“Tiếc thay”, không phải “thương thay”
Một trò chơi về tiếng Việt trên truyền hình yêu cầu người chơi hoàn thiện câu ca “Thương thay hạt gạo trắng ngần/ Đã vo... lại vần lửa rơm”.
Người chơi “bỏ qua” và đáp án của chương trình là “nước đục” (Đã vo nước đục lại vần lửa rơm). Điều đáng nói là ngữ liệu này không chính xác. Hai chữ “tiếc thay” bị biến thành “thương thay”.
Theo nghĩa đen, “hạt gạo trắng ngần” lẽ ra phải được vo với nước trong, củi lửa đun nấu phải tương xứng (phải đun bằng củi và vần bằng lửa/than của nó chứ không phải bằng rơm). Ấy vậy mà hạt gạo ngon quý ấy lại bị đem vo với “nước đục”, nước bẩn, “vần” với lửa/than rơm khói bụi, vàng khè. Dân gian ám chỉ của tốt, đồ tốt mà không biết cách dùng, bị rơi vào tay kẻ thô lậu. Câu này thường được ví với người con gái đẹp lấy phải người chồng chẳng ra gì. Thật là uổng phí! Sự uổng phí này phải được thốt lên bằng hai tiếng “tiếc thay” chứ không phải “thương thay”.
Có thể dẫn ra hàng loạt “tiếc thay” tương tự:
Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà; Tiếc thay áo gấm mặc đêm/ Gỏi tươi ăn nguội, gái thuyền quyên lỡ chồng; Tiếc thay cái chậu nước trong/ Để cho bèo tấm bèo ong giạt vào; Tiếc thay cái đọi bịt vàng/ Đem ra đong cám, lỡ làng duyên em; Tiếc thay cái tấm lụa đào/ Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi; Tiếc thay cây gỗ lim chìm/ Đem làm cột dậu bìm bìm nó leo; Tiếc thay con người da trắng tóc dài/ Bác mẹ gả bán cho người đần ngu; Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng mán thằng mường nó leo...
Tất cả những câu trên, nếu đem “thương thay” thế chỗ cho “tiếc thay” đều trở nên vô duyên, lạc nghĩa. Kể cả một số bản đồng nghĩa như Hoài cành mai cho cú đậu; Hoài hồng ngâm cho chuột vọc/ Hoài hạt ngọc cho ngâu vầy; Nếu mà cú đậu cành mai/ Thì công trang điểm chẳng hoài lắm ru?,... thì hoài ở đây cũng không phải là “thương thay” mà là “tiếc thay”, phí hoài thay!
Vậy hai chữ “thương thay” dùng cho những trường hợp nào?
Khi cảm thán cho những số phận vất vả, khó nhọc, thấp bé, hẩm hiu thì dân gian bắt đầu bằng hai chữ “thương thay”:
Thương thay thân phận con rùa/ Trên đình đội hạc dưới chùa đội bia; Thương thay cho kiếp dã tràng/ Sông sâu biển rộng muôn ngàn sóng xao; Thương thay thân phận con tằm/ Kiếp ăn được mấy phải nằm nhả tơ/ Thương thay lũ kiến tí ti/ Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi/ Thương thay hạc lánh đường mây/ Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi/ Thương thay con cuốc giữa trời/ Dầu kêu ra máu có người nào nghe!,...
Như vậy, trong trường hợp câu ca đầu, sử dụng từ “tiếc thay” mới chính xác, mới thể hiện được ý tứ, chữ nghĩa tinh tế của dân gian.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-13 09:52:00
Thủ tướng gửi thư chúc mừng đồng bào Khmer dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây
-
2025-04-13 09:51:00
Xuất bản cuốn sách “Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
2025-04-11 09:20:00
UNESCO sẽ vinh danh Danh nhân Lê Quý Đôn và Bộ sưu tập của nhạc sỹ Hoàng Vân
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ bắt đầu thu vé tham quan
Hướng dẫn điều chỉnh và xác định đơn vị hành chính có di tích, di sản
Lần đầu tiên sách tiếng Việt được đưa vào thư viện lớn nhất ở thủ đô Brussels
Khi truyền thuyết lăng mộ Vua Đinh được tái hiện trên màn ảnh rộng
Nhiều hoạt động hấp dẫn trên toàn quốc hưởng ứng Đại lễ trong tháng Tư
Dám làm - lãnh đạo kiên định trong khủng hoảng
“Địa đạo” sẽ là phim chiến tranh Việt Nam đầu tiên vượt doanh thu 100 tỷ đồng?
Tàu du lịch phải trả lại tiền cho khách do cung cấp dịch vụ không đúng cam kết
“Sắt son” hay “sắc son”?