Họa sĩ Phạm Văn Khải và sự trở về với núi rừng quê hương
Sinh năm 1993, tại làng Trung Tân, xã Phú Thanh (Quan Hóa), sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Phạm Văn Khải ở lại Hà Nội vẽ tranh và tham gia nhiều triển lãm cũng như các dự án nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Bức tranh vẽ “làng mình” trong những câu chuyện của họa sĩ Phạm Văn Khải.
Trong 3 năm ở Hà Nội, Phạm Văn Khải chỉ chuyên tâm với một đề tài duy nhất: Cầu Long Biên. Cũng bởi dù đều đặn qua cây cầu đi đi về về từ trung tâm sang làng Bồ Đề, ven sông Hồng, mỗi lần lại thấy vẫn cây cầu đó nhưng tâm trạng mình lại khác, cảm xúc khác và những cái nhìn khác. Ở đó là cuộc sống, là thân phận con người, là những vỉa tầng văn hóa...
“Thực ra áp lực kiếm tiền rất lớn. Hai đứa con nhỏ ở thủ đô, thuê nhà trọ, xưởng vẽ... khiến mỗi ngày anh phải trầy trật từ 7 - 8 bức tranh. Để tìm kiếm một “nhân vật” gắn bó, lâu dài thực ra rất khó, và tôi may mắn tìm được cầu Long Biên”, họa sĩ Phạm Văn Khải chia sẻ. Và anh đã có các series tranh vẽ về cây cầu Long Biên, di tích lịch sử của Hà Nội. Bên cạnh đó là nhiều tác phẩm gắn với các địa danh nổi tiếng của thủ đô như Ô Quan Chưởng, Bờ Hồ, Ngã Tư Sở... Ở mỗi bức vẽ, họa sĩ đều cho thấy khả năng sáng tạo không ngừng, với bố cục và màu sắc đa dạng, có thể ghi dấu những cảm xúc khác nhau.
Cũng bởi áp lực “kiếm cơm” ấy mà anh không thể trụ qua đại dịch COVID-19. "Đưa vợ con về quê, đó là quyết tâm lớn nhất của tôi lúc bấy giờ. Nhưng cũng may là tôi còn có quê nhà để về”. Bản thân Phạm Văn Khải cũng không ngờ cuộc dịch chuyển ấy lại thay đổi cái nhìn, thay đổi đề tài sáng tác của anh. Là người Thái, sinh ra lớn lên, ăn cơm lam, uống nước suối nhưng đi mãi, đến khi quay trở về tôi mới thấy quê mình quá đẹp. Ra cổng là thấy thiên nhiên, là có đề tài để vẽ. Sau lưng nhà là đại ngàn Pù Luông, và một lần đến Bá Thước, đi sâu hơn vào vùng lõi khu bảo tồn Pù Luông anh như choàng tỉnh.
Bức tranh vẽ “làng mình” trong những câu chuyện của họa sĩ Phạm Văn Khải.
“Với tôi được vẽ và sáng tác trên mảnh đất quê hương mình, nơi mình sinh ra và lớn lên là một điều tuyệt vời. Những cảm xúc còn nguyên vẹn từ ngày thơ bé, để rồi có một ngày trở về chan hòa cùng hơi thở mới, hơi thở của văn minh và đong đầy lại như một chất xúc tác. Tôi đã đem tất cả tình cảm đó vào trong bức tranh”.
Chủ yếu sáng tác trên chất liệu sơn dầu, acrylic, tranh phong cảnh của Phạm Văn Khải dễ gây cảm tình với người xem. Cái cảm tình ấy có được là nhờ cảm xúc của anh lan tỏa. Phong cảnh trong tranh Khải hầu hết đều thu nhận từ hiện thực của đời sống nhưng lại qua “lăng kính” của ký ức. Như bức tranh “Khe Hin Lạp” chẳng hạn. “Hin Lạp” trong tiếng Thái nghĩa là “đá mài”, là một khe thác đẹp ở Phú Thanh, Quan Hóa. Ngày nay, Hin Lạp chỉ còn lại cái tên bởi sau một trận lũ quét, khe thác này đã bị vùi lấp và biến mất. Dấu tích của khe thác này có lẽ bây giờ chỉ còn tìm thấy trong tranh Phạm Văn Khải. Hay như sự bình yên giữa núi rừng Pù Luông, bản Eo Kén dịu dàng và những buổi chiều khi khói lam tỏa ra từ những nóc nhà sàn, thậm chí Piềng Co Mị (đồi cây mít) cũng đã đi vào tranh thật nhẹ nhàng. “Những cảm xúc đó hằn lên trong tôi và phả lên từng nét vẽ”, Phạm Văn Khải chia sẻ.
Có thể việc trở về quê nhà là cú hích, nhưng không phải chỉ là thoáng qua, không khiến anh dứt bỏ quê hương để lại đi ra nơi đất khách quê người. Tìm được hình của núi, cũng chính là việc Phạm Văn Khải tìm thêm được một góc ký ức của chính mình. Vì thế, mà chỉ trong 3 năm, anh đã vẽ được 80 bức tranh về Pù Luông. Để nuôi dạy một đứa trẻ, cần cả một ngôi làng. “Làng mình” trong các câu chuyện của Phạm Văn Khải là ngôi làng như vậy.
“Phong cảnh hiện ra trước mắt tôi nhưng vẽ thế nào mà không “sến” là điều tôi phải tìm tòi”. Đây có lẽ cũng là cái may mắn của Phạm Văn Khải, bởi “tạng” của anh là thiên về mảng, miếng. Xem tranh sơn dầu của Phạm Văn Khải, người ta còn nhận thấy anh sử dụng màu rất khéo, rất khôn. Những gam màu lạnh, màu xanh hài hòa, tệp vào không gian núi rừng đủ khắc họa những buổi sáng sớm hoặc chiều tắt nắng, hay kịp thời ghi lại những cảnh đẹp bất chợt khi thành phố mù sương, trong không gian tĩnh lặng.
Họa sĩ Phạm Văn Khải.
Điều đặc biệt là trong tranh của Phạm Văn Khải có câu chuyện, có ký ức, có làng bản, có những con thuyền nằm bơ vơ... nhưng anh không vẽ người. Việc buông một hình ảnh nhưng lại gợi cho người xem những suy tư riêng, đó cũng là cái “tài”, “nghệ” của anh.
“Ngoài vẽ tranh ra, tôi không biết làm gì. Ngày xưa khi tốt nghiệp THPT, bố mẹ vừa làm nhà vừa vay tiền cho tôi đi học, đến nay tiền nợ ngân hàng cũng chưa trả hết. Ngoài kiếm tiền nuôi con, thì tôi vẫn phải gom góp tiền gửi về cho ông bà trả nợ”. Áp lực đó là động lực để đều đặn mỗi ngày Phạm Văn Khải phải ngồi trước toan, cọ và bảng màu chằng chịt.
Tôi tin đó chỉ là cái “cớ” để Phạm Văn Khải “đối phó” với những chuyện ngoài lề, quan trọng hơn là anh có tình yêu đặc biệt với hội họa. Không yêu thì không thể miệt mài, kiên trì và hứng khởi đến thế. Anh là một trong số không nhiều họa sĩ chỉ sống bằng việc bán tranh mình vẽ mà không làm thêm bằng cách vẽ theo đơn đặt hàng hay làm các công việc liên quan đến mỹ thuật khác (như vẽ tranh tường, decor...). Nói điều này để thấy anh muốn nghiêm túc với nghề của mình, dành toàn tâm, toàn ý với sáng tác.
Phạm Văn Khải cho biết thêm: Tôi đang nghiên cứu và làm tranh sơn dầu. Đây có thể là thử thách nhưng cũng là sự khám phá chính bản thân để mỗi ngày được sống và vẽ những gì mình thích, mình say mê.
Con đường mỹ thuật với bất kể một họa sĩ nào cũng có nhiều giai đoạn, như mọi người vẫn nói vui là khi nào “khám” xong rồi thì chỉ muốn “phá”. Phạm Văn Khải mới qua tuổi ba mươi, và anh đã có những thành công nhất định. Song, để “phá” chính mình có lẽ còn cần thêm thời gian. Sự ngọt ngào, dễ chịu, vừa mắt, hay việc bán được tranh cũng mới khẳng định vị trí trong lòng công chúng. Nhưng để anh thực sự có vị trí riêng trong lòng đồng nghiệp còn cần hơn nữa sự mạnh mẽ, cá tính và khác biệt.
Thời gian còn quá dài với một họa sĩ trẻ như Phạm Văn Khải. Tôi tin trong con người dịu dàng ấy là nhiều suy tư, sau những nét cọ nhẹ nhàng là một ánh nhìn mạnh mẽ, chỉ cần anh giữ được tâm hồn của một người Thái, nhiều rung cảm, thiện nhân với mọi người.
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
- 2024-10-08 09:40:00
“Thủ lĩnh” công đoàn hết lòng vì người lao động
- 2024-10-06 08:32:00
Lan tỏa hành động đẹp của thiếu niên Thường Xuân
- 2024-08-16 16:26:00
“ Bóng hồng” kiên gan trong bảo vệ chính trị nội bộ
Huyền thoại về những nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
Gia tộc Nguyễn Quận trên đất làng Cát Xuyên
“Mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc”
Những cuộc đời ý nghĩa
Lê Trung Giang, tướng công trải 4 đời vua triều Lê
Khát vọng khởi nghiệp từ đặc sản quê hương
Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Thăng hoa cùng “tình yêu xứ Thanh”
Trịnh Tốn và tấm bia mộ ở Hà Sơn
Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”