(vhds.baothanhhoa.vn) - Buổi gặp mặt cuối năm 2020 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Chi nhánh Ngân hàng Agribank Thanh Hóa với giới báo chí tỉnh Thanh để báo cáo về sự kết hợp có hiệu quả trong công tác tuyên truyền cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà diễn ra trong không khí vui vẻ đầm ấm. Tình cờ tôi, anh Triều Nguyệt, Lê Công Dậu, Huy Trụ, Quang Thắng, Phạm Ngọc, Huy Tưởng... lại được ngồi cùng nhau trong buổi gặp gỡ tất niên này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Luyến tiếc và tự hào

Buổi gặp mặt cuối năm 2020 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Chi nhánh Ngân hàng Agribank Thanh Hóa với giới báo chí tỉnh Thanh để báo cáo về sự kết hợp có hiệu quả trong công tác tuyên truyền cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà diễn ra trong không khí vui vẻ đầm ấm. Tình cờ tôi, anh Triều Nguyệt, Lê Công Dậu, Huy Trụ, Quang Thắng, Phạm Ngọc, Huy Tưởng... lại được ngồi cùng nhau trong buổi gặp gỡ tất niên này.

Luyến tiếc và tự hào

Tổng Biên tập Mai Ngọc Toản nhận lẵng hoa chúc mừng báo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Minh Đoan nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2002. (Ảnh: T.L)

Chả là, anh em tôi - những nhà báo đều công tác và trưởng thành từ báo Văn hóa và Đời sống mà tiền thân là Báo Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa. Bây giờ mỗi người mỗi ngả và đều được Tổng Biên tập Lê Văn Nam đặt viết cho một bài nói lên cảm xúc của mình để đăng vào số báo cuối cùng số báo tri ân cho 31 năm qua của tờ Báo Văn hóa và Đời sống trước khi hòa nhập vào Báo Thanh Hóa theo quy hoạch báo chí của Chính phủ và của tỉnh. Chúng tôi, là những người cùng nhau góp sức xây dựng tờ báo phát triển, ghi dấu ấn không nhỏ trong sự nghiệp tuyên truyền cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, của tỉnh nhà. 31 năm trôi qua kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên cho đến nay, mỗi người lại trăn trở cho số báo cuối cùng để khép lại một thời vẻ vang của tờ báo. Thật là luyến tiếc nhưng cũng rất đáng tự hào.

Cách đây 31 năm, khi công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu. Ngày 15/5/1989 đã ghi một mốc son mới trên lĩnh vực truyền thông của tỉnh nhà đó là Báo Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép hoạt động số 341/BTT và tiếp đó là ngày 20/6/1989, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thành lập bộ máy của Báo Văn hóa - Thông tin.

Thanh Hóa là tỉnh đất rộng người đông, vì thế có thêm một tờ báo hoạt động cùng với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình đã tạo nên sự lan tỏa nguồn thông tin của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương về đường lối, chủ trương, chính sách và phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, gương người tốt việc tốt trong mọi lĩnh vực hoạt động của tỉnh nhà. Đặc biệt là nêu gương tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, cửa quyền, lợi ích cá nhân trong cán bộ đảng viên, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng về những việc cần làm ngay do đồng chí NVL kêu gọi. Thanh Hóa lại là tỉnh có nhiều dân tộc, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, thế nên việc tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của quê hương xứ Thanh và của các dân tộc trong tỉnh cũng như của cả nước cũng là mục tiêu quan trọng nhất của tờ báo. Ngay từ khi báo mới ra được mấy số đầu, đã có một số bài viết gây tiếng vang và lan tỏa rộng rãi trong dư luận.

Báo Văn hóa - Thông tin ngày một trưởng thành và phát triển lan tỏa rộng rãi tới bạn đọc trong mọi địa phương, mọi cơ sở, mọi ngành, mọi cấp và các tổ chức quần chúng xã hội, các lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh. Từ một tờ báo của ngành Văn hóa - Thông tin trong tỉnh Thanh Hóa nhưng với cách làm sáng tạo và nội dung phong phú, đáp ứng với nhu cầu bạn đọc nên không những Báo Văn hóa - Thông tin lan tỏa nhanh tới bạn đọc trong tỉnh mà còn được rất nhiều bạn đọc trong cả nước là con em quê Thanh hoặc có liên quan đến quê hương xứ Thanh quan tâm tìm đọc, nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Với cách làm báo năng động và tự trang trải một phần về kinh phí hoạt động, Báo Văn hóa - Thông tin đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đánh giá và khen thưởng trong Công văn số 2228/VHTT-BC nêu rõ: “Báo đã bám sát tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền địa phương, nhiệm vụ của ngành Văn hóa - Thông tin. Báo Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa không vi phạm LuậtBáo chí”. Sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của tờ báo mới chỉ 5 năm hoạt động đã vinh dự được tặng Bằng khen của Chính phủ, 10 năm hoạt động được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vào năm 1999 và được tặng Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai vào năm 2009.

Anh chị em cán bộ, phóng viên của Báo Văn hóa - Thông tin có thể tự hào về tờ báo của quê hương mình, tự hào vì mình đã hoặc đang làm việc cho tòa soạn. Có thể nói đây là tờ báo đầu tiên của tỉnh nói riêng và của ngành Văn hóa - Thông tin trong cả nước hoạt động là đơn vị sự nghiệp có thu. Tuy lúc đầu có khó khăn nhưng với sự nỗ lực của mình, với tinh thần đoàn kết và tìm tòi sáng tạo trong cách làm, nên tờ báo ngày một phát triển mạnh lên. Vào những ngày mới ra đời, được lãnh đạo tỉnh, ngành cho phép, Báo Văn hóa - Thông tin đã tổ chức những sự kiện gây tiếng vang để mãi không quên đó là “Xổ số hè Sầm Sơn 89”; tổ chức các cuộc thi Người đẹp Sầm Sơn, Người đẹp Lam Kinh, rồi kết hợp với UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức giải bóng đá thiếu niên. Anh Hoàng Hoa Mai tuy là Giám đốc Sở nhưng rất quan tâm chỉ đạo hoạt động của tờ báo. Anh có nhiều gợi ý về cách làm cũng như sự sáng tạo trong hoạt động. Đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện như thi người mẫu, người đẹp, chủ động xin phép in ấn, phát hành các loại tranh, lịch, ảnh... có gắn thương hiệu Báo Văn hóa - Thông tin, xin phép Bộ Văn hóa - Thông tin, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép in phát hành báo tới các tỉnh, thành có Hội đồng hương Thanh Hóa...

Đã 31 năm hoạt động, dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, của những lần quy hoạch hệ thống báo chí cả nước, Báo Văn hóa - Thông tin vẫn tiếp tục phát triển và được phép tăng kỳ tăng số, được phát hành trang tin điện tử tổng hợp. Để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, được sự nhất trí của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ quản đã đồng ý cho Báo Văn hóa - Thông tin xin phép đổi tên và Cục Báo chí cấp giấy phép số 55/CV-CBC ngày 15/1/2009 với tên Báo Văn hóa và Đời sống.

Từ khi Báo Văn hóa và Đời sống được mang tên mới, tờ báo càng được bạn đọc quan tâm nhiều hơn, sự lan tỏa của tờ báo càng rộng hơn, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa. Tờ báo có sự phản ánh một cách đa chiều thông tin cuộc sống, đặc biệt là phản ánh đời sống văn hóa, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc xứ Thanh. Chính vì thế mà Báo Văn hóa và Đời sống trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bạn đọc tỉnh Thanh.

Tuy nhiên, do yêu cầu của cách mạng, cả nước cần phải có hệ thống báo chí tinh gọn, và Thanh Hóa chỉ còn lại một tờ báo Đảng, một Đài Phát thanh - Truyền hình, một Tạp chí Văn nghệ nên Báo Văn hóa và Đời sống lại bước sang giai đoạn lịch sử mới, hòa nhập vào Báo Thanh Hóa. Chính vì lẽ đó, những người làm báo cầm bút trên lĩnh vực mới, môi trường mới càng tự hào hơn, càng mài sắc ngòi bút hơn, góp phần tốt hơn trong sự nghiệp báo chí của tỉnh nhà, để tiếng thơm của Báo Văn hóa và Đời sống mãi mãi sống với thời gian.

Nhà báo Mai Ngọc Toản

Nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa - Thông tin


Nhà báo Mai Ngọc Toản

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]