(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dù mới 35 tuổi nhưng chị Lê Thị Khánh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng Thanh Hóa đã là tác giả của 2 giống lúa mới năng suất, chất lượng cao là Thuần Việt 1 và Thuần Việt 2 (Bắc Thịnh).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học theo Bác, nữ kỹ sư nông nghiệp tạo ra nhiều giống lúa mới

(VH&ĐS) Dù mới 35 tuổi nhưng chị Lê Thị Khánh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng Thanh Hóa đã là tác giả của 2 giống lúa mới năng suất, chất lượng cao là Thuần Việt 1 và Thuần Việt 2 (Bắc Thịnh).

Ước mơ gắn liền với cây lúa

Sinh ra ở vùng quê Thiệu Thành, Thiệu Hóa, lớn lên dựa vào cây lúa, mảnh vườn nên hơn ai hết chị hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc của bà con nông dân. Và đó cũng là lý do chị Lê Thị Khánh quyết theo học ngành nông lâm ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức.

Đến khi là sinh viên năm cuối, trong những chuyến đi thực tế dài ngày cùng ăn cùng ở với bà con, chị Khánh nhận ra một thực tế là phần lớn người nông dân do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm, ít ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất thấp. Mặt khác, nhiều giống lúa gieo trồng có chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hạn chế, dễ mất mùa. Cuộc sống người nông dân từ đó mà còn nhiều vất vả, khó nhọc.

Từ những trăn trở đó, sau khi tốt nghiệp chị xin vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng Thanh Hóa để có thể nghiên cứu ra những giống lúa mới giúp bà con. Cũng từ đó, chị gắn chặt đời mình với cây lúa.

Với khát khao lai tạo giống lúa ưu việt mới, ngay từ khi vào làm ở trung tâm chị đã có giải pháp sáng kiến “Ứng dụng phương pháp lai hữu tính, chọn tạo giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao ở Thanh Hóa”. Sáng kiến này nhằm mục đích chọn, tạo được một đến hai giống lúa thuần mới có năng suất vượt giống lúa đối chứng Bắc Thơm 7 từ 5 - 10%, mà chất lượng lại tương đương. Tuy nhiên, để tạo ra giống lúa vừa có năng suất cao, chất lượng tốt lại vừa chống chịu sâu bệnh và thích ứng với nhiều vùng, nhiều vụ thì là “bài toán” vô cùng nan giải và cũng cần một thời gian dài.

Chị Lê Thị Khánh say mê làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng Thanh Hóa.

“Thai nghén” 10 năm giống Bắc Thịnh

Để thực hiện được ước mơ của mình, lại vừa tròn vai của một người vợ, người mẹ, chị Khánh đã phải nỗ lực hết mình, hy sinh những niềm vui của bản thân. “Thời điểm khó khăn nhất của tôi là khi sinh cháu đầu. Cả một quá trình nghiên cứu, lai tạo phải dừng lại, kết quả của hàng năm trời lặn lội ngoài đồng ruộng cũng phải tạm gác. Tôi tiếc lắm, nhiều lúc muốn chạy ra ngoài đồng để tiếp tục công việc mà không thể. Rồi khi đi làm trở lại, mọi thứ lại phải làm lại từ đầu” - Chị Khánh chia sẻ.

Và khi chia sẻ số lần thất bại trong quá trình nghiên cứu thì chị lắc đầu không nhớ nổi, con số đó có lẽ lên đến hàng trăm. Bởi sau mỗi lần lai tạo thành công trong phòng thí nghiệm, đưa ra khảo nghiệm thực tế gặp phải thiên tai thì coi như thành quả cũng mất hết, hay bất kỳ một trục trặc nhỏ nào trong quá trình lai tạo cũng sẽ khiến kết quả trở về con số không. Thời gian làm việc của chị không tính theo hệ “công chức” mà nó kéo dài đến tận đêm, hay bắt đầu khi trời mới tờ mờ sáng. Chị đã dành rất nhiều công sức, trí tuệ nhằm cải tiến những nhược điểm của từng vật liệu, chọn lọc, đánh giá cặp lai nhiều lần.

Cuối cùng, sau 10 năm trời ròng rã, chị Khánh đã lai tạo thành công giống lúa Thuần Việt 1 và Bắc Thịnh. Trong đó, giống Bắc Thịnh được đánh giá cao hơn. So với giống Bắc Thơm 7, giống Bắc Thịnh có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết tốt, nấu cơm có mùi thơm ngậy, hạt dẻo ngon hơn. Hiện nay, giống Bắc Thịnh đã được Bộ NN&PTNT công nhận trong năm 2016, được đưa vào cơ cấu giống cây trồng Thanh Hóa và đang được nhiều tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đưa vào gieo trồng, mở rộng diện tích. Được biết, trong vụ mùa năm nay Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng Thanh Hóa đã phối hợp với các HTX của huyện Thọ Xuân đưa và gieo trồng 400 ha giống lúa Bắc Thịnh.

Không dừng lại ở đó, chị Khánh và các đồng nghiệp đang tiếp tục lai tạo ra những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay. Trò chuyện với chị chúng tôi cảm nhận rõ khát khao vươn lên để làm chủ khoa học công nghệ, chân trời trí thức mới là hoài bão không bao giờ tắt ở nhà nữ khoa học này.

Với những thành tích xuất sắc đó chị Lê Thị Khánh đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng. Mới đây chị cùng với 8 gương thanh niên tiêu biểu tỉnh Thanh được vinh danh trong Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ IV năm 2016 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]