(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong chiến tranh, họ là những nữ thanh niên dũng cảm, kiên cường không lùi bước trước mọi khó khăn gian khổ, cống hiến những ngày tháng đẹp đẽ tuổi thanh xuân cho đất nước. Trở về quê nhà, vì một lý do nào đó, nhiều chị không lập gia đình. Cuộc sống của các chị bây giờ đa phần phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một thời... để nhớ

Trong chiến tranh, họ là những nữ thanh niên dũng cảm, kiên cường không lùi bước trước mọi khó khăn gian khổ, cống hiến những ngày tháng đẹp đẽ tuổi thanh xuân cho đất nước. Trở về quê nhà, vì một lý do nào đó, nhiều chị không lập gia đình. Cuộc sống của các chị bây giờ đa phần phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.

Một thời... để nhớ

Lực lượng nữ thanh niên xung phong bốc dỡ hàng hóa, đạn dược phục vụ chiến đấu. (nguồn: nhandan.vn)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của các nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) đơn thân về những năm tháng tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại vẫn còn vẹn nguyên.

18 tuổi, cô thôn nữ Lường Thị Can, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) và bạn bè cùng trang lứa hăm hở viết đơn tình nguyện đi TNXP. Bà được chuyển vào chiến trường Quảng Bình - Quảng Trị và trở thành TNXP binh trạm 12, Đoàn 559 anh hùng. Nhớ về 4 năm là TNXP (từ 1968 - 1972) ở khu vực Cổng Trời, hay còn gọi là Dốc Bò Lăn, nữ cựu TNXP rơm rớm nước mắt khi nhắc đến những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn xanh thẳm. Bà kể: “Địa bàn đơn vị tôi tham gia thông đường là khu vực trọng điểm mà đế quốc Mỹ ngày đêm ném bom nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Lượng bom trút ở khu vực này bình quân mỗi người phải hứng chịu 75 quả bom/ngày. Có trận bom làm cho cả đơn vị bộ đội gồm 37 người đóng quân ngay cạnh đơn vị tôi bị thương vong. Sau trận bom, tôi và đồng đội nhặt từng phần thi thể của các anh rồi chôn cất thành những ngôi mộ vô danh tại nghĩa trang Bãi Dinh (Quảng Bình)... nghĩ thương xót lắm”. Rồi bà cho biết: “Tuy chiến trường khốc liệt bởi mưa bom, bão đạn, là nơi sự sống, cái chết không phân định ranh giới, nhưng tôi và những người lính Trường Sơn lúc đó không nghĩ đến cái chết mà chỉ tâm niệm: Làm tốt nhiệm vụ, san lấp mặt đường, khắc phục hố bom để thông đường, đảm bảo cho những chuyến xe nối đuôi nhau vào Nam, ra Bắc được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn”.

Bà Phạm Thị Kén, sinh năm 1945, hiện ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) từng là Tổ trưởng tổ phá mìn, thuộc đơn vị 893, đội 89, đường 12 mặt trận Quảng Bình kể: “Tôi tham gia TNXP năm 1968. Đơn vị của tôi làm đường ở các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị. Suốt 4 năm tham gia TNXP, hơn 1 năm ở Quảng Bình, tôi là Tổ trưởng tổ phá mìn chuyên khai thác đá phục vụ làm đường. Thời gian còn lại là ở Quảng Trị, tôi là thợ xẻ cây, chặt cây làm đường, làm cầu. Dù ở Quảng Bình, hay Quảng Trị thì đều là những trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ, như Cổng Trời - Cha Lo (Quảng Bình), Dốc Khỉ - Làng Ho (Quảng Trị). Có những trận, đến nay tôi không thể nào quên, như trận bom ngày 21-3-1969 ở Quảng Bình đã cướp đi của đơn vị tôi 3 người và 18 người bị thương. Họ là đồng đội, lại cùng đồng hương Hoằng Hóa. Trong số 3 người hy sinh, có em họ tôi là Nguyễn Thị Cẩm. Lúc hy sinh, em Cẩm vừa tròn 19 tuổi và mới tham gia đơn vị TNXP được 3 tháng. Còn trận bom ở Quảng Trị, đơn vị kế bên hy sinh gần hết, chỉ duy nhất sống sót được 2 người nấu cơm do khi ấy họ đang vào rừng hái rau”.

Gần bước qua tuổi 73 và đang mang thương tật do di chứng của trận bom dằn, nhưng bà Hoàng Thị Sáng, cựu TNXP ở thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) vẫn còn minh mẫn. Chậm rãi, bà Sáng kể: “Năm 1968, tôi tham gia TNXP khi vừa tròn 20 tuổi. Đơn vị của tôi là đội 15, C.218, thuộc Ban Xây dựng 67. Suốt 4 năm tham gia làm đường (từ năm 1968-1972), đơn vị của tôi làm nhiệm vụ san lấp hố bom ở mặt trận Quảng Bình. Tiếng kẻng báo hiệu, tiếng bom nổ và tiếng nói cười của đồng đội vẫn còn như văng vẳng trong tôi. Nếu đánh 1 tiếng kẻng, báo hiệu không vấn đề gì; 2 tiếng kẻng, báo hiệu đường bị tắc do bom; đánh 3 tiếng kẻng, báo hiệu có người hy sinh. Những lúc có 2 hoặc 3 tiếng kẻng đánh lên như thế, dù đang ăn cơm hay đang ngủ, cả tiểu đội đều nhanh chóng mang theo dụng cụ để lên đường. Bom nổ hay đường hỏng ở đâu, chúng tôi đều chạy đến san lấp, khắc phục hố bom. Một lần khi đơn vị tôi đang san đường, lấp hố bom, máy bay Mỹ lại đến đánh phá, rất may, không có ai hy sinh nhưng tôi bị ảnh hưởng từ sức ép quả bom, người tung lên, dằn xuống nên cột sống bị va đập mạnh. Hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe tạm ổn, tôi đi làm trở lại và đến năm 1972, hết nghĩa vụ thì về quê”. Giờ đây dấu vết của cuộc chiến còn hằn sâu trên cơ thể của cựu TNXP Hoàng Thị Sáng đó là hình ảnh cột sống lưng bị gồ lên, khiến việc đi lại khó khăn, đau đớn, nhất là khi trái gió trở trời.

Một thời... để nhớ

Không chỉ đối mặt với khốc liệt của bom đạn chiến tranh, những người lính TNXP còn phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ của thiên tai khắc nghiệt. Mùa khô, họ hứng chịu nắng nóng như chảo lửa. Mùa mưa tầm tã suốt nhiều tháng liền, củi không có để đun nấu, phải ăn lương khô, gạo sấy... Rồi những trận sốt rét rừng khiến nhiều chị em bị rụng hết tóc, người gầy xanh như tàu lá... Gian khổ là vậy, nhưng họ không nản chí, vẫn lạc quan đứng vững trên mặt trận. Trong khi làm việc hay những lúc giải lao, tiếng nói cười hồn nhiên, trong trẻo của các cô, những thiếu nữ chưa có chồng, chưa có người yêu vẫn vang lên xua tan mệt nhọc, an ủi, động viên, xoa dịu nỗi đau do bom đạn. Mặc dù, bị địch ném bom cày xới ngày đêm, họ vẫn kiên trì bám trụ trên từng cung đường với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, quyết không để những đoàn xe ùn tắc. Tinh thần quả cảm và lòng nhiệt huyết của TNXP đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Bước qua chiến tranh đến nay đã 46 năm, số phận của bà Can, bà Kén, bà Sáng - những nữ cựu TNXP đơn thân đang sống những ngày tháng còn lại cũng là số phận chung của rất nhiều nữ TNXP ngày ấy: Hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc riêng để sống với lý tưởng cao đẹp là cống hiến, phụng sự Tổ quốc. Sức sống, lòng dũng cảm của họ đã để lại hình ảnh thật đẹp, thật sáng trong về lực lượng thanh niên Việt Nam. Đó mãi mãi là những bài học quý cho thanh niên thế hệ chúng ta và nhiều thế hệ mai sau noi gương, học tập.

Bài và ảnh: Minh Lý


Bài và ảnh: Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]