(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Xương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử gắn liền với sự phát triển và dựng xây quê hương, đất nước. Nhưng ấn tượng và đặc biệt nhất đối với tôi là “bến phà Ghép anh hùng”, địa danh đã để lại dấu ấn không phai mờ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bến phà Ghép anh hùng

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Xương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử gắn liền với sự phát triển và dựng xây quê hương, đất nước. Nhưng ấn tượng và đặc biệt nhất đối với tôi là “bến phà Ghép anh hùng”, địa danh đã để lại dấu ấn không phai mờ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bến phà Ghép anh hùng

Đoàn xe qua đường tránh rẽ tại khu vực hạ lưu xã Hải Châu (nay là phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn).

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương đóng góp to lớn về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến và khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân thì Thanh Hóa trở thành địa bàn chiến lược trọng yếu. Thanh Hóa nằm trong tọa độ lửa của máy bay địch, là cửa ngõ miền Bắc hậu phương vào Quân khu 4. Trên quốc lộ 1A từ Đò Lèn - Hàm Rồng đến bến phà Ghép vào Nghệ An; bến phà Ghép là huyết mạch giao thông quan trọng Bắc - Nam, là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ suốt ngày đêm rất ác liệt nhằm cắt đứt mạch máu giao thông chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Ngày 03 và 04 - 4 - 1965, cùng với khu vực Hàm Rồng - Đò Lèn thì bến phà Ghép là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Nhân dân Thanh Hóa nói chung và nhân dân xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương nói riêng đã bám chốt, “một tấc không đi, một li không rời”, kiên cường đánh địch trên mọi cung đường để tạo nên khí thế mới trong phong trào bắn rơi máy bay Mỹ. Trong hai ngày, quân dân Hàm Rồng - Thanh Hóa đã bắn rơi 47 chiếc máy bay của lực lượng không quân Mỹ. 47 chiếc máy bay này từng điên cuồng trút bom xuống các khu dân cư gần nút giao thông huyết mạch trên quốc lộ 1A, trong đó các xã Quảng Chính, Quảng Trung (huyện Quảng Xương) bị tàn phá nặng nề nhất.

Đúng 8 giờ sáng ngày 04 tháng 4 năm 1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực bến phà Ghép. Bến phà Ghép - sông Yên phút chốc đã trở thành chiến trường mịt mù khói lửa bom đạn, càng về trưa càng quyết liệt, tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ không ngớt. Cuộc chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ diễn ra trên bầu trời phà Ghép - sông Yên hết sức quyết liệt. Đội dân quân Quảng Trung được trang bị hỏa lực bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh đã hiệp đồng cùng bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường. Từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã đến cán bộ, đảng viên, dân quân, đoàn viên thanh niên các thôn trong xã xông pha trong lửa đạn Mỹ để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ bến phà, bảo đảm giao thông thông suốt. Chi bộ xóm Nhân tất cả 15 đồng chí đảng viên đều có mặt tại trận địa. Em Nguyễn Bá Ngọcdũng cảm băng qua làn bom đạn, hy sinh thân mình che chở cho các em nhỏ. Đồng chí Nguyễn Bá Bôi, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Nhân Nghĩa, được tin con trai Nguyễn Bá Ngọc cứu các em nhỏ ở nhà bên bị thương vẫn nén đau thương trực tiếp chỉ huy chiến đấu; đồng chí Bùi Văn Tinh, con bị bom Mỹ sát hại vẫn chỉ huy bắn máy bay Mỹ; em Nguyễn Văn Thịnh đã xé áo của mình để băng bó vết thương cho bộ đội pháo cao xạ; em Ca dũng cảm tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu, sau được tặng huy hiệu Bác Hồ. Làng mạc ở Quảng Trung bị bom đạn Mỹ tàn phá, nhiều người đã bị thương vong. Trong đó, Liệt sỹ Nguyễn Bá Ngọc là tấm gương sáng “Tuổi nhỏ dũng cảm” cho thiếu niên cả nước noi theo. Hình ảnh cao đẹp của em đã trở thành bài ca được các bạn thiếu niên hát vang trước mỗi kỳ sinh hoạt đội. Trong cuộc chiến đấu ngày 04 tháng 4 năm 1965, giặc Mỹ đã phải đền tội, 5 máy bay Mỹ đã bị bắn tan xác trên bầu trời bến phà Ghép. Chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân các xã Quảng Chính, Quảng Trung (huyện Quảng Xương) cũng như quân dân các xã Hải Châu, Thanh Thủy (huyện Tĩnh Gia, nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa.

Trong những năm tháng chiến đấu kiên cường chống lại sự đánh phá của không quân Mỹ vào khu vực Thanh Hóa, đội cứu thương, cứu sập hầm xã Quảng Trung được thành lập, do đồng chí Nguyễn Thị Sen, đồng chí Lê Thị Khoát, Y sỹ trưởng Trạm y tế phụ trách. Trong những lần máy bay Mỹ ném bom xuống địa bàn xã, đội cứu thương, cứu sập hầm đã kịp thời cứu thương cho hàng trăm người dân. Đội cũng đã cứu thương cho 92 chiến sĩ bộ đội, công nhân quốc phòng, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông tại khu vực bến phà Ghép - xã Quảng Trung. Đặc biệt, đêm 15 tháng 8 năm 1965, Trung đoàn bộ binh hành quân vào Nam chiến đấu đến địa phận Quảng Trung thì bị máy bay Mỹ ném bom làm 9 chiến sĩ hy sinh, 16 chiến sỹ bị thương, đã được đội cứu thương cùng cán bộ và nhân dân Quảng Trung cứu chữa, mai táng liệt sỹ chu đáo như đối với người thân của mình.

Bến phà Ghép anh hùng

Các chiến sĩ đảm bảo giao thông bến phà Ghép đang hướng dẫn cho xe vượt tuyến.

Trong hai năm 1966 - 1967, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay, tàu chiến liên tục bắn phá, ném bom vào bến phà Ghép, địa bàn xã Quảng Trung. Mức độ đánh phá ngày càng ác liệt, có ngày chúng đánh đến 18 - 20 trận. Có tháng cao điểm như tháng 8 năm 1965, tháng 6 năm 1967, tháng 3 năm 1968..., máy bay Mỹ đánh phá liên tục không kể ngày đêm. Từ ngày 04 tháng 4 năm 1965 đến ngày 03 tháng 11 năm 1968, máy bay Mỹ bắn phá 867 trận (có 391 trận đánh ban đêm), trong đó có 321 trận đánh phá trực tiếp vào làng xã Quảng Trung với 11.284 lần chiếc, chúng đã trút xuống 3.296 quả bom các loại, 1.060 quả bom bi, 265 quả thủy lôi, 383 quả tên lửa. Ngoài ra, pháo tầm xa của địch từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn 770 lần vào mảnh đất Quảng Trung đã gây ra đau thương tang tóc, nhà cửa tài sản ruộng vườn bị tàn phá. Làng Ngọc Trà không còn mấy nóc nhà nguyên vẹn. Nhiều người dân Quảng Trung đã thiệt mạng vì bom đạn Mỹ, có gia đình 4 người đều bị bom đạn Mỹ sát hại như gia đình ông Hồng (Mỹ Thạch), gia đình ông Châu (Đại Lộc) có 8 người thì chỉ còn 1 người sống sót; gia đình ông Thới (Ngọc Trà) có 6 người thì bị chết 5 người. Vượt lên đau thương, thử thách, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã không hề nao núng quyết tâm chiến đấu để bảo vệ xóm làng. Hàng trăm dân quân, thanh niên nam, nữ được các hợp tác xã cử vào đội dân quân trực chiến suốt ngày đêm. Trung đội trực chiến thường xuyên có 25 đội viên (10 nam, 15 nữ) được trang bị súng bộ binh đã thường trực chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu góp phần bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay Mỹ. Đặc biệt, trong trận chiến đấu ngày 5 tháng 01 năm 1967, dân quân xã Quảng Chính đã bắn rơi một chiếc A4E, tiếp đó ngày 12 tháng 5 năm 1967 đơn vị dân quân Hợp tác xã Hợp Lực xã Quảng Chính trực chiến tại bến đò Cũ ( bến phà 1) gồm có ông Dân, ông Khê, ông Lộc, ông Trác, ông Mai Ngọc Luyến, bà Đỗ Thị Đạm, bà Lê Thị Hiển ...đã bắn rơi một chiếc AHC bằng súng trường tại cánh đồng Trưng Tranh, thôn Phú Lương, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; tiếp đó, vào 2 giờ sáng ngày 21 tháng 01 năm 1967, dân quân xã Quảng Trung đã lập công xuất sắc bắn rơi 1 máy bay A4C của Mỹ bằng súng trường K44.Trong chiến đấu đã có nhiều tấm gương dũng cảm, ngoan cường. Trung đội trưởng Nguyễn Thị Nở bị bom vùi, khi được cứu ra, vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Đội viên trẻ Lê Thị Hợi anh dũng hy sinh trong chiến đấu ở trận địa Đồng Hàng (Ngọc Trà) ngày 15 tháng 6 năm 1967.

Càng thua đau thì thủ đoạn đánh phà của đế quốc Mỹ càng tàn khốc và liều lĩnh cũng như bất chấp sự phản đối và lên án của nhân dân ưu chuộng hòa bình trên thế giới. Đầu năm 1967, chúng thực hiện đánh phá nhiều nơi trong khu vực dân cư phía nam huyện Quảng Xương và phía bắc huyện Tĩnh Gia rất ác liệt; để che lấp dư luận lên án, địch tập trung đánh vào các mục tiêu quân sự, giao thông, đồng thời đánh ra khu vực dân cư xung quanh khu vực bến phà Ghép gây thiệt hại rất lớn về người và của.

Bến phà Ghép anh hùng

Hướng dẫn xe qua vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ (1972)

Theo lời kể của ông Đỗ Việt Bắc, nguyên Tổ trưởng tổ cầu phao Ngọc Trà ( xã Quảng Trung): Các bến phà trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa gồm có Đò Lèn - Hàm Rồng và đặc biệt là bến phà Ghép. Đây là bến phà - cầu phao đầu tiên có trên miền Bắc Việt Nam, đến cuối năm 1965 bến phà Ghép được chuyển sang Quân đội quản lý. Ông Đại úy Cường Miên trực tiếp về làm D trưởng; Thượng úy Nam Sao; Ông Chỉ, ông Trọng làm bến Phó (khi đó còn gọi là D47 - Tức là Tiểu đoàn 47); ông Đỗ Việt Bắc được cấp trên điều về trực tổng đài 24 cho D và trực tiếp theo dõi hàng ngày số lượng máy bay Mỹ, máy bay các loại, số lượng bom đạn và bao nhiêu quả đã nổ, bao nhiêu quả chưa nổ; vị trí bị bắn phá và số người hy sinh, số người bị thương; ghi rõ cụ thể bộ đội, thanh niên xung phong, dân thường, đồng thời phải báo cáo cụ thể về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh đội, Công an tỉnh và Huyện ủy Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 1966, giặc Mỹ điên cuồng dùng nhiều tốp máy bay bắn phá vào bến phà Ghép; tháng 6 năm 1967, bến phà Ghép - sông Yên dày đặc thủy lôi và bom từ trường, lúc đó, đồng chí Mai Xuân Điểm lái ca nô và đồng chí Vũ Như Quế là thợ máy ca nô, khi chở xe qua bến phà, các đồng chí phải theo phà và ca nô để đẩy phà chạy theo hình chữ Z sao cho máy bay địch khó phát hiện; bình quân một ngày bến phà phải trung chuyển 600 xe vượt qua. Trong thời gian này, Trung tá Phan Tứ - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và đồng chí Vũ Bá - Phó ty Giao thông Thanh Hóa là người luôn trực tiếp chỉ huy bến phà Ghép. Đội cầu phà 3- 4 bến Ghép được quân và dân Quảng Trung cưu mang giúp đỡ, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Trong công tác cứu hộ, Quảng Trung thành lập một tổ thợ lặn 5 người, do ông Nguyễn Văn Mao, người bơi lặn giỏi ở làng Ngọc Trà phụ trách. Tổ cứu hộ có nhiệm vụ cứu người và hàng bị địch bắn chìm xuống sông Yên. Có lần ông Mao đã vớt được 36 hòm đạn, 2 cỗ máy in chữ; có những đêm đông giá lạnh ông lặn xuống sông sâu mò tìm vớt hàng hóa, có trường hợp phải len lỏi vào ca bin chiếc xe bị chìm, tìm vớt thi hài đồng chí Hà Thanh Huyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đi công tác bị trúng bom địch, ông được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - Hoàng Văn Hiều biểu dương khen ngợi. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông Nguyễn Văn Mao đã từng lặn vớt hàng chục tấn hàng dưới sông Yên và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Với dã tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng tuyến Bắc - Nam nên bến phà Ghép là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ. Nhân dân xã Quảng Trung - bến phà Ghép đã góp 1.200 cây gỗ, 7.880 cây tre để bộ đội pháo cao xạ làm hầm và lán trại. Các bà mẹ, các chị trong Hội Phụ nữ thì quyên góp gạo, thực phẩm…cho bộ đội phòng không qua từng trận đánh. 3.200 kg gạo nếp, 1.830 kg cá, thịt, hàng ngàn bao thuốc lá, hàng tấn rau xanh... đã kịp thời động viên khích lệ bộ đội, dân quân trực chiến bám vị trí chiến đấu suốt ngày đêm. Cũng như hàng ngàn trạm phòng không trên đường 1A từ Bắc vào Nam, trạm gác phòng không bến phà Ghép của tổ phòng không Quảng Trung, do anh dân quân Trần Văn Hiềng phụ trách, đã canh trời gác biển cho xe pháo ngày đêm qua sông an toàn, đảm bảo an toàn cho dân yên tâm sản xuất.

Năm 1966, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trên mọi phương diện, được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa, người dân địa phương đã mở tuyến đường chiến lược dài 1,1 km đi qua Ngọc Trà (rẽ từ quốc lộ 1A đi phà Ngọc Trà qua xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia). Với ý chí “xe chưa qua, nhà không tiếc”, nhân dân Ngọc Trà đã tháo dỡ 140 ngôi nhà, dành vườn tược, đất ở để làm đường đi tránh phà Ghép và là nơi giấu hàng, trú quân chờ tối để xe pháo vượt cầu vào Nam trước giờ cao điểm.

Thắng lợi của quân và dân ta ở hai miền Nam - Bắc, nhất là cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968) đã làm thất bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Ngày 20 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn ở miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại thủ đô Pari (Pháp). Đồng thời đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược từ “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”. Từ đây, nhân dân Quảng Trung cùng quân dân miền Bắc lại bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Bến phà Ghép anh hùng

Nữ dân quân Lê Thị Hiển - Đỗ Thị Đạm C94 Anh hùng tại bến Phà Ghép năm 1967

Ngày 26 tháng 12 năm 1971, đế quốc Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Ở Thanh Hóa, chúng ném bom xuống Bệnh viện K71 và thôn Đa Sỹ. Từ đây, nhân dân Quảng Trung lại trực tiếp đối mặt với chiến tranh như thời kỳ 1965-1968: đào hầm, lại sơ tán phòng không “Nhà che nắng che mưa, hầm che xương che máu”. Chiến tranh càng ác liệt, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trung càng dày dặn kinh nghiệm trong chiến đấu, lao động sản xuất. Từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 12 năm 1972, không quân và hải quân Mỹ đã đánh phá bến phà Ghép 393 trận, với 2.200 quả bom phá, 128 quả bom bi, ném xuống sông Yên 180 quả thủy lôi và bom từ trường, hàng ngàn quả đạn đại bác từ tàu biển bắn vào. Cuối năm 1972, hòng cứu vãn tình thế “bên bờ vực thẳm”, đế quốc Mỹ lại điên cuồng ồ ạt đưa không quân, hải quân, cả pháo đài bay B52 trở lại đánh phá miền Bắc. Quân, dân miền Bắc đánh trả lại những đòn đích đáng. Đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, không quân Mỹ bị thất bại đau đớn, hàng chục “thần sấm”, “con ma”, “cánh xụp cánh xoè” và cả “pháo đài bay B52” bị tan xác. Những ngày này, ở bến phà Ghép - sông Yên máy bay địch vẫn đánh phá ác liệt, quân và dân Quảng Trung vẫn kiên cường bám làng, bám ruộng, bám trận địa, vừa sản xuất vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cùng bộ đội pháo cao xạ bắn rơi và bắn cháy nhiều máy bay của giặc Mỹ. Trong các trận chiến đấu, trung đội dân quân trực chiến của Quảng Trung đã lập công xuất sắc, bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Chiến công đó được ghi chép trong “Nhật ký chiến đấu” của trung đội dân quân như sau: “5 giờ 14 phút ngày 27 tháng 12 năm 1972 địch đánh sớm, ba chiếc máy bay F8 từ hướng 32 bổ nhào chính diện trận địa, cả 2 khẩu 12 ly 7 bắn điểm xạ 62 viên, 1 máy bay địch bốc cháy, cả tốp bay theo hướng 14 ra biển”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Quảng Trung đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp cùng đơn vị pháo cao xạ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ tại vùng trời quê hương. Bến phà Ghép có đơn vị cầu phà 3 - 4 anh hùng. Anh hùng liệt sỹ Mai Xuân Điểm, Anh hùng phá thủy lôi Vũ Hùng Út; đơn vị C94 Quảng Xương anh hùng cùng dân quân Quảng Trung bắn rơi 5 máy bay Mỹ, liệt sỹ dân quân Lê Thị Hợi, nữ dân quân trung đội trưởng Nguyễn Thị Nở, Nguyễn Bá Bôi và hàng chục dân quân của xã kiên cường đội mưa bom băng qua lửa đạn để tiếp đạn, cứu hàng, cứu người trên bến phà Ghép. Rồi tổ phòng không ra đời để canh gác cho xe pháo ngày đêm qua sông an toàn. Anh Trần Văn Hiềng 8 năm liên tục gác phòng không bên phà Ghép đã trở thành chiến sĩ thi đua của Bộ Giao thông Vận tải. Tổ thợ lặn trên sông Yên ra đời và cụ Nguyễn Văn Mao đã trở thành Yết Kiêu thời nay, một con người giỏi lặn, tài bơi trục vớt hàng chục tấn đạn dược, hàng hóa, cứu vớt hàng chục thương binh. Đoàn dân công xe đạp thồ tham gia đơn vị “Trường Sơn” vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng vào mặt trận B1 (Bình Trị Thiên). Đơn vị thuyền nan được thành lập gồm 50 người tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí vào tuyến lửa, nhiều cán bộ, đảng viên đã nằm lại trên chiến trường hoặc hy sinh trên dòng sông Yên như: cô Thông, cô Hoàng Thị Lại, cô Lê Thị Án, cô Miên... Các đồng chí lãnh đạo địa phương như: Hoàng Đức Đậu, Đào Thị Năm, Lê Thị Xoan, Hoàng Bá Trang, Lê Văn Sảnh, Trạm trưởng Y tế Lê Thị Khoát, Chính chị viên Xã đội Nguyễn Thị Tao…lặn lộn suốt thời kỳ chiến tranh, không kể đêm ngày nơi nào có bom đạn, có thiệt hại, có đau thương là có mặt để giải quyết hậu quả. Đường chiến lược chạy qua làng Ngọc Trà làm năm 1966 dài 2,5 km đã dỡ đi 126 ngôi nhà làm đường đi tránh phà Ghép và là nơi giấu hàng, trú quân chờ tối để vượt cầu vào Nam. Làng Ngọc Trà trở thành vành đai trắng, bom đạn, pháo kích, thủy lôi dội xuống đất này hàng ngàn tấn. Cả làng không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, không mấy ngày không có tử vong. Đặc biệt, ngôi nghè cổ kính của làng làm từ thời Lê được phong tặng “Trị Vận Hưng Long thượng đẳng thần Đại vương” và đàn cá Mú hoa to lớn có từ lâu đời bị trận bom hủy diệt vào ngày 20 tháng 10 năm 1967, xóa đi một công trình văn hóa của địa phương với những con cá Mú hoa to lớn sống lâu năm. Mặc dù vậy, người dân Quảng Trung vẫn kiên cường bám trụ, sẵn sàng dỡ nhà làm hầm mái, chặt tre, đẵn gỗ chống lầy cho xe pháo qua sông, vào trận địa.

Bến phà Ghép anh hùng

Đầu cầu Ghép phía Quảng Xương.

Với thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ và nhân dân xã Quảng Trung được Nhà nước tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Ba (ngày 16 tháng 7 năm 1965), 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất (ngày 26 tháng 9 năm 1967); 4 năm (1965, 1966, 1967 và 1972) được tặng cờ Đơn vị Quyết thắng của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và 7 Bằng khen, 16 Giấy khen của các cơ quan đơn vị. Có 232 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, trong đó 133 Huân chương hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 99 Huy chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác. Với những đóng góp lớn lao đó, ngày 26 tháng 01 năm 1996, cán bộ và nhân dân Quảng Trung vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệuAnh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân bến phà Ghép - xã Quảng Trung đã có nhiều tấm gương anh dũng hy sinh cho dân tộc như: Liệt sỹ Nguyễn Bá Ngọc đã anh dũng hy sinh khi cứu các em nhỏ vào rạng sáng ngày 05 tháng 4 năm 1965 khi tuổi đời chưa đầy 14 tuổi; ngày 10 tháng 12 năm 2015,được Đảng, Nhà nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển, xã Quảng Trung anh hùng đã có nhiều người là cán bộ lãnh đạo cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang như: đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XIV; đồng chí Lê Huy Luyện - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại biểu Quốc hội khóa XI; Đại tá Vũ Xuân Hùng, nguyên Thường vụ Tỉnh Ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội khóa XIV, năm 2019 được điều chuyển vào Quân khu 4 làm Phó tham mưu trưởng Quân khu; Đại tá Phan Văn Trường, Chính ủy Sư đoàn 307, Quân khu 5; Phó Giáo sư. Tiến sỹ Toán học Nguyễn Văn Lộc, nguyên Trưởng khoa Tiểu học Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, …

Bến phà Ghép anh hùng

Cầu Ghép ngày nay.

Bến phà Ghép năm xưa bị không quân Mỹ ngày đêm bắn phá chỉ còn là ký ức của một thời oanh liệt đã qua, ngày nay bến phà đã thành cây cầu mới có bốn làn xe chạy trên tuyến đường hai chiều Bắc - Nam. Đấy chính sự kết tinh văn hóa truyền thống và sự kế thừa, phát triển của quân - dân Quảng Trung nói riêng, con người đất Quảng Xương nói chung, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc. Hình ảnh “bến phà Ghép” luôn được khắc ghi trong lòng của mỗi người con đất Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa anh hùng.

Vũ Quốc Oai


Vũ Quốc Oai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]