Lê Trung Giang, tướng công trải 4 đời vua triều Lê
Với 66 năm phục vụ triều đình, trải qua 4 triều vua và được ban tặng 27 đạo sắc phong, tướng công Lê Trung Giang được suy tôn là thành hoàng làng Đô Du (nay là thôn 2), xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.
Đền thờ Lê Trung Giang - niềm tự hào của người dân ở xã Hoằng Ngọc.
Gia phả họ Lê Trung ở làng Đô Du đã ghi rằng tự thuở nhỏ Lê Trung Giang đã nổi tiếng giỏi vật, có sức lực phi thường nên được gọi là ông Đô Thống. Ngoài ra, ông có bản tính cương trực, hay giúp đỡ mọi người nhất là người nghèo khổ. Sinh ra trong thời loạn Lê sơ, đặc biệt sống dưới triều Lê Cung Hoàng, niên hiệu Thống Nguyên (1522-1527), vị vua cuối cùng của nhà Lê sơ, ông chứng kiến những xung đột nội chiến quyết liệt giữa hai thế lực nhà Lê và nhà Mạc. Bên cạnh đó, lợi dụng cơ hội hỗn loạn, bọn du thủ du thực nổi lên cướp bóc của cải, hà hiếp dân lành ở nhiều nơi trong vùng, vì thế Lê Trung Giang đã tập hợp trai tráng trong làng, tự rèn sắm vũ khí, đánh đuổi giặc cướp, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Trải qua 4 triều vua từ Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1548-1556), Lê Anh Tông (1556-1573), đến Lê Thế Tông (1573-1599), tướng quân Lê Trung Giang luôn giữ các trọng trách lớn. Khi Vua Lê Trang Tông chiêu mộ quân sĩ dựng lại cơ nghiệp, cùng lời hiệu triệu của các cựu thần nhà Lê, như: An Thanh hầu Nguyễn Kim, Lý Quốc Công, Trịnh Duy Thuận, Phục Hưng Hầu Trịnh Duy Duyệt và cả đô đốc Trịnh Duy Liêu, ông Lê Trung Giang đã đem quân của mình gia nhập với quân triều đình, quyết tâm trung hưng nhà Lê. Là người có nghĩa khí, có tài thao lược, với ý tưởng bảo vệ sự thống nhất quốc gia nhà Lê, ông đã tham gia đánh đuổi quân Mạc, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn khôi phục và mở ra thời kỳ Lê trung hưng ở cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII.
Khi tình hình ổn định, ông cũng chính là người luôn quan tâm đến đời sống người dân, hướng dẫn họ đắp đê hai bờ sông Cung ngăn nước mặn, khai phá đất ruộng để an cư, lập nghiệp.
Trong quần thể đền thờ Lê Trung Giang có rất nhiều hạng mục như Bảo Tháp, Động Chúa, Lăng Đại Vương...
Tiếng thơm của ông đã được ghi lại trong nhiều trang sử. Đặc biệt, ông được vua Lê Thế Tông phong “Uy vũ công thần Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Phụ quốc thượng tướng quân đề đốc Tĩnh Quận công”, đồng thời được nhà vua ban thưởng 4 đôi đũa ngà và bức trướng “Khải văn võ đường” với ý nghĩa khẳng định việc mở nghiệp bằng cả văn lẫn võ, được cấp 30 mẫu lộc điền ở quê hương.
Là người có công với vua, với nước, được thể hiện bằng tấm lòng “trung quân ái quốc”, Lê Trung Giang không những là vị tiền bối anh linh của dòng họ Lê Trung mà còn được phong làm Thành hoàng làng Đô Du. Đền thờ ông do dân làng lập nên và có khắc 4 chữ trên bức đại tự “Dân thụ kỳ từ” (dân được hưởng lộc nên lập đền thờ) còn lưu đến ngày nay.
Kể từ khi ông mất, các triều đại phong kiến từ nhà Lê đến nhà Nguyễn đã phong 27 đạo sắc, trong đó sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 28, 1767 có ghi nhận ông là bậc “khai quốc công thần cương nghị thành hoàng Đô thống lĩnh ứng cảnh khẩu tối linh đại vương thượng đẳng thần”. Tiếc là đến nay tại đền thờ Lê Trung Giang chỉ còn lại 13 đạo sắc.
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi đền, anh Lê Trung Kiên, hậu duệ của tướng công Lê Trung Giang, cho biết: "Trước đây, đền Lê Trung Giang vốn chỉ là một miếu nhỏ được dựng trên một vùng đất phẳng. Lớp hậu duệ của cụ và người dân xã Hoằng Ngọc khi có điều kiện kinh tế hơn đã góp tiền xây dựng lại. Sau nhiều lần tu sửa và tôn tạo, đền thờ Lê Trung Giang đã bề thế và uy nghi".
Có thể khẳng định, rất ít ngôi đền ở Hoằng Hóa to lớn và rộng thoáng như đền thờ Lê Trung Giang. Trong khuôn viên hơn 10.000m2 của đền thờ Lê Trung Giang còn có rất nhiều cảnh vật ấn tượng khác như hồ bán nguyệt, khu vui chơi, bảo tàng, nhà văn hóa... Đặc biệt đền còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị. Ngoài 13 cuốn sắc phong, nhiều hiện vật “có tuổi” được con cháu dòng họ giữ gìn hàng trăm năm nay từ thế hệ này qua thế hệ khác, như: Bộ gia phả dòng họ viết năm Minh Mệnh thứ 12; 3 đôi đũa ngà voi do vua Lê Thế Tông tặng Tướng công Đại vương Lê Trung Giang; bức tượng được sơn son thếp vàng; những chiếc bình gốm chạm trổ tinh xảo và nhiều đồ thờ có giá trị khác.
Trong quần thể đền thờ Lê Trung Giang có rất nhiều hạng mục như Bảo Tháp, Động Chúa, Lăng Đại Vương...
Năm 2003, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về Thân thế và sự nghiệp Tướng công Đại vương Lê Trung Giang tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. “Từ cuộc hội thảo này đã mở ra cho lớp con cháu dòng họ Lê Trung chúng tôi nhiều tư liệu quý. Không phải ngẫu nhiên mà chữ vận lấy người, ngoài tướng công Lê Trung Giang thì người em của cụ là Lê Trung Hải, thụy Quảng Khê, danh tướng thời Lê làm quan trong triều, năm Thuận Bình (1549-1556) cũng được phong là “Hộ bộ Tả thị lang” và đến đời vua Lê Thế Tông, niên hiệu Gia Thái (1573 - 1577), cụ Lê Trung Hải lại được phong “Thái bộc Tự khanh Văn Tuyên hầu”. Tên cụ Giang, cụ Hải đều có bộ “thủy” để khẳng định việc khai hoang lấn biển là sứ mệnh. Ngoài các cụ ra, 3 thế hệ con cháu kế tiếp cũng đều làm quan dưới triều Lê và có nhiều sắc phong.
Hằng năm cứ đến ngày 20 tháng 6 âm lịch, ngày mất của tướng công Lê Trung Giang, người dân làng Đô Du lại làm lễ dâng hương tưởng niệm. Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc, cho biết: Sau khi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, qua một số lần trùng tu, đến năm 2005 quần thể văn hóa và di tích lịch sử Tướng công Lê Trung Giang được Tổ chức UNESCO tại Việt Nam công nhận, ra quyết định bảo trợ. Kể từ đó, đền thờ là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách mỗi khi về với biển Hải Tiến.
Đến du lịch biển Hải Tiến, trong hành trình khám phá các di tích và cảnh đẹp, chị Trần Thị Nga (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: Đền Lê Trung Giang nằm cách bãi biển Hải Tiến chỉ khoảng 3km, đây là điều kiện thuận tiện để du khách chúng tôi đến thăm và chiêm bái. Đến đây chúng tôi không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên, vãn cảnh đền uy nghi, bề thế mà còn được nghe kể lại những câu chuyện lịch sử đầy hào hùng của tướng quân Lê Trung Giang cũng như dòng tộc Lê Trung từ xưa đến nay.
Đây chính là niềm tự hào song cũng là sự trăn trở của anh Lê Trung Kiên, hậu duệ của tướng công Lê Trung Giang: "Nếu như có sự kết nối với các điểm du lịch tôi tin quần thể văn hóa và di tích lịch sử Tướng công Lê Trung Giang sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan. Trước đây, với việc hỗ trợ và kết hợp của một số công ty, khách sạn lớn trên địa bàn huyện nơi đây đã trở thành điểm du lịch tâm linh không thể thiếu khi du khách về với mảnh đất Hoằng Hóa nói chung, du lịch Hải Tiến nói riêng. Song đến nay, do một số điều kiện quy định mà lượng khách giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng việc công nhận thôn 2 đạt NTM kiểu mẫu, sẽ mở thêm nhiều cơ hội liên kết các điểm du lịch văn hóa tâm linh, trong đó có đền thờ Lê Trung Giang (Hoằng Ngọc) trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-08-07 14:08:00
Khát vọng khởi nghiệp từ đặc sản quê hương
Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Thăng hoa cùng “tình yêu xứ Thanh”
Trịnh Tốn và tấm bia mộ ở Hà Sơn
Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”
Chàng lính cứu hộ đạt 2 điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chàng trai xứ Thanh mang hương vị nem chua đi khắp mọi miền Tổ quốc
“Cậu bé vàng” của piano xứ Thanh
Phạm Quang Thư: Đời chiến binh của tôi dài theo đất nước
Hoài niệm ký ức xưa qua bộ sưu tập xe đạp cổ độc đáo
Vũ Văn Dũng, vị tướng lừng danh thời Tây Sơn