(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) ‘Mưa điểm 10’ - câu chuyện ‘ngỡ như đùa’ nhưng lại là sự thật ở kì thi THPT Quốc gia năm nay đồng thời là chủ đề được bàn tán khá sôi động trên các diễn đàn. Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm 2017, các sĩ tử đã lập nên kỳ tích ‘vô tiền khoáng hậu’: 4.235 điểm 10, gấp hơn... 60 lần so với năm 2016.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ ‘mưa điểm 10’ ngẫm chuyện ‘mưa vàng’ SEA Games

(VH&ĐS) ‘Mưa điểm 10’ - câu chuyện ‘ngỡ như đùa’ nhưng lại là sự thật ở kì thi THPT Quốc gia năm nay đồng thời là chủ đề được bàn tán khá sôi động trên các diễn đàn. Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm 2017, các sĩ tử đã lập nên kỳ tích ‘vô tiền khoáng hậu’: 4.235 điểm 10, gấp hơn... 60 lần so với năm 2016.

Malaysia huy động 8.000 nhân viên cho SEA Games.

Như phân tích của rất nhiều thầy cô giáo có uy tín, nguyên nhân chính khiến điểm 10 tràn ngập các bài thi hoàn toàn không bắt nguồn từ yếu tố chất lượng giáo dục được nâng cao mà là kết quả của việc thay đổi đề thi, môn thi, hình thức thi. Thậm chí, trên một tờ báo nọ, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) Đào Tuấn Đạt còn đặt ra những nghi ngờ ở khâu tổ chức và chấm thi và khẳng định: Nếu lấy điểm bài thi làm thước đo chất lượng giáo dục thì thước đo ấy đã phá sản hoàn toàn.

Ngoài ra, điểm rất dễ nhận thấy là trong hơn bốn nghìn điểm 10 ở mùa tuyển sinh 2017, có không ít “điểm ảo” - do được cộng điểm ưu tiên, điểm khu vực. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh đạt điểm “vượt ngưỡng 30”. Bởi vậy, sẽ không quá lời khi nói, sự hào nhoáng của giáo dục Việt Nam ít nhiều được tạo bởi những “giá trị ảo”.

Song, điều đáng để suy ngẫm là không chỉ thể thao mà nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, con người ta rất hay bị tác động dẫn tới chạy theo các giá trị ảo. Hãy lấy ví dụ từ môn Bóng đá Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29) đã và đang diễn ra rất sôi động trên đất Malaysia.

Nhiều kỳ đại hội trước, nội dung này vẫn được áp dụng cho các vận động viên lứa tuổi dưới 23 (U23). Vậy nhưng, từ năm ngoái, Hội đồng Olympic Malaysia bất ngờ trình đề xuất rút tuổi tham dự xuống còn 22 bằng lý lẽ: lứa U22 của các quốc gia khu vực sẽ “vừa đủ chín” để tham dự vòng loại U23 châu Á diễn ra sau đó 1 năm. Thoạt nghe qua, ai cũng nghĩ việc điều chỉnh này biểu hiện cho cái gọi là “tầm nhìn chiến lược” của nước chủ nhà nhưng diễn biến sân cỏ lại cho thấy, có vẻ như người Malaysia đang có những toan tính, “âm mưu” khác. Chẳng phải năm 2016, nền bóng đá của “người Mã” đã trình làng một lứa U21 đầy hứa hẹn đó sao? Và đến SEA Games 29, những tài năng này sẽ chạm ngưỡng 22 “mùa lá rụng”. Vậy thì đề xuất “nắn điều lệ” của nước chủ nhà, xét cho cùng chỉ là để “khống chế” tuổi của các đội bóng khác. Đây rõ ràng là một điều rất đáng phê phán mà báo chí cũng như khán giả không ngớt kêu ca, phàn nàn về cái gọi là “lệ làng” ở sân chơi khu vực.

Không những thế, “lệ làng” còn liên tục bị thay đổi chỉ để phục vụ mục tiêu duy nhất là ngôi vị nhất toàn đoàn. Mỗi kỳ SEA Games được tổ chức là một lần nước chủ nhà lại tìm mọi cách để giành lợi thế khi đưa môn các môn... phi Olympic như: lặn, Bridge (na ná hình thức... chơi phỏm/tá lả ở Việt Nam), trượt patin, leo tường, bóng sàn (không phải bóng bàn), võ gậy, cờ tưởng (không phải cờ tướng)... vào nội dung tranh chấp huy chương. Cần nói thêm là với nhiều quốc gia, ngay cả tên gọi của các môn “thể thao” trên đây cũng không phải đã phổ biến chứ đừng nói đến việc có hệ thống đào tạo, thi đấu.

Và không khác các kỳ SEA Games trước, với những gì đã diễn ra trong công tác chuẩn bị, lượng HCV mà người Mã (Lai) có thể giành được tại Đại hội lần này cũng chỉ tương đồng với “cơn mưa điểm 10” mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết ở góc độ chưa phản ánh đúng chất lượng mỗi tấm huy chương và quan trọng hơn là không thể sử dụng nó làm chuẩn để kiểm định chất lượng một nền thể thao khi cả trăm tấm HCV SEA Games chưa chắc đã bằng một tấm HCV Olympic. Chẳng phải tại Olympic Rio 2016 mới diễn ra trên đất Brazil hơn 1 năm trước, đoàn thể thao Malaysia chỉ giành được 4 HCB, 1 HCĐ, đứng thứ 60/87 đoàn đoạt huy chương (xếp sau cả Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Singapore) sao?

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]