(vhds.baothanhhoa.vn) - Giới trẻ đang ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh. Sự thay đổi này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Tiêu dùng xanh trong giới trẻ

Giới trẻ đang ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh. Sự thay đổi này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Tiêu dùng xanh trong giới trẻSản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên được người trẻ yêu thích.

Trước đây Vũ Ngọc Anh (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) chưa từng nghĩ sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của mình bằng việc mang làn, túi đi chợ, siêu thị, dùng ống hút tre... Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua khiến cho cô gái trẻ có sự thay đổi trong nhận thức, đặc biệt sự lan tỏa mạnh mẽ của các hội, nhóm trẻ trong việc bảo vệ môi trường khiến Ngọc Anh chú ý hơn đến cách ứng xử của mình với môi trường xung quanh.

Ngọc Anh bày tỏ: “Tôi đã dành thời giờ để nghĩ đến việc thay đổi lối sống của bản thân, tìm cách làm sao thân thiện với môi trường, chứ không thể biến mình trở thành một người vô tình phá hoại môi trường. Điều đó dẫn đến sự thay đổi trong ý thức và hành động của bản thân”. Từ đó, Ngọc Anh chú ý điều chỉnh thói quen tiêu dùng của mình, lựa chọn dùng những sản phẩm có khả năng tái chế, tái sử dụng nhiều lần; hạn chế sử dụng túi nilon... Cô cũng tìm hiểu và mua dùng nhiều sản phẩm hữu cơ trong đó có thực phẩm, mĩ phẩm, đồ dùng sinh hoạt...

Và khi trở thành một người tiêu dùng xanh, Ngọc Anh tham gia các hội nhóm bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng và cô rất ngạc nhiên khi các hội nhóm có nhiều bạn trẻ, họ thể hiện sự quan tâm đến môi trường và hành động để hình thành thói quen tiêu dùng xanh.

Còn với Vũ Thị Thùy Trang (xã Hoằng Xuyên, Hoằng Hóa) quan tâm đến môi trường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thùy Trang là thành viên tích cực của Cộng đồng Xanh Việt Nam, đã từng là Trưởng ban điều phối chiến dịch Xanh Việt Nam lần thứ 5 tại Thanh Hóa. Tình yêu môi trường khiến Trang hình thành thói quen tiêu dùng xanh. Trang rất ít khi sử dụng sản phẩm dùng một lần, đồ dùng cá nhân của Trang đều là sản phẩm dùng nhiều lần. Khi đi mua sắm cô mang sẵn túi, làn, giỏ đựng. Cô thường chọn hàng quán có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh như ống hút tre, ống hút giấy, túi tự phân hủy, thực phẩm organic, hữu cơ...

Thùy Trang chia sẻ: “Cộng đồng Xanh của chúng em với hàng trăm nghìn thành viên trên khắp mọi miền đất nước. Để thực hiện chiến dịch, chúng em nói không với các sản phẩm dùng một lần, tất cả biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu... được chúng em tự làm, thiết kế từ sản phẩm tái chế. Chính những hành động đó đã góp phần giúp chúng em hình thành “lối sống xanh” và thói quen “tiêu dùng xanh”.

Không chỉ Ngọc Anh, Thùy Trang mà nhiều bạn trẻ khác ở Thanh Hóa đã hình thành “lối sống xanh” và thói quen “tiêu dùng xanh”, từ việc ưu tiên sử dụng các thực phẩm sạch, ít hoặc không có chất bảo quản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, hạn chế dùng thực phẩm đóng gói; nói không hoặc giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm làm từ nilon, nhựa...

Tiêu dùng xanh trong giới trẻThành viên Xanh Việt Nam lan tỏa “lối sống xanh”, “tiêu dùng xanh” bằng những hành động thiết thực.

Nắm bắt nhu cầu của khách hàng trẻ, các cửa hàng như cà phê, thực phẩm... cũng thay đổi thói quen như thay thế túi nilon bằng túi giấy, dùng ống hút tre, ống hút giấy, ống hút tinh bột... Chị Nguyễn Thị Phương, chủ quán cà phê Phương (TP Thanh Hóa), cho biết: “Đã 3 năm nay, quán sử dụng ống hút giấy. Tuy chi phí có tăng nhưng chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ. Tôi nhận thấy, khách hàng trẻ có xu hướng dùng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường hơn so với trước rất nhiều”.

“Tiêu dùng xanh” là xu hướng tất yếu, nắm bắt xu hướng này, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã thay đổi tư duy, cho ra mắt thị trường nhiều sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường như ống hút tre của Công ty TNHH Vibabo; các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên từ vỏ dứa của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa3e Biotech... Các sản phẩm túi, mũ được làm từ cói, bèo tây, ngô, các món quà lưu niệm, đồ trang trí, đồ dùng làm từ tre, nứa, gỗ... cũng được người tiêu dùng ưa chuộng, được bày bán tại các địa điểm du lịch. Đặc biệt, nhiều người trẻ cũng hướng sản xuất, kinh doanh tới các phương thức thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ sinh học, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nâng cấp phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, để giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường và lãng phí tài nguyên...

Những hành động nhỏ như sử dụng túi vải, ly, cốc... tái sử dụng hay phân loại rác của mỗi người đều đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. “Tiêu dùng xanh” là xu hướng tất yếu trong thời đại mới, cần thiết để bảo vệ môi trường và tạo ra một tương lai bền vững. Giới trẻ hôm nay không chỉ đang sống cho hiện tại mà còn hành động vì tương lai, để lại một thế giới xanh hơn cho các thế hệ sau.

Lan tỏa tinh thần “sống xanh”, “tiêu dùng xanh”, nhiều bạn trẻ ở Thanh Hóa đã và đang là những tuyên truyền viên tích cực với những hành động cụ thể, thiết thực. Các bạn là thành viên của hội, nhóm bảo vệ môi trường, thường xuyên tổ chức các chương trình, chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường, xóa điểm “nóng” về môi trường, nhặt rác... như nhóm “36 Xanh”, “Xanh Việt Nam”. Đặc biệt, các cấp bộ đoàn trên địa bàn thường xuyên tổ chức các chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện” với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]