(vhds.baothanhhoa.vn) - Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vấn đề có tính nguyên tắc, là đường lối chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo. Ngay từ trong Cương lĩnh chính trị tiên của Đảng được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện một nước thuộc địa, Đảng đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Điều này có nghĩa, ngay từ khi mới vừa ra đời, Đảng ta đã xác định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những yếu tố tạo nên thành công của Đảng trong qúa trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vấn đề có tính nguyên tắc, là đường lối chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo. Ngay từ trong Cương lĩnh chính trị tiên của Đảng được thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện một nước thuộc địa, Đảng đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Điều này có nghĩa, ngay từ khi mới vừa ra đời, Đảng ta đã xác định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những yếu tố tạo nên thành công của Đảng trong qúa trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Trên cơ sở đường lối chiến lược đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi hay khó khăn, trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong hòa bình, Ðảng ta vẫn không rời xa mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976), khi tổng kết lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm của cách mạng nước ta, Đảng đã khẳng định: “Đảng ta từ khi ra đời đến nay, vẫn luôn giương cao ngon cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng nước ta”[1]. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, trong các Đại hội của Đảng, khi rút ra các bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam nói chung, của công cuộc đổi mới nói riêng, Đảng đều nhất quán quan điểm khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam, là một trong những yếu tố tạo nên thành công của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (1-2021), trong các quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới Đảng đã xác định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắcTổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa [2]. Đây là vấn đề được Đảng xác định là có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã chứng minh, gắn mục tiêu giải phóng dân tộc với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là thành quả lý luận cơ bản đã mở ra một trang sử mới cho cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã linh hoạt, sáng tạo trong việc gắn kết hai nhiệm vụ này cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể và chính nhờ Đảng đã giải quyết tốt được sự gắn kết đó nên đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, Đảng xác định, độc lập dân tộc giữ vị trí hàng đầu, là nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu, trước mắt, cho nên từng bước thực hiện các nhiệm vụ dân chủ, nhưng phục vụ cho giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là hậu phương cho độc lập dân tộc. Cụ thể như, trong thời kỳ cách mạng 1930-1954, độc lập dân tộc từng bước được khẳng định là mục tiêu hàng đầu, còn chủ nghĩa xã hội là triển vọng, phương hướng tiến lên. Mục tiêu độc lập dân tộc được đặt ra và giải quyết trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, thông qua đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thức tỉnh, lôi cuốn cả dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa xã hội tuy chưa có điều kiện để đặt ra một cách trực tiếp, nhưng luôn luôn là phương hướng để cách mạng Việt Nam tiến tới. Cùng với việc chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ, giải quyết vấn đề độc lập dân tộc bằng chiến tranh cách mạng, Đảng ta từng bước đã tạo ra những tiền đề đầu tiên cho chế độ mới. Điều đó khẳng định tính liên tục trong các giai đoạn cách mạng và tính chất triệt để của sự nghiệp giải phóng dân tộc ở giai đoạn tiếp theo.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của hai miền đất nước và xu thế của thời đại, kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ 1954-1975 được thể hiện ở việc Đảng xác định nhiệm vụ cách mạng của mỗi miền đất nước và lãnh đạo cả nước tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, đây cũng là đặc điểm hết sức độc đáo của cách mạng Việt Nam. Chính nhờ đường lối đó, Đảng ta đã giải quyết được hàng loạt các mối quan hệ trong chiến tranh cách mạng như mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương; giữa kháng chiến và kiến quốc; giữa dân tộc và thời đại....tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của cách mạng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi đất nước độc lập, thống nhất, Đảng lãnh đạo cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Trong thời kỳ trước đổi mới, những giá trị của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đó là: Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam và phía Bắc; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị; xây dựng hàng trăm công trình công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa lớn và hàng ngàn công trình vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do chủ quan, duy ý chí, nóng vội trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ năm 1979, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Thực trạng đó, đòi hỏi Đảng phải nâng cao trình độ trí tuệ, hoạch định đường lối đúng đắn để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước phát triển. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước với những nhận thức đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Trong quá trình lãnh đạo Nhân dân thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, cùng với nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường cách mạng Việt Nam, về công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thì vấn đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã có một bước phát triển mới trong nhận thức và trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng.

Trong công cuộc đổi mới, mục tiêu độc lập dân tộc được đặt ra là củng cố vững chắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nghĩa là bảo vệ, củng cố các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam; làm thất bại các âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” và bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Độc lập dân tộc cũng có nghĩa là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, giữ vững con đường phát triển và mục tiêu, lý tưởng đã đề ra. Độc lập dân tộc là thực hiện đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ; đồng thời, mở rộng đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với các quốc gia trên thế giới, với tinh thần:Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Nội dung chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng từng bước được làm sáng tỏ. Từ nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội theo cơ chế kế hoạch hoá, tập trung và bao cấp trước đây đã thông qua thực tiễn của công cuộc đổi mới mà khẳng định mô hình 6 đặc trưng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộivà mô hình 8 đặc trưng trongCương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011): Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đồng thời, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng từng bước làm sáng tỏ hơn về các chặng đường, bước đi của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về khả năng và nội dung bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tức là bỏ qua việc xác lập kiến trúc thượng tầng và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng có thể kế thừa nhiều thành tựu mà loài người đã đạt được dưới chủ nghĩa tư bản, nhất là về khoa học, công nghệ.

Trên cơ sở xác định rõ nội dung, chỉ ra cụ thể mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua được những khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, pháttriển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đã hiện thực hóa từng bước giá trị của chủ nghĩa xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, củng cố nền độc lập dân tộc.

Tóm lại, thực tiễn cách mạng Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng đã chứng minh: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những nguyên nhân của mọi thắng lợi vẻ vang trong lịch sử và mãi là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thế kỷ XXI của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Bởi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu khách quan, là nhu cầu của dân tộc Việt Nam, xu thế phát triển của xã hội loài người. Trải qua những biến động lịch sử, chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên những giá trị đích thực của một học thuyết khoa học và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục khẳng định giá trị bền vững, là xu thế phát triển của nhân loại. Chính vì vậy, dù thế giới có nhiều đổi thay, nhưng toàn Đảng toàn dân Việt Nam vẫn phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, không chỉ tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhân nguồn sức mạnh tinh thần, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động của Nhân dân ta, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về những thành tựu trong công cuộc đổi mới đã và đang trở thành hiện thực sinh động ở Việt Nam.

Ths. Lê Ái Bình, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị Đại hội IV, Nxb Sự thật, H.1977, tr40.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr.109


Ths. Lê Ái Bình, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]