(vhds.baothanhhoa.vn) - Với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được huyện Thường Xuân quan tâm gìn giữ, phát huy và trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thường Xuân phát triển du lịch gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống

Với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được huyện Thường Xuân quan tâm gìn giữ, phát huy và trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thường Xuân phát triển du lịch gắn với gìn giữ văn hóa truyền thốngDu khách thưởng thức tiết mục văn nghệ do các thành viên trong đội văn nghệ của thị trấn Thường Xuân biểu diễn.

Huyện Thường Xuân có 3 dân tộc chủ yếu là Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực, nếp nhà sàn truyền thống của các dân tộc Thái, Mường... Bên cạnh đó, huyện còn có các di tích, thác nước đẹp, như đền Cửa Đặt; đền Cô Ba; di tích lịch sử, văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai; di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Hồ; thác Thiên Thủy; thác Trai Gái; thác Hón Yên... Đặc biệt, huyện còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với hệ thống động, thực vật phong phú, đa dạng, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, khí hậu mát mẻ...

Những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng là điều kiện quan trọng để huyện Thường Xuân phát triển du lịch. Vì vậy, nhiều năm qua huyện Thường Xuân đã tăng cường công tác quảng bá các tiềm năng phát triển du lịch gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời thành lập, duy trì và phát huy các đội văn nghệ dân gian phục vụ nhu cầu của du khách.

Những năm gần đây nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, thị trấn Thường Xuân đã khuyến khích các gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời chỉ đạo một số khu phố có điều kiện phát triển du lịch thành lập các đội văn nghệ phục vụ nhu cầu của du khách. Đây là cách để thị trấn Thường Xuân quảng bá nét văn hóa truyền thống đến với du khách thập phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một số lao động, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đội văn nghệ bản Mạ được thành lập năm 2022. Sau hơn 2 năm thành lập, đội văn nghệ có nhiều hoạt động thu hút nhiều hội viên tham gia. Ngoài việc tập luyện các tiết mục văn nghệ phục vụ cho các hoạt động của thị trấn Thường Xuân, trao truyền các làn điệu dân ca, dân vũ cho các thế hệ trẻ, đội văn nghệ còn dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ du khách đến bản Mạ tham quan, trải nghiệm.

Bà Vi Thị Phương, đội trưởng đội văn nghệ bản Mạ, cho biết: "Đến với bản Mạ, du khách không chỉ muốn hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thưởng thức ẩm thực mà còn muốn trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Khi màn đêm buông xuống, tiếng cồng chiêng, tiếng nhạc nổi lên, du khách với các thành viên trong đội văn nghệ cùng nhau nắm tay nhảy theo tiếng nhạc, lời hát. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục tập luyện nhiều tiết mục văn nghệ phục vụ du khách".

Hiện nay trên địa bàn thị trấn Thường Xuân có 11 đội văn nghệ, trong đó có 3 đội hoạt động thường xuyên tại các điểm du lịch. Các câu lạc bộ này không chỉ phục vụ nhu cầu của khách du lịch mà còn quảng bá bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái đến với du khách trong và ngoài huyện.

Ông Lương Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, cho biết: "Những năm qua, thị trấn Thường Xuân luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trên địa bàn thị trấn có 10 hộ làm du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, có gần 63.000 lượt khách đến thị trấn tham quan, trải nghiệm. Nhận thấy du khách đến với thị trấn có nhu cầu thưởng thức, khám phá các làn điệu dân ca, dân vũ chúng tôi đã chỉ đạo các đội văn nghệ tập luyện nhiều tiết nghệ đặc sắc phục vụ du khách. Mỗi buổi biểu diễn của đội văn nghệ góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách mỗi khi về với mảnh đất thị trấn Thường Xuân".

Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Những năm gần đây, phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được huyện Thường Xuân quan tâm. Vì vậy, số lượng du khách đến huyện tham quan, trải nghiệm ngày càng tăng lên. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã đón khoảng 221.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân có điều kiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chú trọng thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ để gìn giữ bản sắc văn hóa và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng biểu diễn cho thành viên các câu lạc bộ, đội văn nghệ để tăng sức hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch và Nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng Thường Xuân trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]