ Lê Hy ở quê hương Thạch Khê đã được tôn tạo và xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Ông Lê Huy Khải, người trông coi tại đền thờ Lê Hy hơn 10 năm qua, chia sẻ: “Với người Thạch Khê chúng tôi, tiền nhân Lê Hy là niềm tự hào, cũng là tấm gương về sự học, nhân cách làm người để hậu thế noi theo. Hằng năm, tại đền thờ cụ diễn ra 2 kỳ lễ lớn là lễ hội vào ngày Rằm tháng Giêng và lễ kỵ (giỗ) vào ngày 27 tháng 7 (âm lịch) tập trung đông con cháu trong dòng họ và người dân địa phương về dâng hương, tưởng nhớ”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Địa chí huyện Đông Sơn; Văn tài võ lược xứ Thanh).

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]