(vhds.baothanhhoa.vn) - Cầu Hàm Rồng, Trận địa Đồi C4, Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng… là những di tích lịch sử nổi tiếng, đồng thời cũng là điểm du lịch hấp dẫn tại TP Thanh Hóa.

Thành phố Thanh Hóa: Phát triển du lịch về nguồn

Cầu Hàm Rồng, Trận địa Đồi C4, Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng… là những di tích lịch sử nổi tiếng, đồng thời cũng là điểm du lịch hấp dẫn tại TP Thanh Hóa.

Thành phố Thanh Hóa: Phát triển du lịch về nguồnDu khách tham quan hình ảnh, hiện vật cách mạng tại Bảo tàng tỉnh.

Là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, TP Thanh Hóa còn gắn liền với nhiều cuộc chiến oanh liệt. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích, hiện vật cách mạng là minh chứng cho các phong trào cách mạng, thể hiện tinh thần yêu nước của Nhân dân Thanh Hóa. Trong đó, cầu Hàm Rồng là cây cầu nổi tiếng không chỉ với người dân xứ Thanh mà còn trên khắp cả nước. Cầu Hàm Rồng bắc ngang qua dòng sông Mã do Pháp xây dựng năm 1904, cầu được xem là hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Cây cầu có vị trí quan trọng và được xem là “yết hầu” của “con đường huyết mạch” một thời. Cây cầu đã cùng Nhân dân Thanh Hóa trải qua bao cuộc chiến đấu oanh liệt, đặc biệt, trong hai ngày 3 và 4-4-1965, khi đế quốc Mỹ huy động 454 lượt máy bay, ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất này, người dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, con đường chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Du khách đến với Thanh Hóa nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng đều có nhu cầu được ngắm nhìn và đi trên cây cầu huyền thoại. Không những thế, đứng trên cầu du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của dòng sông Mã, nhìn núi Ngọc sừng sững và chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Thành phố Thanh Hóa: Phát triển du lịch về nguồnCác em học sinh nghe hướng dẫn viên kể về lịch sử cách mạng.

Một di tích cách mạng nổi tiếng nữa ở TP Thanh Hóa là Trận địa Đồi C4, nằm cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m. Trận địa có tổng diện tích 120 nghìn m2, gồm: 1 hầm chỉ huy, 2 trung đội pháo gồm pháo B1, B2; 6 khẩu đội, 1 hầm câu lạc bộ và 2 hầm đạn. Đồi được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba Cây Thông… Từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, Trận địa Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228. Với khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo chứ quyết không để cầu gục” bộ đội của ta đã chiến đấu hết mình, bảo vệ thành công cầu Hàm Rồng và làm nên những chiến thắng oanh liệt.

Hằng năm, Trận địa Đồi C4 thường đón các đoàn du khách là những cựu chiến binh, thanh niên xung phong… về thăm và ôn lại truyền thống cách mạng. Đồng thời, đây cũng trở thành “địa chỉ đỏ” trong những chuyến tham quan, trải nghiệm của học sinh, nhằm tăng cường những bài học lịch sử thực tiễn, giáo dục tinh thần cách mạng và bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa còn nhiều di tích cách mạng khác như: Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng, Bia tưởng niệm các nữ sinh Trường Y Thanh Hóa…

Thành phố Thanh Hóa: Phát triển du lịch về nguồnKhẩu đội 4 trong Trận địa Đồi C4.

Cũng nằm trên địa bàn TP Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh cung cấp cho du khách hiểu sâu sắc hơn về tinh thần cách mạng của người dân Thanh Hóa và tham quan các hiện vật kháng chiến. Trong không gian trưng bày của “Phòng truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa” còn lưu giữ hàng nghìn hình ảnh và hiện vật quý về các cuộc cách mạng, phong trào yêu nước được sưu tầm trên mọi miền đất nước. Đó là chiếc trống lệnh dùng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa năm 1945; chiếc vỏ ốc được Nhân dân xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa dùng làm hiệu lệnh chống Nhật khủng bố đàn áp phong trào cách mạng tại địa phương tháng 8-1945; bộ sưu tập vũ khí giành chính quyền năm 1945; bộ sưu tập truyền đơn thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945; bộ sưu tập các tờ báo cách mạng… Hàng nghìn hiện vật là hàng nghìn câu chuyện khác nhau kể về sự hy sinh gian khổ, sự đau thương mất mát, những niềm hạnh phúc, niềm vui chiến thắng… Hiện nay, bảo tàng là điểm đến hấp dẫn của du khách nội tỉnh, trong đó đặc biệt là các học sinh yêu thích tìm hiểu lịch sử cách mạng Thanh Hóa. Trong 6 tháng của năm 2023, bảo tàng đón khoảng 20.000 lượt khách, cao điểm có những tháng đón trên 5.000 lượt khách. Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Qua giọng kể của hướng dẫn viên, những hiện vật lịch sử cùng với câu chuyện thời chiến của mình, cung cấp cho du khách câu chuyện lịch sử hấp dẫn, giúp những bài học về lịch sử trở nên sống động và dễ cảm nhận. Vào những ngày kỷ niệm của đất nước, Bảo tàng có thêm nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn như tổ chức trò chơi, trải nghiệm hiện vật qua không gian số… nhằm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm”.

Việc khai thác du lịch đối với di tích lịch sử cách mạng không những làm phong phú thêm loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách mà còn góp phần phát huy giá trị của di tích, giúp tăng cường giáo dục và nâng cao truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]