(vhds.baothanhhoa.vn) - Sản phẩm OCOP hội tụ được nhiều tiêu chuẩn kinh doanh của hệ thống siêu thị, nhất là những siêu thị lớn như: BigC, Co.opmart... Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP Thanh Hóa có mặt tại các siêu thị thì vẫn cần một hành trình dài.

Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Sản phẩm OCOP hội tụ được nhiều tiêu chuẩn kinh doanh của hệ thống siêu thị, nhất là những siêu thị lớn như: BigC, Co.opmart... Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP Thanh Hóa có mặt tại các siêu thị thì vẫn cần một hành trình dài.

Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Sản phẩm trà Hoàng Thảo Mộc và trà Cà gai leo túi lọc của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc được trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại Siêu thị BigC Thanh Hóa.

Thanh Hóa hiện có 196 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm đạt 5 sao, 44 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là sản phẩm đạt 3 sao). Để đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm thương mại, thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng bá và kết nối sản phẩm được các đơn vị liên quan và chủ thể OCOP đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, đã có 30 sản phẩm OCOP có mặt tại các siêu thị lớn như BigC, Co.opmart.

Trà Hoàng Thảo Mộc và trà Cà gai leo túi lọc của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc (TP Thanh Hóa) được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2020. Cả 2 sản phẩm này đang được bày bán tại Siêu thị BigC Thanh Hóa và Co.opmart Thanh Hóa. Anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc, cho biết: “Để được chấp thuận mở gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại siêu thị, sản phẩm của chúng tôi phải chứng minh được đầy đủ các tiêu chuẩn, chất lượng, có mẫu mã, bao bì, nhãn mác đáp ứng được yêu cầu. Do sản phẩm đã đạt OCOP nên phù hợp với những tiêu chuẩn của siêu thị quy định, vì thế khâu hoàn thiện hồ sơ không gặp vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, từ khi duyệt hồ sơ đến khi chính thức có gian hàng kinh doanh tại siêu thị, phải mất vài tháng chờ đợi”.

Cũng theo anh Hoàng Văn Nam, trung bình mỗi siêu thị bán từ 10 - 15 hộp sản phẩm/ngày, doanh thu khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại 2 siêu thị, sản phẩm của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây là cơ sở, nền tảng để sản phẩm tiếp cận với nhiều siêu thị hiện đại khác ở trong, ngoài tỉnh.

2 sản phẩm “Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt” (OCOP 4 sao) và “Mắm tôm Lê Gia” (OCOP 5 sao) của Công ty TNHH thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa) đã được trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại 2 siêu thị lớn ở TP Thanh Hóa: BigC và Co.opmart từ năm 2020. Giám đốc công ty Lê Anh cho biết: “Mặc dù đã được công nhận là sản phẩm OCOP và công ty với danh nghĩa là nhà cung cấp sản phẩm cho siêu thị song cũng phải mất 3 tháng chờ đợi, 8 sản phẩm thuộc dòng “Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt” và “Mắm tôm Lê Gia” chính thức được trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại 2 siêu thị. Hơn 2 năm có mặt tại 2 siêu thị lớn này, sản phẩm của công ty được khách hàng tin dùng, góp phần đưa doanh số bán lẻ tăng trưởng 50%/năm”.

Ngoài những sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc và Công ty TNHH thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia còn nhiều chủ thể khác có sản phẩm OCOP đã tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa hiện có 2 trung tâm thương mại, 24 siêu thị và hơn 100 cửa hàng tiện ích đang hoạt động hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu và bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do có những rào cản nhất định, sản phẩm OCOP “chen chân” được vào loại hình kinh doanh hiện đại này còn rất khiêm tốn. Về thực trạng này, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, cho rằng: “Do sản phẩm OCOP trên địa bàn đa số mang tính đặc sản, đặc hữu, mùa vụ, nên sản lượng không nhiều và không thể duy trì liên tục cả 4 mùa. Do đó không phải sản phẩm OCOP nào cũng vào được siêu thị và khi đã vào được siêu thị, không phải sản phẩm nào cũng tốt. Vì vậy, đưa vào siêu thị không phải trọng tâm của tất cả các sản phẩm OCOP mà chỉ đưa những sản phẩm có khả năng đáp ứng được những điều kiện như: sản phẩm có sản lượng lớn, đồng đều, duy trì được 4 mùa. Vì những lý do đó nên trong số gần 200 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đến nay mới chỉ có 30 sản phẩm “chen chân” được vào siêu thị khó tính như BigC, Co.opmart; khoảng 70 - 80 sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiện lợi, nhỏ ở khu dân cư; còn lại chủ thể tự bán. Ngoài ra, để có được gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại siêu thị, chủ thể OCOP phải chịu mức chiết khấu cao, trong khi đó không phải sản phẩm nào vào siêu thị cũng được khách hàng đón nhận”.

Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị không nằm ngoài mục tiêu giúp các chủ thể quảng bá, bán sản phẩm được tốt hơn, vừa giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Vì vậy, theo quan điểm của ông Bùi Công Anh, thời gian tới, ngoài tiếp tục định hướng, lựa chọn những sản phẩm OCOP đảm bảo được các điều kiện gia tăng sản lượng sẽ xúc tiến cho vào siêu thị, như: gạo, miến, nước mắm, tôm, rượu... Một số sản phẩm mang tính mùa vụ không nhất thiết phải vào siêu thị vì bản thân các chủ thể không cần các hệ thống đã tự bán hết. Về chiết khấu cao, ông Anh cho rằng bản thân các chủ thể phải tự ngồi đàm phán với nhà phân phối để thống nhất phù hợp với quy luật thị trường.

Hy vọng rằng, với hướng khắc phục trên, đường vào siêu thị của những sản phẩm OCOP, nhất là những sản phẩm có sản lượng lớn, ổn định, duy trì 4 mùa sẽ thuận lợi hơn.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]