Thầy giáo Đỗ Xuân Cát: Danh sĩ xứ Thanh được vua Nguyễn mời ra làm quan
Kể tên những học trò xuất sắc của thầy giáo Nhữ Bá Sĩ, không thể không nhắc đến Đỗ Xuân Cát. Tư chất thông minh, ham học hỏi nhưng lại không tiến thân bằng quan lộ mà lựa chọn ở lại quê nhà làm thầy dạy học. Dù vậy, với tài năng của mình, ông đã đóng góp nhiều kế sách cho triều đình nhà Nguyễn, được vua Tự Đức coi trọng.
Làng Nghĩa Sơn bên bờ sông Mã là quê hương của thầy giáo Đỗ Xuân Cát.
Đỗ Xuân Cát là người đất Yên Vực xưa (trước đây thuộc Hoằng Hóa), nay là làng Nghĩa Sơn, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) - một làng quê “sơn kỳ thủy tú” bên bờ sông Mã. Ông sinh ra vào đầu thế kỷ XIX trong gia đình có truyền thống hiếu học. Theo sử liệu, cha ông là Đỗ Xuân Thái cũng là bậc sĩ phu có tiếng thời bấy giờ đã theo Nguyễn Ánh từ buổi đầu gian khó. Sau khi vua Gia Long lên ngôi lập nên vương triều Nguyễn, ông được phong công thần, giữ nhiều trọng trách. Đáng tiếc, đến thời vua Minh Mạng, ông bị kẻ xấu dèm pha dẫn đến uất ức chết trong ngục tù. “Nỗi đau” của ông Đỗ Xuân Thái là một trong những nguyên do khiến con trai ông là Đỗ Xuân Cát đã có những thay đổi trong sự nghiệp, cuộc đời.
Từ nhỏ, Đỗ Xuân Cát đã bộc lộ tư chất thông minh, lại chăm chỉ việc đèn sách, học đâu hiểu đó. Cậu bé Cát theo học thầy Nhữ Bá Sĩ - một trí thức uyên bác, có uy tín thời bấy giờ. Đặc biệt, khác với các bạn đồng môn vẫn học thuộc theo lối cũ, Đỗ Xuân Cát thường chú ý tới tính triết lý trong sách thánh hiền để nghiền ngẫm, gắn với thời cuộc, ham đọc sách để mở mang kiến thức. Vì thế cậu được thầy giáo Nhữ Bá Sĩ quý mến, xem như “người bạn nhỏ”.
Với tư chất thông minh, sức học bền bỉ lại có phương pháp học nên trong kỳ thi Hương năm Tân Sửu (1841) ông đã thi đỗ cử nhân. Tuy nhiên sau đó ông không tiến thân chốn quan trường mà lựa chọn lui về quê nhà dạy học, vui niềm vui văn chương, chữ nghĩa, cầm kỳ thi họa... Tuy nhiên, bởi là người theo học chữ thánh hiền nên Đỗ Xuân Cát chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Nho giáo. Sinh thời, ông cũng là người rất coi trọng sự hiếu kính với người trên, đặc biệt là cha mẹ. Sau khi cha qua đời trong ngục tù, ông giữ lễ, hết lòng chăm sóc mẹ trọn đạo làm con. Sự hiếu kính của ông đồ Cát thời bấy giờ còn được người trong vùng ngợi ca, lan truyền như tấm gương sáng.
Ban đầu chỉ có số ít học trò trong làng đến theo học, về sau tiếng thơm của thầy Đỗ Xuân Cát khiến học trò tìm đến mỗi ngày thêm đông. Thầy giáo họ Đỗ thường “quan tâm tới kết quả học tập của từng người, ai chưa hiểu bài ông đều giảng giải đến nơi đến chốn, cho nên trong số học trò của Đỗ Xuân Cát, nhiều người đã thành danh và họ chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách của người thầy họ Đỗ. Đó là đức tính ngay thẳng, quý trọng lẽ phải” (sách Danh nhân Thanh Hóa). Ông được xem là một trong những thầy giáo tiêu biểu thời bấy giờ.
Không chỉ là thầy giáo giỏi, Đỗ Xuân Cát còn là người đa tài. Ông nghiên cứu sâu, am hiểu về thiên văn. Về tài năng của Đỗ Xuân Cát, theo sách Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa (phần Những người thầy tiêu biểu của Hoằng Hóa): “Vào thời Tự Đức, đê sông Bắc Kỳ vỡ liên miên, triều Nguyễn luôn phải cử quan lại ra Bắc để xem xét, đốc thúc đê điều. Ông đã viết tác phẩm Hà phòng thuyết (còn gọi là Hà phòng ngũ thuyết) chỉ ra năm phương cách đề phòng việc sông nước”. Với tập sách này, ông được vua Tự Đức ngợi khen là người có thực học và triệu vào kinh đô Huế làm quan. Tuy nhiên, ông đồ Cát lại viện cớ sức khỏe yếu để ở lại chốn quê nhà.
Năm Tự Đức thứ 11 (1858) vào thời điểm thực dân Pháp liên kết với quân Tây Ban Nha tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược và đô hộ nước ta, ông Đỗ Xuân Cát lại dâng sớ hiến kế sách trấn thủ ven biển. Nhận thấy ông là một nhân tài, vua Nguyễn ngợi khen và tiếp tục mời ông vào kinh đô Huế làm quan, tuy nhiên ông vẫn kiên quyết từ chối, tìm cách thoái thác. Với hành động nhiều lần từ chối làm quan của Đỗ Xuân Cát đã được tầng lớp sĩ phu Thanh Hóa bấy giờ cảm phục.
Danh sĩ Đỗ Xuân Cát được con cháu dòng họ Đỗ ở Nghĩa Sơn thờ phụng.
Sinh thời, thầy giáo Đỗ Xuân Cát cũng là người thích ngao du khắp chốn và yêu thích sáng tác văn chương. Di cảo ông có thể kể đến các tác phẩm, như: Châu Tân văn tập; Lâm hành tạp lục; Gia phả tự lệ; Quan thư hữu cảm... Những sáng tác của ông thấm đượm tính nhân văn, gắn liền với thiên nhiên, cảnh vật, phong tục, núi sông... đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn học thời Nguyễn ở xứ Thanh.
Cũng theo sách Danh nhân Thanh Hóa, một trong những tác phẩm giàu giá trị của Đỗ Xuân Cát là biên khảo bộ “Lâm hành tạp lục” (sách địa chí ghi lại những tên làng, tên núi, tên sông, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán của vùng đất Thanh Đô xưa) - đây cũng được xem là công lao to lớn của ông với người cha đã khuất của mình: “Bộ Lâm hành tạp lục, xưa cha tôi soạn khi làm Tri phủ Thanh Đô, tôi lục thấy chồng giấy tờ còn sót lại, thấy đã tàn khuyết nhiều lắm. Nghĩ đến cha tôi một thời trắc trở, chí không thành mà mất, tôi hèn kém không biết chắp vá chỗ thiếu sót để làm rạng rỡ tổ tiên như người xưa, tội bất hiếu rất nặng, nói ra mà đau lòng. May mà còn sót thấy được chữ viết của cha tôi, quả không dám để mai một đi, nên sắp lại thành một bộ, truyền lại cho con cháu đọc...”.
Tài năng, nhân cách của thầy giáo Đỗ Xuân Cát cảm mến người dân, được vua Nguyễn ngợi khen. Vì vậy, sau khi ông mất, vua Tự Đức đã truy tặng ông chức Hàn lâm viện Biên tu.
Tìm đến căn nhà nhỏ tại phố Nghĩa Sơn, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) - nơi hậu duệ họ Đỗ thờ phụng tiền nhân Đỗ Xuân Cát, ông Đỗ Xuân Thực, cho biết: “Họ Đỗ khi xưa ở đất Bồng Trung (nay thuộc Vĩnh Lộc). Đến thời Lê Trung hưng, cụ Đỗ Thiện Mẫn là người họ Đỗ đã cùng gia quyến xuôi theo sông Mã đến chân núi Châu Phong (xã Yên Vực cũ), dựng làng lập ấp, gây dựng cơ nghiệp. Về sau con cháu đông đúc đặt tên làng Nghĩa Sơn. Họ Đỗ là một trong những dòng họ có công lớn khai phá, lập nên làng Nghĩa Sơn bên bờ sông Mã. Nhà thờ dòng họ Đỗ Xuân trước đây vốn thâm nghiêm, lưu giữ gia phả, sắc phong, đồ thờ, di cảo văn chương của tiền nhân, trong đó nhiều nhất là các sáng tác văn chương của cụ Đỗ Xuân Cát. Do chiến tranh, bom đạn khiến cho nhiều hiện vật, tư liệu quý không còn”.
Ông Lê Công Thành, trưởng phố Nghĩa Sơn 1, cho biết: “Ở Nghĩa Sơn, họ Đỗ là một trong những dòng họ lớn. Các vị tiền nhân họ Đỗ nói chung, thầy giáo Đỗ Xuân Cát nói riêng là niềm tự hào về việc học và nhân cách sống để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
- 2024-09-16 08:46:00
Gương sáng “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
- 2024-09-13 09:18:00
Danh quan Hoàng Hối Khanh
- 2023-11-16 10:03:00
Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc
Hai vợ chồng là Nghệ sĩ Nhân dân
Trịnh Khắc Phục, từ vị khai quốc công thần đến cái chết oan trái
Vườn mẫu điển hình của cựu chiến binh tuổi thất tuần
Nữ giảng viên được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”
Chủ tịch hội LHPN tâm huyết đưa nghề về quê
Bác sĩ trẻ làm theo lời Bác
Hoa sĩ Đỗ Chung - Hành trình chinh phục vũ trụ và cái đẹp
Tể tướng Nguyễn Mậu Tuyên: Người “đứng đầu danh thần thời Trung hưng”
Cán bộ hội phụ nữ tận tâm, nhiệt huyết với công việc