(vhds.baothanhhoa.vn) - 76 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Đảng bộ Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân Thanh Hóa ngày 23-8-1945 đã diễn ra sôi nổi góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhớ về mùa thu năm ấy ở Thanh Hóa

76 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Đảng bộ Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân Thanh Hóa ngày 23-8-1945 đã diễn ra sôi nổi góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhớ về mùa thu năm ấy ở Thanh Hóa

Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở thị xã Thanh Hóa ngày 23-8-1945. (Tranh tại Phòng truyền thống Tỉnh ủy Thanh Hóa)

Từ đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ II đi vào giai đoạn kết thúc với thắng lợi của quân đồng minh. Ở Đông Dương cuộc đảo chính Nhật - Pháp diễn ra (ngày 9-3-1945) đẩy kẻ thù chính của Nhân dân Đông dương vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, thời cơ cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân ta đã đến. Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại Thanh Hóa, tiếp thu tinh thần Chỉ thị, Tỉnh ủy Thanh Hóa kịp thời chỉ đạo phát động phong trào quần chúng vùng lên. Từ tháng 3-1945, phong trào phá kho thóc của Nhật diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh.

Trên cơ sở lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phát triển, các cuộc đấu tranh của Nhân dân Thanh Hóa đã tiến lên hình thức cao hơn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và dùng lực lượng vũ trang tấn công trực tiếp vào các vị trí của địch như cuộc tấn công của tự vệ hai làng Phù Hưng và Bùi Thượng (Yên Định) vào khu đồn điền Đa Nẫm (ngày 12-5-1945); cuộc đấu tranh của lực lượng tự vệ Thiệu Hóa chặn đánh xe của Nhật khi chúng cho ô tô chở lính lên vùng Yên Lộ để lùng bắt cán bộ, đàn áp phong trào quần chúng (ngày 15-7-1945)…

Tháng 7-1945, làng Ngô Xá Hạ, thuộc tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa được chọn làm nơi thí điểm thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng để rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào toàn tỉnh. Tiếp đó, Uỷ ban dân tộc giải phóng hoặc Uỷ ban lâm thời Nhân dân cách mạng cũng được thành lập ở một số làng như: Cựu Thôn, Yên Lộ (Thiệu Hóa); Tâm Quy, Bái Sơn, Đồng Bồng, Thiên Hòa, Quan Chiêm, Chánh Lộc (Hà Trung)…

Tình hình diễn biến nhanh và thuận lợi, được sự lãnh đạo của Trung ương và Khu ủy, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa lãnh đạo quần chúng đứng dậy đấu tranh giành chính quyền. 3 giờ chiều ngày 24-7-1945, Trung đội tự vệ dưới sự chỉ đạo của Việt Minh tiến hành đánh chiếm phủ đường. Trong khi đó, quần chúng Nhân dân ở khắp nơi trong huyện cũng kéo về bao vây phủ lỵ Bút Sơn (nay là thị trấn Bút Sơn). Bị bao vây, những tên tay sai còn lại ở phủ đường đã phải nhanh chóng đầu hàng, trao lại toàn bộ vũ khí, hồ sơ tài liệu cho cách mạng. Tiếp đó, tại cuộc mít tinh được tổ chức ngay khi chiếm được phủ lỵ, đồng chí Đinh Chương Lân đã thay mặt Ban Cán sự Việt Minh Hoằng Hóa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, kêu gọi quần chúng Nhân dân tích cực ủng hộ và tham gia Việt Minh, bảo vệ thành quả cách mạng.

Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hoằng Hóa đã mở đầu cao trào khởi nghĩa trong toàn tỉnh, động viên, khích lệ, cổ vũ Nhân dân Thanh Hóa vùng dậy giành chính quyền.

Nhớ về mùa thu năm ấy ở Thanh Hóa

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa ngày 24-7-1945. (Tranh tại Phòng truyền thống Tỉnh ủy Thanh Hóa)

Từ sau khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa, phong trào cách mạng diễn ra sôi sục trong cả tỉnh. Với sự sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén và quyết đoán, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập Hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để bàn biện pháp kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Trên cơ sở phân tích tình hình cách mạng trong nước và trong tỉnh, Hội nghị nhận định tình thế cách mạng đã chín muồi, nên đã tập trung bàn việc xây dựng kế hoạch tổng khởi nghĩa ở Thanh Hóa.

Hội nghị quyết định ngày khởi nghĩa trong toàn tỉnh là 12 giờ đêm ngày 18, rạng sáng 19-8-1945; quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa (UBKN) và Uỷ ban Nhân dân cách mạng (UBNDCM) lâm thời cấp tỉnh gồm 7 đồng chí: Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Lê Chủ, Nguyễn Văn Huệ, Đinh Chương Lân và Ngô Đức, do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch UBKN, kiêm Chủ tịch UBNDCM lâm thời, phát động toàn dân nổi dậy bằng cả hai lực lượng (lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang), kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự.

Trong không khí hết sức khẩn trương của cả nước và tinh thần sục sôi cách mạng của Nhân dân, đêm 18, rạng sáng 19-8-1945, UBKN tỉnh Thanh Hóa phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ các phủ, huyện, tổng và xã, quần chúng Nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên, giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ ngày 18-8 đến 23-8-1945, UBNDCM lâm thời - chính quyền cách mạng ở hầu khắp các phủ, huyện trong tỉnh đã tiến hành ra mắt Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền Nhân dân cách mạng và bước vào xây dựng chế độ mới.

12 giờ trưa 23-8-1945, trước hàng vạn quần chúng tập trung tại phố Vườn Hoa, đồng chí Hoàng Tiến Trình thay mặt UBNDCM lâm thời Thanh Hóa đọc lời khai mạc Lễ ra mắt chính quyền cách mạng.Tiếp đó, đồng chí Lê Tất Đắc - Chủ tịch UBNDCM lâm thời tỉnh đọc bản tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng; công bố chương trình Việt Minh về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng mùa Thu tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa và cả nước đã thành công, một thời kỳ mới đã mở ra, Nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào một giai đoạn mới.

Sức mạnh quật khởi và truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong cách mạng tháng 8-1945 đã và đang tiếp tục được khơi dậy trong thế kỷ XXI, tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Vũ Quý Tùng Anh


Vũ Quý Tùng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]