Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban
Năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân Lam Sơn lấy miền núi Thanh Hóa làm hậu phương. Hưởng ứng lời kêu gọi của Lê Lợi, các tầng lớp Nhân dân châu Quan Hóa xưa nô nức gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, trong đó có chàng thanh niên Lò Khằm Ban.
Lễ rước kiệu từ chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng lĩnh thống quân Khằm Ban - một nghi thức trong Lễ hội mường Ca Da. Ảnh: Khắc Công
Với tư chất thông minh, ngay từ nhỏ ông chăm chỉ học hành, luyện tập võ nghệ, binh đao. Khi lớn lên, hưởng ứng lời kêu gọi của Lê Lợi, ông tập hợp binh lính một lòng theo nhà Lê đánh đuổi giặc Minh. Trong chiến đấu, ông chỉ huy đánh thắng nhiều trận, bắt được tướng giặc Poóc Minh, giữ được vùng biên giới, góp công lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước. Do lập được nhiều công lớn, Tướng quân Khằm Ban được vua Lê Thái Tổ phong hàm Thượng tướng thống lĩnh quân, cho cai quản vùng biên giới phía trong từ Nghệ An ra đến vùng Mường Thanh, Mường Lò, miền Tây Bắc Đại Việt và chọn nơi lập thái ấp. Sau nhiều tháng vượt núi, băng rừng, khi đến cửa sông Lò, ông cho quân lính lập trại nghỉ ngơi. Đêm hôm ấy, ông nằm mơ đến một máng nước ở một sườn gò sau làng để tắm, khi đang mải tắm bỗng một con rắn to quấn chặt lấy ông. Kể lại giấc mơ cho tướng sĩ và ba quân cùng nghe, mọi người cho rằng đây là giấc mơ tốt.
Sáng hôm sau ông cùng tướng sĩ và quân lính leo lên đỉnh núi Múng Mường (thuộc thị trấn Hồi Xuân ngày nay) để quan sát mường Ca Da. Thấy vùng đất này phong thủy hữu tình, đất đai phì nhiêu, cạnh mường hội tụ 3 con sông: sông Mã, sông Luồng, sông Lò. Phía Đông có dãy Pù Luông và đỉnh Pha Tam, các ngày trong năm đều có mây phủ trắng, ngày đêm cung cấp nước, khí trời mát mẻ cho ruộng đồng mùa màng, cây cối và con người tận hưởng. Phía Nam có Pha Cuốn, Pha Chùa, Pha Toóc và các gò Pom Kéo, Pom Đôn, Pom Bót Ót tựa như những kho báu và các mâm cơm lộ thiên. Phía Tây có dãy Pha Phụ, Pha Múng Mường, Pha Buốc Mu liên tiếp nối nhau tạo thành hàng rào che chở cho vùng đất bình yên. Xác định đây là vùng địa linh, nên ông lấy vùng đất này làm nơi đóng quân và lập ấp. Ông cho quân tiến hành khảo sát mường Ca Da và các vùng đất phía Tây để xây dựng kế hoạch phòng thủ; cho đào Con Poóng, khai phá ruộng nương, làm đường sá xây dựng làng bản, xây dựng doanh trại quân lính. Sau khi mất, ông được sắc phong là Thành hoàng (bản thổ Thành hoàng) - vị thần có công bảo vệ đất nước, che chở cho dân. Nhân dân đã lập đền thờ, khắc bia đá ghi tạc công lao của ông tại Pom Kéo, bản Chiềng Nưa (nay là khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân) để hương khói thờ phụng.
Theo các cụ cao niên trong vùng, truyền thuyết hình thành mường Ca Da luôn gắn liền với di tích lịch sử về Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban tại thị trấn Hồi Xuân. Để tưởng nhớ công lao của ông, 5 năm một lần, vào tháng 2 âm lịch, huyện Quan Hóa lại tổ chức Lễ hội mường Ca Da rước kiệu từ chùa Ông đến Di tích lịch sử, văn hóa, bia ký Khằm Ban, khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân. Ngoài ra, nghi lễ “Xín Mương” (cúng Mường) được người dân tổ chức trang trọng, thể hiện tấm lòng thành của con cháu bản Mường dành cho các bậc tiền nhân đã có công khai phá, dựng bản, lập mường, mang lại cuộc sống ấm no. Lễ hội được tổ chức với phần lễ gồm nghi lễ tắm tượng bia, dâng hương, rước kiệu đền thờ Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban; phần hội với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc thu hút đông đảo Nhân dân trong vùng tham gia.
Bà Hà Thị Nhung, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, cho biết: Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa ấy, những năm gần đây thông qua các nguồn lực huyện Quan Hóa đã đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục trong khu di tích, bước đầu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho người dân trong vùng. Đặc biệt, năm 2019 Lễ hội mường Ca Da được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
Khắc Công
{name} - {time}
-
2024-11-22 08:36:00
Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
-
2024-11-22 07:30:00
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa
-
2024-08-23 09:24:00
Đinh Công Tráng: “Tài lưu thiên hạ, nổi danh Bắc kỳ”
[WOW! THANH HOÁ] Nhà Mẹ Tơm – Biểu tượng về sự kiên cường của người mẹ Việt Nam
Phó trưởng bản 9X nhiệt huyết với công việc tập thể
Họa sĩ Phạm Văn Khải và sự trở về với núi rừng quê hương
“ Bóng hồng” kiên gan trong bảo vệ chính trị nội bộ
Huyền thoại về những nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
Gia tộc Nguyễn Quận trên đất làng Cát Xuyên
“Mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc”
Những cuộc đời ý nghĩa
Lê Trung Giang, tướng công trải 4 đời vua triều Lê