(vhds.baothanhhoa.vn) - Giờ đây trên vùng đồi Quan Sơn, không chỉ có màu xanh của cây luồng, cây vầu, ngô, sắn mà còn có cây gai xanh đang vươn mình thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp huyện Quan Sơn.

Cây gai xanh trên vùng đồi Quan Sơn

Giờ đây trên vùng đồi Quan Sơn, không chỉ có màu xanh của cây luồng, cây vầu, ngô, sắn mà còn có cây gai xanh đang vươn mình thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp huyện Quan Sơn.

Cây gai xanh trên vùng đồi Quan Sơn

Gia đình ông Hà Văn Thế, bản Muỗng thu hoạch cây gai xanh vụ thứ 4 năm 2022.

Về bản đầu tiên trồng cây gai xanh

Xuôi mái chèo trên con sông Lò, những cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và xã Trung Xuân đưa chúng tôi vào thăm vùng trồng cây gai xanh của bản Muỗng. Đây là bản đầu tiên của xã Trung Xuân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây gai xanh lên vùng đồi Quan Sơn.

Giữa bốn bề màu xanh của cây vầu, cây luồng, cây xoan là vùng trồng cây gai xanh của bà con bản Muỗng đã đến kỳ thu hoạch vụ thứ 4 trong năm. Theo bà con bản Muỗng, khu vực trồng cây gai xanh trước đây là diện tích trồng cây xoan. Nhận thấy cây gai xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên bà con đã mạnh dạn chuyển đổi, chặt bỏ một phần diện tích trồng xoan để chuyển sang trồng cây gai xanh.

Tay vừa thoăn thoắt thu hoạch gai xanh, ông Hà Văn Thế, bản Muỗng vừa trò chuyện với những vị khách đến thăm. “Gia đình tôi trồng cây gai xanh được 2 năm rồi.Trước đây khu này nhà tôi trồng xoan nhưng cây phát triển chậm. Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền về trồng cây gai xanh, rồi tôi tìm hiểu thấy trồng cây gai xanh có nhiều ưu thế. Đó là chỉ xuống giống một lần, sau 7 - 10 năm mới phải trồng lại. Thời gian phát triển, sinh trưởng nhanh, một năm thu hoạch 4 - 5 lần. Gia đình có 8.000m2, trung bình thu hoạch 4 - 4,5 tạ/vụ, giá bán 47.000 đồng/kg nguyên liệu khô. Với giá cả như hiện nay, tôi nhận thấy cây gai xanh cho hiệu quả gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Chỉ mong nhà máy thu mua ổn định để bà con yên tâm đầu ra, gắn bó với cây gai xanh”.

Theo bà con nơi đây, cây gai phát triển tốt nhất từ tháng 4 đến tháng 10, thời tiết đẹp, ít mưa. Ban đầu mới trồng cây gai vất vả khâu thu hoạch, tuốt vỏ, phơi khô nhưng sau một thời gian làm quen sẽ dễ dàng hơn nhiều. Quan trọng hơn là giá cả hợp lý, thu nhập cao hơn so trồng lúa, trồng xoan.

Hôm nay thời tiết đẹp nên vợ chồng anh Hà Văn Hiếm thu hoạch cây gai. “Thu hoạch đơn giản lắm, chỉ cần tuốt vỏ mang phơi trong 1 ngày là khô. Cây gai xanh vừa đem lại kinh tế, các phụ phẩm từ cây gai như lá còn làm thức ăn cho trâu, bò, cá. Gia đình tôi trồng 1ha cây gai xanh, bình quân cho thu hoạch 7 tạ/ha và nhập cho Nhà máy sợi dệt An Phước ở Cẩm Thủy. Chúng tôi chỉ mong được ổn định thế này là vui rồi”.

Anh Hà Văn Khánh, Phó trưởng bản Muỗng cho biết: Bản Muỗng có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, với 39 hộ, gần 200 nhân khẩu. Đời sống bà con phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng luồng, vầu, trồng xoan và một số cây màu, diện tích lúa nước không nhiều. Từ khi trồng cây gai xanh, bà con nhận thấy hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác. Còn nhớ ngày 8-6-2021 là ngày đầu tiên 10 hộ dân bản Muỗng tiên phong trồng cây gai xanh và được cán bộ xã, các đoàn thể trong thôn như đoàn thanh niên, hội phụ nữ đến chung tay giúp sức xuống giống. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, tổ hợp tác cây gai xanh bản Muỗng mua giống, phân bón, đầu tư 3 máy tuốt vỏ… với số tiền 100 triệu đồng. Được cán bộ hướng dẫn trồng, chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, toàn bản đã mở rộng trên 7ha.

Ông Đinh Công Báo, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết: Trung Xuân có diện tích rừng tự nhiên trên 4.919ha, diện tích đất nông nghiệp 3.216ha, trong đó đất lúa là 55ha. Là một trong những xã đầu tiên của huyện Quan Sơn trồng cây gai xanh, qua thực tế cho thấy, cây gai xanh là cây dễ trồng, có thể sinh trưởng và phát triển tốt và mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác, đồng thời đầu ra của sản phẩm ổn định. Xã xác định đây là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Xã có 7 bản, hiện nay diện tích cây xanh toàn xã hơn 24ha, được trồng tại các bản: Muỗng, La, Phú Nam. Chúng tôi đang định hướng mở rộng diện tích khoảng 10ha ở các bản: Phụn, Cạn...

Đưa cây gai xanh thay thế một số cây trồng kém hiệu quả

Nhằm khuyến khích phát triển mở rộng diện tích cây gai xanh nguyên liệu, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND ngày 24-4-2021 và Nghị quyết số 116/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021) về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023. Theo đó, doanh nghiệp, HTX, cá nhân trồng cây gai xanh thuộc phạm vi vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khi chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai; hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để mua giống gai xanh nguyên liệu khi trồng mới, hỗ trợ kinh phí mua máy tước vỏ gai với mức 5 triệu đồng/máy cho tổ chức hoặc hộ gia đình có từ 1ha gai nguyên liệu trở lên. Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Quan Sơn đã thực hiện chi trả theo quy định cho các cá nhân trồng cây gai xanh năm 2021.

Cây gai xanh trên vùng đồi Quan Sơn

Cây gai xanh sau khi thu hoạch, được tuốt vỏ và phơi khô.

Để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Quan Sơn đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, đưa cây gai thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Huyện Quan Sơn đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND, ngày 26-4-2021 của HĐND tỉnh về ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023. Đồng thời, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và người dân về phát triển cây gai xanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: Sau thời gian triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh, đến nay toàn huyện đã mở rộng trên 34ha. Năm 2022, kế hoạch được giao trồng 10ha cây gai xanh, nhưng toàn huyện đã trồng được 24,2ha. Cây gai xanh được trồng nhiều nhất tại các xã Trung Xuân,Trung Tiến, Mường Mìn, Sơn Điện. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Đến nay, huyện tích tụ đất đai đạt 200/220ha và đang tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tỉnh giao về tích tụ, tập trung đất đai trong năm 2022 để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]