Tháng 7 nghĩa tình: “Nước mắt mẹ không còn...”
Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), tỉnh Thanh Hóa đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn sâu nặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình chính sách, người có công.
Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Thành Lộc thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Toàn.
Những ngày tháng 7 về, trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ, những nén hương thơm, những bó hoa được đặt lên các phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ. Tôi xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ lưng còng, tóc bạc, ngồi bên phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), nước mắt mẹ đã cạn, những vết chân chim hằn sâu trên khóe mắt.
Những người Mẹ Việt Nam Anh hùng
“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, đi mãi mãi...”. Lời bài hát “Người mẹ của tôi” của nhạc sĩ Xuân Hồng đã lột tả sự đau thương, mất mát của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), khi mẹ đã tiễn biệt, hiến dâng những người con, người thân của mình ra chiến trường, bảo vệ non sông, đất nước.
Ở huyện Hậu Lộc hiện nay chỉ còn 2 Mẹ VNAH đang sinh sống tại xã Thành Lộc. Đó là mẹ Nguyễn Thị Ngạt (sinh năm 1923) và mẹ Nguyễn Thị Toàn (sinh năm 1927). Trong căn nhà nhỏ bình dị của mẹ Nguyễn Thị Ngạt ở thôn Thành Đông là những tấm bằng Tổ quốc ghi công, ở gian giữa ngôi nhà là chiếc bàn thờ thờ cúng tổ tiên, người chồng và 2 người con liệt sĩ của mẹ. Mẹ Ngạt sinh được 7 người con (4 người con trai, 3 người con gái). Cả 4 người con trai của mẹ đều lên đường vào các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó, người con trai thứ 3 là Phạm Văn Lượng và người con trai thứ 4 là Phạm Văn Tứ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, còn người con trai đầu và thứ 2 là Phạm Văn Túc và Phạm Khắc Vượng may mắn trở về và đều là những thương binh, bệnh binh. Còn mẹ Nguyễn Thị Toàn, hiện đang sống ở thôn Thành Phú đã sinh được 9 người con (7 trai, 2 gái). Nhưng 2 người con là Trịnh Văn Tuần và Trịnh Văn Tứ đã hy sinh ở chiến trường.
Những ngày tháng 7 về càng thêm ý nghĩa với mẹ Ngạt, mẹ Toàn khi trong căn nhà nhỏ ấm cúng, các mẹ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, người dân, người thân đến thăm hỏi, chúc sức khỏe mẹ và thắp nén hương thơm lên bàn thờ các con liệt sĩ của mẹ. Đó là niềm an ủi, động viên để các mẹ sống vui, sống khỏe, tiếp tục là những “cây cao bóng cả” trong gia đình, xã hội.
Ấm áp nghĩa tình
Tỉnh Thanh Hóa có 4.634 Bà mẹ VNAH. Song, đến nay chỉ có 63 mẹ còn sống. Những năm qua, việc tổ chức truy tặng, phong tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, đồng thời giải quyết kịp thời các chế độ trợ cấp theo quy định. Các mẹ đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa vẫn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời. Nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hàng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình. Tiêu biểu trong số các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh có thể nhắc đến như Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân), Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh...
Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn thăm, tặng quà Mẹ VNAH Lê Thị Lợi.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông thủy lợi, sản xuất vật liệu xây dựng – vận tải, những năm qua Công ty TNHH Hoàng Tuấn (Khu Công nghiệp và Đô thị Hoàng Long, phường Long Anh, TP Thanh Hóa), do doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở làm giám đốc không chỉ đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đưa công ty trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, mà còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, đời sống cho hàng trăm lao động, trong đó phần nhiều là con em của những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Duy Nở, sinh năm 1953, từng là người lính tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông may mắn trở về quê hương, thấu hiểu sự mất mát, hy sinh của đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, của thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công, vì vậy bằng nghĩa tình, trách nhiệm, công ty và cá nhân giám đốc Nguyễn Duy Nở là một cựu chiến binh, thương binh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, công ty đã trích lợi nhuận từ 350 triệu đến 500 triệu đồng để giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đỡ đầu cho nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn là con cựu chiến binh, gia đình chính sách, giúp các cháu vươn lên trong học tập và xây dựng nhà tình nghĩa.
Đến nay, số tiền cho công tác nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội của công ty lên đến 3 tỷ đồng. Trong đó, ban giám đốc công ty đã ủng hộ và xây dựng được 13 ngôi nhà tình nghĩa; nhận phụng dưỡng suốt đời 4 Bà mẹ VNAH tại xã Hoằng Đạt, Hoằng Khê (huyện Hoằng Hóa) và Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và thương binh nặng Nguyễn Văn Hồng (tỷ lệ thương tật 85%) tại xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa). Trong số các Bà mẹ VNAH được Công ty TNHH Hoàng Tuấn nhận phụng dưỡng suốt đời, hiện nay chỉ còn mẹ Lê Thị Lợi, sinh năm 1919, người xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa. Mẹ Lợi có 2 con là liệt sĩ...
Tiếp bước các thế hệ cha anh, trong tháng 7 này, tuổi trẻ Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động về nguồn ý nghĩa trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, như: Ra quân tình nguyện làm vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang các bia, đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tri ân người có công với cách mạng... Trong số các phần việc ý nghĩa, có thể nhắc đến hoạt động tổ chức “Bữa cơm tri ân, ấm áp nghĩa tình” tại gia đình người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng, bên Mẹ VNAH.
Khó có thể nói hết bằng lời những công lao, đóng góp to lớn của những Anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của dân tộc. Phía sau những hy sinh to lớn của những người lính là tình cảm sâu nặng, sự hy sinh thầm lặng của các bà mẹ, của gia đình thân nhân liệt sĩ, người có công. Thế hệ trẻ mãi khắc ghi sự đóng góp, hy sinh lớn lao của các mẹ, các anh hùng liệt sĩ, tiếp bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
- 2024-10-10 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 10/10: Giá vàng giảm nhẹ
- 2024-10-10 06:30:00
Dự báo thời tiết ngày 10/10: Thanh Hóa trời dịu mát
- 2024-07-26 06:51:00
Bản tin Tài chính ngày 26/7: Giá vàng “lao dốc” giảm mạnh
Nữ chánh án vùng cao hết lòng vì công việc
Sinh hoạt hè: Đừng chỉ là hình thức!
Quy định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố
MTTQ huyện Như Xuân thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội
Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thanh Hóa: Một thời - nhớ mãi!
Ngã rẽ thành công của chàng thanh niên 9x
Bản tin Tài chính (24/7): Vàng SJC giảm nửa triệu đồng mỗi lượng
Triệu Sơn thu hút các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu
Bản tin Tài chính (23/7): Giá vàng “đổ dốc” ngay khi ông Joe Biden tuyên bố không tham gia tranh cử tổng thống Mỹ