(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên hành trình chuẩn bị cho giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á sẽ được tổ chức trên đất Philippines từ ngày 4-7 đến 17-7-2022, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mới đây đã có trận đấu giao hữu với đội tuyển nữ Pháp và chấp nhận thua 0-7. Một tỷ số khá đậm đà nhưng không có gì bất ngờ vì các cô gái Pháp đang là đệ tam anh hào thế giới, còn đội tuyển nữ của chúng ta mới chỉ vươn ra tầm châu lục. Quan trọng hơn, thất bại này đã cho thầy trò HLV Mai Đức Chung những bài học hữu ích khi 1 năm nữa, họ sẽ tham dự World Cup bóng đá nữ, gặp những đội bóng mạnh, không kém gì tuyển nữ Pháp.

Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia: Cần đi thêm những “ngày đàng”

Trên hành trình chuẩn bị cho giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á sẽ được tổ chức trên đất Philippines từ ngày 4-7 đến 17-7-2022, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam mới đây đã có trận đấu giao hữu với đội tuyển nữ Pháp và chấp nhận thua 0-7. Một tỷ số khá đậm đà nhưng không có gì bất ngờ vì các cô gái Pháp đang là đệ tam anh hào thế giới, còn đội tuyển nữ của chúng ta mới chỉ vươn ra tầm châu lục. Quan trọng hơn, thất bại này đã cho thầy trò HLV Mai Đức Chung những bài học hữu ích khi 1 năm nữa, họ sẽ tham dự World Cup bóng đá nữ, gặp những đội bóng mạnh, không kém gì tuyển nữ Pháp.

Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia: Cần đi thêm những “ngày đàng”

Đương đầu với một đối thủ hơn mình trên mọi phương diện, chẳng có gì ngạc nhiên khi các cầu thủ nữ Việt Nam chỉ biết co cụm chống đỡ, ai cũng lo phòng ngự trước các pha lên bóng của đối phương. Hầu như cả đội luôn thường trực bên phần sân nhà để hạn chế bàn thua. Hãy xem, cả trận đấu, đội tuyển nữ Pháp có tới 31 cú sút về phía khung thành đội tuyển nữ của chúng ta (trung bình chưa tới 3 phút, đội chủ nhà đã có 1 cú sút), trong đó họ 16 lần sút trúng đích, còn các vị khách chỉ có 1 lần “đáp lễ” từ cú sút của Huỳnh Như.

Các con số thống kê khác cũng cho thấy: trong trận đấu, đội chủ nhà có 640 đường chuyền cùng tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 76%, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có tỷ lệ kiểm soát bóng là 24%. Về số lần được hưởng phạt góc, đội tuyển nữ Pháp có 12 lần, còn tuyển nữ Việt Nam 0.

Về tầm vóc, các cầu thủ nữ Việt Nam cũng hoàn toàn “thấp bé nhẹ cân” hơn đối thủ, vốn có nhiều người nhập tịch từ châu Phi. Điều này khiến các học trò của HLV Mai Đức Chung bị đuối và lép vế trong tất cả các pha tranh chấp, đua tốc độ với đối thủ. Đương nhiên, các cầu thủ tuyển nữ Pháp ở một thái cực ngược lại so với chúng ta: họ cao lớn nhưng không vụng về mà dẻo dai, tất cả đều có sức rướn tốt hơn, tốc độ trong các pha lên bóng cũng rất nhanh, tranh chấp cực khỏe, không ngại va chạm. Nhiều lúc có cảm giác các cô gái Pháp với bất kỳ tình huống, pha lên bóng nào cũng có thể “xé toang” hàng phòng ngự đội tuyển nữ Việt Nam. Họ đa dạng, phong phú trong các “miếng đánh”: tấn công trung lộ theo kiểu “sóng vỗ bờ” hết lần này đến lần khác, khi cần thay đổi thì từ trung lộ dạt ra biên, thậm chí bất thình lình chơi bóng bổng...

Cả trận đấu, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có một pha dứt điểm của tiền đạo Huỳnh Như. Điều đáng nói là Huỳnh Như đã rất ý thức được sự thua thiệt của mình và các đồng đội nếu đua về tốc độ hay thể lực nên khi nhận được cơ hội từ pha phất bóng nhanh, cô đã dùng kỹ thuật cá nhân để loại bỏ hậu vệ đội bạn song động tác dứt điểm cuối cùng lại không đủ lực và độ khó.

Sau trận đấu, HLV Mai Đức Chung đã rất khách quan và “biết mình, biết người” mà thừa nhận: “Đội tuyển nữ Pháp có lối chơi thật khoa học, thái độ thi đấu rất chuyên nghiệp, tư duy nhanh nhạy cũng như thể lực quá bền bỉ. Nếu muốn phát triển và tiến xa hơn, đội tuyển nữ Việt Nam cần có thêm nhiều trận đấu, giải đấu mang tính chất như thế này để các cầu thủ làm quen và tích lũy thêm kinh nghiệm”.

Như đã nói, sau trận đấu giao hữu với đội tuyển nữ Pháp, đội tuyển nữ Việt Nam ngay lập tức tranh tài ở giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á trên đất Philippines; 1 năm sau là World Cup bóng đá nữ 2023 tại Australia và New Zealand. Rõ ràng, HLV Mai Đức Chung hay bất cứ ai dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam cũng phải nghĩ đến việc nâng cao thể lực, sự bền bỉ trong từng pha tranh chấp, lên bóng cho các cầu thủ nữ nếu không muốn tiếp tục phải đón nhận những trận thua đậm đà. Bởi World Cup rất khác với sân chơi ở khu vực Đông Nam Á và sân chơi tầm cỡ châu lục. Không đủ sức, các cầu thủ dễ bị hụt hơi hay “hết pin” khi phải đua tốc độ, thể lực. Mà khi đã hụt hơi, là một khoảng trống mênh mông lộ ra trước mắt đối thủ, đồng đội cũng không thể bọc lót. Muốn cải thiện điều này, chỉ có thể nâng cao chất lượng bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cùng những chuyến du đấu, tập huấn dài ngày.

Nói cách khác, đội tuyển bóng đá nữ cần được đi thêm những “ngày đàng” để trưởng thành hơn. Vẫn còn thời gian để chúng ta thay đổi lịch sử bóng đá nữ Đông Nam Á!.

THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]