(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo nghiên cứu, tìm hiểu của các võ sư môn phái Nhất Nam, thì đây là dòng võ đặc dị của người Việt, còn được gọi với tên võ Hét, hoặc Héc (tùy theo khẩu âm địa phương), được sản sinh từ vùng đất châu Hoan, châu Ái, nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Do những biến cố, thăng trầm của lịch sử, trong một thời gian dài môn võ này gần như bị thất truyền, lãng quên. Bằng niềm đam mê võ học và trách nhiệm với quê hương, từ năm 2012 đến nay, võ sư Trần Văn Dũng đã nỗ lực bền bỉ đưa môn võ này trở lại xứ Thanh.

Sống dậy võ Hét ở Xứ Thanh

Theo nghiên cứu, tìm hiểu của các võ sư môn phái Nhất Nam, thì đây là dòng võ đặc dị của người Việt, còn được gọi với tên võ Hét, hoặc Héc (tùy theo khẩu âm địa phương), được sản sinh từ vùng đất châu Hoan, châu Ái, nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Do những biến cố, thăng trầm của lịch sử, trong một thời gian dài môn võ này gần như bị thất truyền, lãng quên. Bằng niềm đam mê võ học và trách nhiệm với quê hương, từ năm 2012 đến nay, võ sư Trần Văn Dũng đã nỗ lực bền bỉ đưa môn võ này trở lại xứ Thanh.

Sống dậy võ Hét ở Xứ ThanhChưởng môn phái Nhất Nam Ngô Xuân Bính (người đứng) và anh Trần Văn Dũng.

10 năm một hành trình

Trần Văn Dũng sinh năm 1987, ở tổ 4, phố Nam Hưng, phường An Hưng (TP Thanh Hóa). Anh cho biết, mình chọn võ Nhất Nam không chỉ vì tính chất thuần Việt, có nguồn gốc từ Thanh Hóa mà còn bởi tính ưu việt của môn võ. Hiện nay võ Nhất Nam đã phát triển thành phong trào tập luyện thường xuyên ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thành lập được Liên đoàn võ Nhất Nam, như: Nga, Ba Lan, Ucraina, Belarus... Nhất Nam là tên gọi được đặt bởi Chưởng môn Ngô Xuân Bính sau khi thống nhất các chi phái, cùng hướng về cội nguồn võ Hét. Chữ “Nhất” nghĩa là thuần nhất, không pha tạp các bài tập của bất cứ môn phái nào khác ở trong và ngoài nước, “Nam” là nước Việt Nam.

“Rất nhiều quốc gia biết và phát triển võ Nhất Nam, nhưng ở Thanh Hóa, nơi khởi nguồn môn võ, lúc đó (năm 2012 - PV) lại rất ít người biết đến. Hiểu được điều này tôi rất buồn”, anh Trần Văn Dũng tâm sự. Anh Dũng bén duyên với võ Nhất Nam khi đang là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Lúc đó, anh chỉ muốn tìm một môn võ để rèn luyện sức khỏe, nên tham gia Câu lạc bộ (CLB) võ Nhất Nam của trường. Càng học anh càng bị thu hút bởi những thế võ uyển chuyển, mau lẹ nhưng đầy sức mạnh. Anh bị thuyết phục hoàn toàn khi được võ sư Ngô Mạnh Hùng giảng giải, khơi thông ngọn nguồn ý nghĩa của môn võ. Và khi biết Nhất Nam có nguồn cội từ Thanh Hóa anh vừa bất ngờ, lại vừa buồn vì mình biết đến môn võ này ở tỉnh ngoài chứ không phải nơi sinh ra nó. Sau cùng anh nhận ra trách nhiệm và đặt quyết tâm đưa Nhất Nam trở lại quê hương.

Cuối năm 2012 tốt nghiệp ra trường, dù đã xin được việc làm theo đúng chuyên môn nhưng anh Dũng lại dồn hết tâm huyết cho sự trở về của võ Nhất Nam. Cũng từ đó, CLB võ Nhất Nam Thanh Hóa được thành lập do anh làm chủ nhiệm. Những ngày đầu khai môn lập phái khó khăn chồng chất, từ chiêu sinh đến kinh phí hoạt động, anh Dũng đều một mình chạy vạy lo toan. Thế nhưng người đến theo học cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần vì môn võ chưa được phổ biến rộng rãi, phần vì tính đặc dị mỗi thế võ thường đi kèm tiếng hét hào sảng, người chưa hiểu bản chất môn võ sẽ không thích.

Có lẽ, điều đáng quý nhất ở người học võ là tính kiên định, dù con đường có chông gai vẫn tiến lên phía trước. Võ sư Trần Văn Dũng cũng thế, khó khăn đến mấy cũng không khiến anh nhụt chí, lại bồi đắp thêm sự quyết tâm ngày càng cao hơn. Ròng rã 10 năm anh vừa làm thầy, vừa chiêu sinh. Để thuyết phục phụ huynh, anh dạy “đạo võ” trước khi dạy quyền cước, để môn sinh có thái độ sống tích cực, gần gũi thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ những giá trị hướng thiện, bảo vệ cộng đồng, quê hương đất nước. Và chính thái độ sống tích cực qua từng ngày của môn sinh là lời thuyết phục giá trị nhất đối với phụ huynh. Rồi anh liên hệ với các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh để vừa đến biểu diễn vừa thuyết trình về ý nghĩa của Nhất Nam, nhấn mạnh Nhất Nam là di sản võ thuật của người Thanh Hóa, để khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, anh cùng với các môn sinh đi biểu diễn võ thuật khắp mọi miền đất nước, để mọi người biết đến võ Nhất Nam nhiều hơn và để tinh thần Nhất Nam Thanh Hóa được lan tỏa.

Đó là cách anh gieo mầm võ Nhất Nam Thanh Hóa. Nhiều người nói anh “vác tù và hàng tổng”, nhưng anh chẳng nề hà. Bởi sau 10 năm miệt mài cố gắng, di sản của cha ông đã quay lại và nảy mầm xanh tươi trên quê hương, được nhiều người biết đến, theo học. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 10 CLB với hàng nghìn môn sinh theo học võ Nhất Nam. Trong đó, Trường Tiểu học Hoằng Giang (Hoằng Hóa) đã từng đưa môn võ này vào giảng dạy trong giờ thể dục cho hơn 400 học sinh nhà trường...

Vẫn tiếp tục hành trình

Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, ngày 28-6-2014 Chi hội Di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập và anh Dũng trở thành Chủ tịch của Chi hội. Chia sẻ về điều này, anh Dũng cho biết: “Làm sống dậy môn võ Nhất Nam ở Thanh Hóa không chỉ có công của một mình tôi, mà còn là sự đóng góp quan trọng của các học trò, những người đã cùng tôi tham gia hàng trăm cuộc biểu diễn lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh".

Sống dậy võ Hét ở Xứ ThanhGiờ đây võ Nhất Nam được nhiều người chọn học, rèn luyện sức khỏe.

Theo anh Dũng, nét đặc trưng của môn võ Nhất Nam là linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với thể trạng của người Việt, lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều... Các đòn thế của môn phái được bắt nhại theo hình dạng và những tinh tuý của muôn loài trong tự nhiên như: sự nhanh, mạnh của hổ, báo; sự quấn riết quằn quại của trăn, rắn; cái lầm lì, vững chãi của voi, gấu... Môn sinh Nhất Nam, trước khi học quyền cước, đòn, thế thì đều được học về tâm pháp để hiểu phép tắc đối nhân xử thế, tính triết lý trong luyện tập của môn phái, về cơ chế hoạt động của cơ bắp, sự vận hành khí huyết... Vì vậy, nhiệm vụ của anh cùng các học trò không chỉ làm sống dậy một di sản văn hóa mà là phổ biến để di sản lan tỏa rộng khắp, để mọi người cùng hiểu, cùng tập luyện và cùng gìn giữ.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]