(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây 81 năm, khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra (23-11-1940) tại hầu hết các tỉnh phía Nam với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi nghĩa Nam Kỳ: Tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc

Cách đây 81 năm, khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra (23-11-1940) tại hầu hết các tỉnh phía Nam với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân.

Khởi nghĩa Nam Kỳ: Tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc

Khởi nghĩa Nam Kỳ (Ảnh tư liệu)

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đứng trước chính sách của chính quyền phản động thuộc địa khủng bố và bóc lột cùng kiệt Nhân dân, Xứ ủy Nam Kỳ đã soạn thảo đề cương khởi nghĩa vũ trang, dưới cái tên “Đề cương Khởi nghĩa Nam Kỳ”.

Tuy nhiên, phải qua nhiều cuộc tranh luận, nhiều cuộc hội nghị lớn của Xứ ủy, đặc biệt là đến cuộc “Khoáng đại hội nghị toàn xứ” từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940, chủ trương khởi nghĩa vũ trang mới được quyết định dứt khoát.

Sau Hội nghị Xứ ủy tháng 9-1940, Phan Đăng Lưu ra miền Trung và miền Bắc liên hệ với hai Đảng bộ Trung Kỳ, Bắc Kỳ bàn việc phối hợp hành động và họp hội nghị để bầu lại Trung ương mới.

Giữa lúc đó, phát xít Nhật ép Pháp phải đóng cửa biên giới Việt - Trung, ngưng mọi tiếp tế cho Trung Hoa Quốc dân Đảng; đòi Pháp phải để cho quân đội Nhật vào Đông Dương, sử dụng các sân bay để tiến công miền Nam Trung Quốc và đặt nền kinh tế Đông Dương phụ thuộc vào nền kinh tế Nhật. Ngày 23-9- 1940, để thị uy, quân Nhật vượt qua biên giới Bắc Kỳ, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn. Đồng thời tháng 10-1940, phát xít Nhật xúi giục và giúp bọn quân phiệt Xiêm (Thái Lan) tiến công vào các vùng biên giới Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào).

Để ứng phó, cầm quyền Pháp ở Đông Dương một mặt phải chấp nhận tất cả các yêu sách của Nhật, mặt khác huy động lực lượng quân sự, phần lớn là những đơn vị binh lính Việt Nam ra biên giới chống lại quân Xiêm. Việc binh lính Việt Nam sắp bị đẩy ra làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp ở biên giới Cao Miên - Xiêm đã thêm một yếu tố thổi bùng ý chí khởi nghĩa ở Nam Kỳ.

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra mạnh mẽ ở nhiều vùng, từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn - Bà Điểm (Gia Định), Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Vũng Liêm, Cái Ngang, Tam Bình (Vĩnh Long). Ở một số nơi, nông dân lập chính quyền cách mạng.

Chính quyền cách mạng trong vùng khởi nghĩa ở Mỹ Tho tồn tại hơn 40 ngày, đã tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân nghèo, lập tòa án nhân dân trừng trị những tên phản cách mạng. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo nông dân tham gia với một tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng, nhưng do chưa có thời cơ cách mạng trong cả nước, một khu vực Nam Kỳ khó thành công trước bộ máy thống trị của kẻ thù; hơn nữa phong trào ở các thành thị không đủ mạnh, kế hoạch lại bị lộ trước ngày khởi nghĩa, địch kịp thời đối phó, nên cuối cùng cuộc khởi nghĩa lớn nhất, mạnh nhất đến lúc đó do Đảng Cộng sản lãnh đạo chống chính quyền thực dân bị thất bại.

Pháp thi hành chính sách khủng bố trắng, đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa, tàn sát nhân dân ở những vùng nổi dậy mạnh mẽ như Long Hưng (Châu Thành), Năm Thôn (Cai Lậy), Bàn Long (Châu Thành)..., cho máy bay ném bom Chợ Giữa (Vĩnh Kim) tỉnh Mỹ Tho làm chết hàng trăm người. Hàng chục ngàn người bị bắt. Báo cáo chính trị của viên Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương tháng 12-1940 cho biết, trong thời gian từ ngày 22-11-1940 đến ngày 31-12-1940, ở các khu liên tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Pháp đã bắt 5.848 người. Chúng đã đày hàng ngàn người ra Côn Đảo và đi các trại tập trung: Tà Lài, Bà Rá. Hàng chục ngàn người bị bắt bớ, giam cầm trong những điều kiện tàn khốc, nhiều tù nhân bị hành hạ, tra tấn. Hàng ngàn người bị tàn sát, thủ tiêu không qua xét xử. Các vị lãnh đạo cách mạng như : Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần tại Hóc Môn (Gia Định), Phan Ngọc Hiển và nhiều đồng chí ở Cà Mau (lúc đó thuộc tỉnh Bạc Liêu) đều bị chúng xử bắn.

Tuy thất bại, nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940, “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”. Gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản đã cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao lòng cảm phục và niềm tin vào Đảng. Sau khởi nghĩa, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Vì những lẽ đó, ngày 14-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng “Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940”. Đó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, quân và dân Nam Bộ đã phát huy truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975); góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

Sau ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối (30-4-1975) dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung đã phát truyền thống cách mạng, tinh thần kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng năm xưa, vượt qua mọi khó khăn thử thách, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa..

Đã 81 năm trôi qua kể từ ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, nhưng những bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo, anh dũng của các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau.

Vũ Quý Tùng Anh - Nguyễn Thị Thu Hà


Vũ Quý Tùng Anh - Nguyễn Thị Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]