(vhds.baothanhhoa.vn) - Với chuỗi thành tích được xem là bất xứng kỳ vọng: Giành được 6/12 điểm tối đa ở V.League 2018 và 4/12 điểm tối đa ở AFC Cup, HLV trưởng CLB Bóng đá FLC Thanh Hóa, ông Marian Mihail chính thức đệ đơn từ chức và được Ban lãnh đạo đội bóng chấp thuận. Điều đáng nói là, trước khi chia tay, “người ra đi” đã để lại những phát ngôn cần phải suy ngẫm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi trò "đá" thầy…

Với chuỗi thành tích được xem là bất xứng kỳ vọng: Giành được 6/12 điểm tối đa ở V.League 2018 và 4/12 điểm tối đa ở AFC Cup, HLV trưởng CLB Bóng đá FLC Thanh Hóa, ông Marian Mihail chính thức đệ đơn từ chức và được Ban lãnh đạo đội bóng chấp thuận. Điều đáng nói là, trước khi chia tay, “người ra đi” đã để lại những phát ngôn cần phải suy ngẫm.

Theo lời ông Marian Mihail, nguyên nhân chính khiến ông không thể thành công ở xứ Thanh là do sự chống đối của một nhóm “cầu thủ công thần” - những trụ cột của CLB mùa giải 2017: Họ tự ý rời khách sạn, không tuân theo sự sắp xếp nhân sự cũng như chiến thuật của HLV trưởng… Đáp lời “cố nhân”, trên một tờ báo nọ, Chủ tịch CLB Bóng đáFLC Thanh Hóa Doãn Văn Phương đã phủ nhận “cáo buộc” trên, đồng thời khẳng định: Quân thua, tướng bị “trảm” trong bóng đá là điều hết sức bình thường.

Dẫu vậy, người hâm mộ vẫn có quyền đặt ra những dấu hỏi. Nhớ lại, cách đây 2 năm, khi đã đệ đơn từ chức chỉ sau vài tháng nắm quyền chỉ đạo chuyên môn, chứng kiến cảnh các học trò cũ ghi bàn và tỏ ý muốn xem đấy là “quà chia tay” thầy cũ, ông Lê Thụy Hải đã khiến người ta không khỏi nghĩ ngợi bởi câu nói lấp lửng: Lúc thầy còn tại vị thì không chịu đá, giờ “tặng quà” thì có ý nghĩa gì?

Ngày sân cỏ nước nhà mới chập chững lên chuyên nghiệp, hậu trường CLB Ngân hàng Đông Á “nổi tiếng” với một nhóm cầu thủ mà người hâm mộ gọi là “công đoàn vàng”. Tầm ảnh hưởng của “liên minh” này lớn đến mức họ mới có tiếng nói quyết định trong việc ai đá chính, ai dự bị (?) chứ không phải người ngồi trên ghế HLV trưởng. Còn tại xứ Nghệ, thời HLV Nguyễn Văn Thịnh đang là “giáo đầu” đã diễn ra câu chuyện “xưa nay hiếm”: Nhiều cầu thủ đồng loạt ký đơn đề nghị lãnh đạo CLB “thay ngựa giữa dòng”.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cách đây chừng một thập niên, khi đội bóng có những thất bại liên tiếp, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha H.Calisto đã triệu tập toàn bộ học trò, phát cho mỗi người 1 lá phiếu, yêu cầu họ chọn 1 trong hai phương án: HLV trưởng “ra đi” hoặc “ở lại”. Sau này, trong 1 bận trà dư tựu hậu, ông Calisto mới mở lòng: Tôi có biết hiện tượng phe nhóm ở đội tuyển và chấp nhận để trò quyết định tương lai thầy!

Trở lại câu chuyện ở sân Thanh Hóa. Ai cũng biết là không dễ nếu muốn tìm ra bằng chứng về thứ “quyền lực đen” rất đáng lên án kia. Ông Phương đã khôn ngoan khi chọn giải pháp “chìm xuống” bởi việc ông Marian Mihail “mất ghế” dẫu sao cũng là “chuyện đã rồi”. Chưa hết, như lên tiếng của nhà cầm quân người Romania thì “nhóm công thần” có tới 5 gương mặt (tức một nửa đội bóng) nên việc thay thế không thể diễn ra một sớm một chiều. Vì vậy, thà mất lòng người ra đi song được lòng người ở lại còn hơn làm mọi thứ “rối tinh rối mù” lúc này.

Có điều, về lâu dài, chuyện dung túng các “cầu thủ công thần” ở xứ Thanh (nếu có) sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm bởi nó đòi hỏi HLV kế nhiệm ngoài năng lực chuyên môn còn cần trang bị cho mình kỹ năng “phi chuyên môn” là chấp nhận “sống chung với lũ” và phải san sẻ quyền lực.

Hãy chờ xem nhà cầm quân nào sẽ là người đủ dũng khí tiếp quản chiếc ghế nóng mà ông Marian Mihail “vừa bỏ của chạy lấy người”?

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]