(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành “trợ thủ” đắc lực dẫn dắt nền kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ là phương thức hiệu quả để phân phối hàng hóa, dịch vụ, TMĐT đang ngày càng minh chứng cho khả năng lan tỏa thương hiệu, chinh phục thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu.

Thương hiệu vươn xa nhờ thương mại điện tử

Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành “trợ thủ” đắc lực dẫn dắt nền kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ. Không chỉ là phương thức hiệu quả để phân phối hàng hóa, dịch vụ, TMĐT đang ngày càng minh chứng cho khả năng lan tỏa thương hiệu, chinh phục thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu.

Thương hiệu vươn xa nhờ thương mại điện tửDoanh nghiệp thực hành livestream để bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Công ty TNHH Tư Thành (TP Thanh Hóa) vốn có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh lâu năm trên thị trường, với các sản phẩm nông sản đóng hộp xuất khẩu như: vải, cà chua bi, dưa bao tử và dứa đóng hộp. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, cùng với duy trì các thị trường, đối tác truyền thống, công ty đã linh hoạt và chú trọng các giải pháp về nguồn nhân lực, chiến lược thực hiện marketing qua các sàn TMĐT. Nhờ vậy, không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua, doanh nghiệp (DN) đã tiếp tục phát triển thị trường rộng mở hơn. Đến nay, sản phẩm dứa khoanh đóng hộp - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty đã có mặt tại 20 nước trên thế giới; trong đó có nhiều thị trường khó tính tại châu Âu. Theo bà Đồng Thị Tuyết Anh, giám đốc công ty, DN hiện đang bao tiêu vùng nguyên liệu dứa cho nông dân thị xã Bỉm Sơn, các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Như Xuân... với diện tích gần 200ha và tiêu thụ thêm nông sản cho bà con nông dân ở các tỉnh ngoài như: Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An...

Tại Nông Cống, Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là Dứa đóng hộp Trường Tùng, Ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng và Dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng. Cũng từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, DN đã nhanh chóng tận dụng “sức mạnh” của công nghệ số để thích ứng. Thay vì gặp gỡ đối tác, khách hàng trực tiếp, công ty đã đầu tư cho bộ phận truyền thông thực hiện các hoạt động marketing qua các nền tảng, ứng dụng của công nghệ số, đặc biệt là các sàn TMĐT quốc tế. Đến nay, DN đã bao tiêu vùng nguyên liệu dứa với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm cho nông dân Bỉm Sơn và các huyện Yên Định, Cẩm Thủy. Sản phẩm của DN hiện cũng đã xuất khẩu thành công tới 12 thị trường trên thế giới.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 600 DN, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP đang tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn TMĐT với trên 1.050 sản phẩm các loại. Tốc độ tăng trưởng của doanh thu hàng hóa thông qua bán hàng trực tuyến tăng trưởng bình quân đạt trên 25%. Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra tới nay, TMĐT đã khẳng định là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối; đồng thời, là kênh để các DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây được xem là cơ hội để các DN mở rộng thêm thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Nhiều DN đã thành công, nắm bắt kịp thời các cơ hội phát triển thị trường vươn xa không biên giới qua TMĐT như: Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xuất khẩu nhiều dòng sản phẩm nước mắm, mắm tôm sang thị trường các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ... Công ty TNHH Yến Sào xứ Thanh xuất khẩu tổ yến sào và tổ yến chưng đi Trung Quốc - một thị trường được đánh giá vô cùng rộng lớn, đặc biệt đối với sản phẩm từ yến sào.

Khẳng định vai trò quan trọng của TMĐT đối với sự phát triển, phân phối hàng hóa, tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển TMĐT ổn định và bền vững. Toàn tỉnh hiện có 222 website TMĐT bán hàng, 3 website cung cấp dịch vụ TMĐT, 2 ứng dụng TMĐT bán hàng, 1 ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT. Đặc biệt, 100% các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã có mặt trên các sàn TMĐT và các nền tảng mạng xã hội. Cùng với đó, hạ tầng logistics cũng đã phát triển mạnh mẽ với các DN lớn như: VNPost, Viettel Post, giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, J&T Express..., đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Các ngành, địa phương đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tích cực hướng dẫn, giới thiệu các nền tảng số, nền tảng TMĐT liên quan, đào tạo nguồn nhân lực, giúp DN, HTX nắm bắt kiến thức, kỹ năng để đẩy mạnh hoạt động kích cầu trên môi trường số.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]