(vhds.baothanhhoa.vn) - Thu gom phế liệu là cách mà hai thanh niên Vũ Văn Bảy (37 tuổi) và Nguyễn Văn Nam (34 tuổi) ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đang thực hiện để tạo nguồn quỹ giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn.

Thu gom phế liệu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Thu gom phế liệu là cách mà hai thanh niên Vũ Văn Bảy (37 tuổi) và Nguyễn Văn Nam (34 tuổi) ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đang thực hiện để tạo nguồn quỹ giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn.

Thu gom phế liệu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Anh Bảy tiếp nhận phế liệu từ người dân.

5 giờ chiều, anh Nam, anh Bảy gác lại công việc của mình, dắt chiếc xe đạp cũ bắt đầu “hành trình” thu gom ve chai, phế liệu. Anh Nam cho biết, hai anh bắt đầu công việc này đã được hơn 2 tháng. Công việc nhặt ve chai cũng không có gì khó khăn, chỉ cần 1 chiếc xe đạp, 1 thùng xốp đựng phế liệu là có thể bắt đầu công việc. Mỗi ngày, anh và anh Bảy đi dọc các tuyến đường trong xã Ngư Lộc và các xã lân cận để lượm nhặt, ban đầu lượng ve chai thu được không nhiều.

“Tuy nhiên, càng về sau, mọi người theo dõi thấy việc làm của chúng tôi không phải vì lợi ích cá nhân, mà số tiền bán ve chai được dùng để làm từ thiện, từ đó nhiều người đã gom phế liệu lại rồi chờ chúng tôi đến để cho”, anh Nam chia sẻ.

Thu gom phế liệu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Hai anh bắt đầu hành trình đi lượm nhặt phế liệu.

Không giấu nổi niềm vui, anh Nam kể: "Hôm trước, có người cho chúng tôi cả 1 chiếc tủ lạnh cũ, bán được 200 nghìn đồng. Rồi mới hôm qua, có gia đình cho cả chiếc xe đạp cũ, bán cũng được 150 nghìn đồng".

Qua câu chuyện của các anh được biết, anh Nam hiện đang là ông chủ của một cửa hàng bán tranh tứ quý và in 3D tại xã Ngư Lộc. Còn anh Bảy là ngư dân, sau mỗi chuyến vươn khơi trở về, anh lại cùng anh Nam đồng hành trên những chiếc xe đạp đi nhặt ve chai, phế liệu.

Theo anh Bảy, việc đạp xe cũng là tập thể dục nâng cao sức khỏe. Lượm nhặt ve chai, phế liệu là bảo vệ môi trường. Và ý nghĩa hơn cả, đó là số tiền từ việc bán phế liệu có thể hỗ trợ được phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn.

Thu gom phế liệu để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

“Chiến lợi phẩm” mà 2 anh thu về sẽ được bán lấy tiền hỗ trợ người nghèo.

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ theo chân anh Bảy, anh Nam, tôi cùng các anh trở về gian phòng phía sau tiệm tranh. Một khoảng sân chất đống những ve chai, phế liệu. Chỉ vào đống ve chai, anh Nam nói: "Từ số tiền bán phế liệu này, chúng tôi sẽ mua gạo, nước mắm, mì chính, sữa để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Với những gia đình đặc biệt khó khăn, có người ốm đau, tai nạn thì anh em ủng hộ bằng tiền mặt".

Ghi nhận và trân trọng việc làm ý nghĩa của hai anh, ông Trần Văn Sỹ, trưởng thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc cho rằng, không chỉ những người có điều kiện mới đi làm từ thiện, mà từ thiện xuất phát từ trái tim, tấm lòng, có thể bằng vật chất hay tinh thần. Chính những hành động thiết thực mà ý nghĩa như của anh Năm, anh Bảy đã được người dân xung quanh ủng hộ và đánh giá cao. Nhiều người còn chung tay hỗ trợ các anh trên “hành trình” thu lượm phế liệu để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]