(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong muốn bảo vệ môi trường (BVMT) sống, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng và đã đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động này cần hơn nữa những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía.

Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía

Với mong muốn bảo vệ môi trường (BVMT) sống, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR sinh hoạt nói riêng và đã đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động này cần hơn nữa những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía.

Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phíaHoạt động xử lý rác thải tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt xã Đông Nam (Đông Sơn).

Qua khảo sát, thống kê của ngành chức năng, hiện, lượng CTR sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 3.000 tấn/ngày/đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tỷ lệ nghịch với tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt và chôn lấp, tái chế. Do đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Nhận thấy vai trò của các cấp hội phụ nữ trong công tác BVMT, hơn 10 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về BVMT và mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong phân loại CTR sinh hoạt và xử lý chất thải thực phẩm tại nguồn; thành lập và duy trì nhiều mô hình BVMT như “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “đổi rác lấy cây xanh, lấy đồ dùng”, “Thu gom, phân loại và tái chế rác thải thành vật dụng hữu ích”... Qua đó, từng bước thay đổi ý thức, trách nhiệm của người dân trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải vận chuyển đi xử lý, đồng thời tận dụng tối đa những phế thải để bán và tái chế.

Tại các địa phương, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đã tích cực vào cuộc hướng dẫn, vận động Nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, nilon dùng một lần; đầu tư xây dựng các khu, bãi tập kết rác theo quy hoạch; đồng thời, kêu gọi xã hội hóa trong công tác BVMT. Đặc biệt, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia xử lý chất thải sinh hoạt, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, ngày 12/12/2019 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 239/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia vào quá trình thu gom, xử lý rác thải. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có một số dự án xử lý CTR trọng điểm đã, đang được đầu tư, như: nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) của Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam (Đông Sơn) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech... Ngoài ra, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý CTR tập trung trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ngày 8/5/2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1592/QĐ-UBND, phê duyệt Phương án xử lý CTR tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 31 khu xử lý CTR, gồm 3 khu xử lý liên huyện và 28 khu xử lý tại các huyện. Đồng thời, dừng hoạt động 11 bãi chôn lấp rác thải và 18 khu xử lý bằng lò đốt có công suất nhỏ... ở một số địa phương như: TP Sầm Sơn, các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Như Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành... với lý do quá tải nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không phù hợp với quy hoạch; lò đốt công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường...

Những hoạt động trên cho thấy sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, tầng lớp Nhân dân đối với công tác thu gom, xử lý CTR. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, hoạt động này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng quá tải so với công suất thiết kế ban đầu của một số bãi chôn lấp rác thải ở nhiều địa phương như TP Sầm Sơn, Nga Sơn... Ngoài ra, theo đánh giá của Sở TN&MT, trong quá trình vận hành phần lớn các bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh đều thực hiện không đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh. Rác thu gom về bãi không được đổ đúng vị trí, không san gạt, đầm nén và phủ đất lên bề mặt; không sử dụng các chế phẩm khử mùi và hóa chất diệt côn trùng; không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ thải dẫn đến tình trạng khu vực bãi rác phát sinh nhiều ruồi, muỗi và mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực lân cận...

Cũng theo đánh giá của Sở TN&MT, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do ý thức về BVMT vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của Nhân dân, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi; công tác phân loại rác tại nguồn chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Đặc biệt ý thức chấp hành Luật BVMT của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và một bộ phận Nhân dân còn hạn chế... Thực tiễn này đặt ra yêu cầu về sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận, ủng hộ và trách nhiệm trong thu gom, xử lý CTR của các tầng lớp Nhân dân trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]