Thân thương ruộng bậc thang
Nhờ sự sáng tạo của con người gắn với phong tục tập quán canh tác, sinh hoạt đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, mềm mại trên các sườn đồi, sườn núi, tạo nên giá trị riêng, nét văn hóa riêng của người dân vùng cao, biên giới.
Ruộng bậc thang tạo nên sự độc đáo, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh.
Những cánh đồng vàng ấm no
Miền Tây Thanh Hóa gây thương nhớ cho người lữ khách bởi thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và những phong tục, tập quán, nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ngược ngàn lên các huyện vùng cao, biên giới như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân... thu vào tầm mắt là những dãy núi cao vời vợi và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo dọc sườn núi, đồi, dọc hai bên đường. Tùy vào vị trí địa lý, phong tục của mỗi vùng miền mà phương thức canh tác, sản xuất lúa nước cũng khác nhau. Ruộng bậc thang được bà con đồng bào dân tộc Mông, Thái, Mường... sáng tạo, canh tác từ khi lập bản, lập mường. Từ bao đời nay, họ trồng các giống lúa bản địa hoặc lúa mới cho năng suất cao, đem lại sự ấm no cho bản, làng.
Do địa hình vùng núi cao, hiếm có đất canh tác bằng phẳng nên những thửa ruộng bậc thang “ra đời” để người dân dễ dàng đưa nước từ các khe, suối vào đồng ruộng. Vào mùa mưa lũ, ruộng bậc thang cũng làm giảm tình trạng sạt lở đất, xói mòn và giữ lại sự màu mỡ cho đất. Diện tích ruộng bậc thang thường hẹp về chiều ngang nhưng vẫn đủ để cày bừa và được xếp chồng lên nhau, uốn lượn, mềm mại.
Những năm gần đây, nhiều giống lúa nếp, lúa tẻ đặc sản, cho năng suất chất lượng cao đã được bà con đưa vào trồng trên những thửa ruộng bậc thang.
Ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, hiện nay, sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi do HTX nông lâm Chung Thành (Quang Chiểu) được trồng trên những thửa ruộng bậc thang đã và đang được thị trường ưa chuộng bởi sự độc đáo về nguồn gốc, dẻo thơm. Lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm. Vụ thu mùa 2024, tổng diện tích gieo trồng lúa nước trên địa bàn huyện Mường Lát là 1.097ha, lúa rẫy 1.070ha, riêng vùng trồng lúa nếp Cay Nọi là 570ha, trong đó xã Quang Chiểu có 320ha.
Ruộng bậc thang ở bản Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước) vào mùa đổ nước và cấy lúa.
Ở huyện vùng cao Quan Sơn, trên những thửa ruộng bậc thang ở Mường Mìn, Sơn Điện, Sơn Thủy, Na Mèo cũng đã nổi bật với màu xanh mướt của cây lúa. Đặc biệt giống lúa nếp Cay Nọi được trồng trên cánh đồng Mường Mìn cũng là cây trồng được huyện lựa chọn xây dựng thương hiệu và sản phẩm OCOP địa phương. HTX nông nghiệp xanh Duy Linh, thị trấn Sơn Lư đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP Cay Nọi Mường Xia (Quan Sơn). Lúa nếp Cay Nọi Mường Xia được trồng chủ yếu trên thửa ruộng bậc thang ở Mường Mìn tạo nên vùng nguyên liệu cho HTX nông nghiệp xanh Duy Linh với diện tích hơn 60ha.
Thúc đẩy du lịch phát triển
Trên hành trình về với miền Tây, đi qua các xã Trung Lý, Quang Chiểu (Mường Lát); Mường Mìn (Quan Sơn); Thành Lâm, Thành Sơn (Bá Thước), Bát Mọt (Thường Xuân), Nam Xuân (Quan Hóa)... mùa nào ruộng bậc thang cũng mang nét đẹp riêng. Vào mùa đổ nước, ruộng bậc thang trông như mặt gương soi cả mây trời xanh ngắt. Vào mùa lúa mới, ruộng bậc thang lại khoác lên mình “chiếc áo” xanh mướt, để rồi khi vào mùa lúa chín thì rực rỡ, vàng óng trên những sườn đồi, sườn núi. Những cánh đồng trơ khúc rạ khi thu hoạch xong cũng mang vẻ đẹp riêng, bình yên. Bởi vậy, ruộng bậc thang với mỗi người dân nơi đây không chỉ mang lại mùa màng ấm no mà còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, nét độc đáo riêng của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ vẻ đẹp thiên nhiên, bàn tay khéo léo do con người tạo ra, nhiều bản làng ở miền núi cao xứ Thanh đã và đang thu hút khách du lịch về với địa phương.
Cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang ở xã Bát Mọt, Thường Xuân.
Theo anh Mạnh Cường (homestay Mạnh Cường), bản Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước): Lượng du khách về bản Báng nói riêng, Pù Luông nói chung nhiều nhất vào mùa lúa chín tháng 5, 6 hoặc tháng 9, 10 dương lịch. Đứng ở homestay nhà tôi là có thể nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín hoặc xanh mướt mát khi đang thì con gái.
Hiện nay, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước có 6 thôn, bản gồm: Kho Mường, Nông Công, Pà Ban, Eo Kén, Pù Luông, Báng. Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, vì vậy Thành Sơn đã và đang tận dụng điều kiện tự nhiên, thiên nhiên khuyến khích, động viên bà con đồng bào dân tộc Thái, Mường làm du lịch cộng đồng. Từ việc bảo tồn tốt các giá trị văn hóa truyền thống gắn với khám phá thiên nhiên Pù Luông mà Thành Sơn là địa phương thu hút đông đảo du khách về tham quan, trải nghiệm. Cùng với Thành Sơn, các xã Thành Lâm, Ban Công, Lũng Niêm, Lũng Cao... là những địa phương thu hút du khách về với Bá Thước thông qua khám phá thiên nhiên Pù Luông, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, thăm chợ phố Đòn (phố Đoàn), thưởng thức các món ăn đặc sản độc đáo. Và hơn hết, về với Pù Luông, được hít hà bầu không khí trong lành, bình yên. Bên ô cửa nhà sàn, nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang là những trải nghiệm tuyệt vời với mỗi du khách. Ruộng bậc thang sẽ mãi thân thương, tươi đẹp, đem đến sự ấm no cho mỗi bản làng và là những kỷ niệm khó quên trong lòng du khách.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
- 2024-09-18 16:12:00
Người dân huyện Mường Lát giao nộp súng tự chế cho bộ đội biên phòng
- 2024-09-18 10:29:00
Thị xã Bỉm Sơn khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp
- 2024-08-11 09:10:00
Sáng mãi tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
Bản tin Tài chính 11/8: Giá vàng tiếp tục tăng, dự báo lạc quan trong tuần tới
Người trẻ xứ Thanh “giữ lửa” nghề truyền thống
Cơ hội ngắm mưa sao băng Perseids tại Việt Nam vào ngày 12-13/8 tới
Cảnh giác với hoạt động quảng cáo trá hình gắn với trang web cờ bạc, cá độ
Bản tin Tài chính 10/8: Giá vàng nhẫn tăng mạnh, gần bằng giá vàng miếng
Dự báo thời tiết ngày 10/8: Thanh Hóa nắng nóng 37 độ C
Ngày 10/10, Hà Nội bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô tại 30 điểm
Từ “nóng” hóa bình yên
Bản tin Tài chính 9/8: Giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng mạnh