(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng Bảy về, ta lặng lòng nghe tiếng đồng vọng từ quá khứ đau thương mà cũng thật đỗi tự hào của lịch sử dân tộc, để lòng người “thắp” lên những trân trọng, biết ơn...

Tháng Bảy: Đồng vọng và tri ân

Tháng Bảy về, ta lặng lòng nghe tiếng đồng vọng từ quá khứ đau thương mà cũng thật đỗi tự hào của lịch sử dân tộc, để lòng người “thắp” lên những trân trọng, biết ơn...

Tháng Bảy: Đồng vọng và tri ânĐể độc lập vẹn toàn được viết lên, đã có cả triệu Anh hùng liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ (ảnh chụp tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, tỉnh Điện Biên).

1. Năm 1971, bác tôi lên đường nhập ngũ, để lại người vợ trẻ đang bụng mang dạ chửa nơi quê nhà cùng lời ước hẹn sẽ trở về khi chiến tranh kết thúc.

Mẹ tôi kể, ngày bác tôi lên đường vào chiến trận, bác còn dúi cho em gái (tức mẹ tôi) chiếc túi vải thật đẹp, dặn ở nhà phải chăm chỉ học tập, phụ với mẹ chăm sóc chị dâu và cháu, lúc nào anh về nhất định sẽ có quà. Vậy nhưng, 2 năm sau đó, bác tôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Tin báo về, bà tôi lặng đi lau hai hàng nước mắt. Có lẽ bà hiểu, trước bom đạn chiến tranh vô tình, mọi lời hứa đều chẳng thể chắc chắn. Còn bác dâu - khóc mãi không thôi!

Thương con dâu còn quá trẻ, bà ngoại tôi động viên bác dâu đi bước nữa nhưng bác chỉ lặng im - một sự lặng im kiên định.

Mãi đến đầu những năm 2000, cuối cùng bác dâu tôi cũng tìm thấy và đưa được hài cốt bác trai về an nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Hôm ấy, cũng là một ngày nắng cuối hạ. Trên gương mặt người đàn bà tóc đã pha sương, những vết chân chim giãn ra, dường như có một gánh nặng mới được trút bỏ. Bên mộ phần chồng, bác dâu cất tiếng: “Cuối cùng mẹ con em cũng tìm được anh!”. Khi đó, tôi vẫn là cô bé mới hơn 10 tuổi, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần nghĩ lại, vẫn thấy hai khóe mắt mình rưng rưng.

2. Năm 1973, khi vừa nhận được thông báo trúng tuyển Đại học Y Hà Nội thì chú tôi cũng đồng thời nhận được giấy gọi đi bộ đội. Dĩ nhiên, khi Tổ quốc cần, mọi niềm riêng đều phải gác lại. Chú tôi lên đường nhập ngũ kèm lời dặn với bà nội: Mấy năm nữa đất nước hòa bình, con trở về tiếp tục đi học, sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ và mọi người, mẹ nhớ đợi con về.

Bà nội tôi thường kể, chú tôi đẹp trai nhất nhà, lại bơi rất giỏi. Giữa trời rét căm căm, chú vẫn có thể bơi từ bờ sông Mã làng tôi sang làng bên kia, rồi lại bơi về. Vì thế, khi vào bộ đội, chú tôi trở thành lính đặc công. Nhưng rồi, hơn 1 năm sau khi chú nhập ngũ, bà nội tôi nhận giấy thông báo chú tôi hy sinh.

Khi chúng tôi lớn lên, bà nội tôi vẫn thường nhắc đến chú với niềm tự hào. Rằng nếu chú các cháu không hy sinh, thì bây giờ có lẽ đã trở thành một bác sĩ giỏi lắm. Và trong câu chuyện bà nội kể về chú tôi, bao giờ cũng là những “nốt trầm” bỏ dở... Nội tôi vẫn đau đáu mong mỏi, rằng một ngày có thể tìm thấy hài cốt của chú để đưa về an táng ở quê nhà.

Nội tôi còn kể, giấy báo tử không ghi rõ ngày chú tôi mất, nên hằng năm vào ngày 27 tháng 7, bà lại lặng lẽ thắp hương lên ban thờ gia tiên, để tưởng nhớ người con đã khuất.

Vậy nhưng, mòn mỏi những năm tháng chờ đợi, cho đến ngày bà nội từ giã cõi đời, mong mỏi tìm thấy hài cốt của người con trai út vẫn chưa thành hiện thực. Mỗi năm vào ngày 27 tháng 7, bố tôi lại thay bà nội thắp nén hương nhớ về người em đã khuất. Lần nào ông cũng khấn nguyện có thể tìm thấy được hài cốt của chú.

3.Tôi tình cờ gặp cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vớn và những đồng đội của ông trong quá trình viết bài về những người con xứ Thanh tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm. Với nụ cười hào sảng của người lính và gắn bó những năm tháng cuộc đời với quân ngũ, ông kể cho chúng tôi về những hào hùng - đau thương trong tháng ngày khói lửa của lịch sử dưới chân Thành cổ.

Tháng Bảy: Đồng vọng và tri ânDù chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau mất người thân vẫn âm thầm khôn nguôi trong lòng nhiều người Việt Nam.

“Khi Trung đoàn 48 chúng tôi vào Quảng Trị, chiến sĩ Trung đoàn đều phải “nằm lòng” khẩu hiệu quyết tâm: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” (Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48 khi đó). Có nghĩa, việc bảo vệ Quảng Trị nói chung, Thành cổ Quảng Trị nói riêng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Và có thể khẳng định, Trung đoàn 48 ngày đó gắn bó máu thịt với chiến trường Quảng Trị. Về sau, khi Trung đoàn 48 được tuyên dương Anh hùng đã “lấy tên” dòng sông Thạch Hãn, tức Trung đoàn Thăng Long - Thạch Hãn, với 16 chữ vàng được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương, trao tặng vào cuối năm 1972: “Tiến công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh thắng giòn giã, lập công xuất sắc” - cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vớn nhớ lại.

Năm 1994, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vớn ra quân, trở về quê nhà xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Nếu so với gần 25 năm gắn bó nghiệp nhà binh thì 3 năm ở Quảng Trị là khoảng thời gian không dài. Vậy nhưng, đó lại là khoảng thời gian “sống mãi” trong đời lính của ông Nguyễn Ngọc Vớn. Bởi nơi đó, đã có những người đồng đội của ông ngã xuống! Để rồi: “Tính từ năm 1994 ra quân đến nay, tôi đã 5 lần trở lại với dòng sông Thạch Hãn, với Thành cổ Quảng Trị để thăm những người đồng đội đã ngã xuống nơi đây. Bom đạn chiến tranh vốn vô tình. Ngày ấy, nếu số phận không may mắn, biết đâu tôi cũng đã nằm lại với Thành cổ rồi. Mình may mắn hơn vì có thể ra khỏi chiến tranh, sống những tháng ngày hòa bình. Nhưng thương đồng đội vô cùng. Đó cũng là lý do, cứ thu xếp được thời gian, tôi lại vào Quảng Trị, thăm lại những đồng đội đã mất, tôi muốn họ biết, tôi không quên họ” - cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vớn trải lòng.

Đi qua những cuộc chiến vệ quốc của dân tộc, theo thống kê cả nước có khoảng gần 1,2 triệu liệt sĩ. Trong đó, Thanh Hóa đã có hơn 55.000 liệt sĩ; trên 43.000 thương binh và gần 16.000 bệnh binh. Trong những con số thống kê đó, có bác tôi, chú tôi và cả bố tôi.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, liệt sĩ. Đến tháng 6/1947, trong cuộc họp diễn ra tại Bắc Thái bàn về công tác thương binh, liệt sĩ, các đại biểu dự đã cùng nhau thống nhất chọn ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7/1955, Đảng, Nhà nước đã quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Chiến tranh đã đi qua, độc lập toàn vẹn đã được những thế hệ người dân Việt Nam không tiếc máu xương giành được. Nhắc nhớ để thấy đó không chỉ là niềm tự hào - mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ, bảo vệ độc lập dân tộc. Như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]