(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những năm qua, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay ở một số huyện miền núi vẫn đang thiếu phòng học gây ra tình trạng quá tải học sinh, đặc biệt là bậc học mầm non.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực trạng thiếu phòng học ở nhiều huyện miền núi

(VH&ĐS) Những năm qua, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay ở một số huyện miền núi vẫn đang thiếu phòng học gây ra tình trạng quá tải học sinh, đặc biệt là bậc học mầm non.

Trong năm học 2016 - 2017, Trường Mầm non Thạch Sơn (Thạch Thành) có 442 học sinh chia làm 19 nhóm lớp học, nhưng số phòng thực tế của nhà trường mới chỉ có 10 phòng. Để đảm bảo cho việc học tập của các cháu, nhà trường phải khắc phục mọi khó khăn tận dụng cả khu nhà bếp cũ để cho các cháu học tập, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhà trường, vì vậy có những lớp sĩ số lên tới 54 học sinh.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Sơn - Vũ Thị Thuyết cho biết: Thiếu phòng học, buộc nhà trường phải ghép lớp. Nhưng việc ghép lớp khiến cho sỹ số lớp học tăng lên trong khi phòng học nhỏ hẹp như hiện nay thì mọi hoạt động của các cháu gặp rất nhiều khó khăn. Không gian lớp học không đủ để tổ chức cho các cháu những hoạt động múa, hát, vui chơi tập thể, có những phòng quá nhỏ không có chỗ để đồ chơi. Không khí trong phòng học cũng khá ngột ngạt, tù túng do lượng học sinh trong một lớp khá đông, các cháu không được thoải mái chơi đùa. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường đã phải cải tạo phòng trong khu nhà bếp để làm phòng học. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhà trường.

Một số lớp học, Trường Mầm non xã Thạch Sơn (Thạch Thành) đang trong tình trạng quá tải.

Trường Tiểu học Thạch Quảng I, năm học này nhà trường có 500 học sinh, chia thành 17 lớp nhưng chỉ có 14 phòng. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi trong ngày, khiến việc bố trí dạy buổi chiều phụ đạo cho các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Mậu - Hiệu trưởng chia sẻ: Do thiếu phòng học nhà trường đang tham mưu cho UBND xã sửa chữa một số phòng học đã xuống cấp để tổ chức việc học chính khóa vào buổi sáng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì tất cả các phòng học đều được xây dựng cách đây hơn 30 năm nên đã hư hỏng nặng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Công Thành - Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thành cho biết: Những năm gần đây, học sinh bậc học mầm non, tiểu học tăng lên trong khi đó trường học, lớp học lại được xây dựng nhiều năm về trước và chưa được mở rộng nên không theo kịp nhu cầu xã hội. Nếu tính thực tế, không dồn ghép lớp học thì huyện phải thiếu đến 217 phòng học, trong đó phòng học mầm non thiếu 184 phòng. Việc thiếu lớp học đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập và sinh hoạt, nhất là ở lứa tuổi mầm non, việc dạy học và chăm sóc trẻ luôn luôn phải song hành.

Tại huyện Mường Lát năm học 2016 - 2017 toàn huyện có hơn 11.000 học sinh, với 543 nhóm lớp, mặc dù được đầu tư xây dựng trường, lớp học kiên cố nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và vẫn còn phòng học tạm bợ. Hiện nay, Mường Lát đang cần xây mới 202 phòng học, 75 phòng ở bán trú cho các em học sinh và giáo viên.

Tại huyện Quan Sơn có 56 phòng học tạm bợ, 172 phòng học cấp 4 đang xuống cấp, 63 khu lẻ ở cách xa trung tâm. Tình trạng học sinh phải học ở những phòng học tạm bợ đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học bởi các phòng học đều không đảm bảo về diện tích, nhà vệ sinh không có hoặc không phù hợp với trẻ, thiếu trang thiết bị, chưa tạo được môi trường cho trẻ hoạt động thực sự.

Nỗi lo chồng chất nỗi lo, sẽ chẳng thể yêu cầu chất lượng tốt, hay giáo dục toàn diện nếu các em học sinh không đủ cơ sở vật chất để học tập.

Hải Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]