“Tìm con”...
Hòa đóng quán, khẽ khàng vào buồng nằm cạnh chồng. Chồng Hòa, cả ngày đi làm về mệt lại thêm mấy chén rượu nên ngủ say ngáy như kéo bễ. Đã khuya, đường sá ở quê giờ này chẳng ai đi lại, nhà nào cũng đã cửa đóng then cài. Yên ắng quá, tiếng tặc lưỡi của cặp thạch sùng vang mấy gian nhà. Đấy cũng là lúc Hòa thấy cô đơn nhất. Giá như lúc này có một đứa con ọ ọe nằm bên cạnh để chị có thể dụi vào tóc nó, hít hà da thịt nó thì hạnh phúc biết chừng nào. Để nửa đêm nghe đứa lớn ngủ mớ, đứa nhỏ đói đòi ti. Để sáng ra được bận rộn, thúc giục nhau ăn nhanh còn đến trường không muộn.
Minh họa: BH
Nhiều khi nhìn sang hàng xóm, chị thèm khát sự ồn ã của một gia đình đủ đầy tiếng trẻ thơ. Chẳng bù nhà chị, hai vợ chồng ngày càng ít chuyện để nói với nhau. Chị nhận ra nhà thiếu đi đứa con là thiếu đi sợi dây níu chồng lại với bữa cơm gia đình, với bận rộn vụn vặt nhưng hạnh phúc. Vậy mà ước mơ dung dị ấy chị cũng không có được. Lấy nhau đã bảy năm, vợ chồng chị vẫn chưa một lần có được tin vui. Đống que thử thai đã đầy cả hộp, có lần buồn, chị mang ra sau nhà đốt. Nhìn ngọn khói về trời mong manh như hy vọng “tìm con” của chị. Bệnh tình đã biết, chạy chữa nhiều nơi mà cái duyên con cái trời vẫn chưa cho toại nguyện.
Để năm tháng bớt rộng dài, chị quyết định mở quán tạp hóa nho nhỏ. Người ra, người vào nhà cửa bớt đi phần quạnh quẽ. Nhưng mấy năm nay kinh tế khó khăn, buôn bán qua ngày. Vườn rộng, Hòa nuôi thêm chục gà mái đẻ, trồng mấy luống rau, cây ăn quả cũng tha về trồng kín. Nên trước quán tạp hóa hay có thêm rổ trứng gà, mẹt rau, mùa na có na, mùa ổi có ổi, mùa nhãn thì có nhãn bán thêm. Hòa vuốt phẳng phiu những đồng tiền kiếm được, thỉnh thoảng trích ra bỏ vào con lợn đất. Thấy chồng bê con lợn lên nhìn ngắm, Hòa bảo: “Nuôi sẵn sau này cho con đập lợn. Trẻ con đứa nào mà không thích”.
Những đêm khó ngủ, Hòa hay vào các hội nhóm hiếm muộn, mong con; nhóm sinh con theo ý muốn. Vào đó mới biết có bao nhiêu số phận giống mình, mòn mỏi với khát vọng “ầu ơ”. Người ta khuyên cái gì Hòa cũng làm theo. Đọc kinh, niệm Phật, đi đền chùa cầu tự, phóng sinh. Như người có bệnh vái tứ phương, Hòa vẫn tin trời phật sẽ thương mình. Chồng chị hỏi:
- Dạo này em nhắn tin với ai mà điện thoại cứ rung lên bần bật lúc nửa đêm?
- Mấy chị em đàn bà trò chuyện với nhau ấy mà.
- Chuyện gì sao không để ban ngày? Đêm phải ngủ đi không thì già sớm đấy.
“Già sớm”, Hòa cười chua xót. Chị đã ngoài bốn mươi, tóc bạc đầy trên đầu, già thật rồi chứ sớm sủa gì. Cũng chẳng phải chỉ lúc nửa đêm, mà mấy ngày nay điện thoại của Hòa cứ rung lên như thế.
- “Em mua thuốc chị bảo chưa?”.
- “Nếu kinh tế không dư dả thì cứ vào mấy nhóm thanh lý, pass (bán lại đồ đã qua sử dụng hoặc chưa sử dụng hết) thuốc IUI, IVF ấy. Họ có bầu rồi thì pass lại giá rẻ thôi, mình mua vừa tiết kiệm vừa xin vía”.
- “Nhưng cẩn thận lừa đảo đầy ra đấy. Mà sao lắm người ác thế nhỉ? Người ta đã hiếm muộn, hoàn cảnh cũng khó khăn mới phải mua thuốc pass thế mà nỡ lòng nào lừa đảo”.
- “Muốn con trai thì nhớ cho chồng uống thêm thuốc bổ tinh trùng. Ăn nhiều hàu, thịt bò, giá đỗ, kê gà, cật lợn đấy nhé. Chị cũng phải thuốc thang, ăn uống bồi bổ đều đặn. Có khi chỉ vài tháng là có tin vui. Đa nang buồng trứng không quá đáng lo đâu. Chẳng qua là duyên con cái chưa tới lúc”.
- “Khâu canh trứng quan trọng lắm đấy nhé. Mua que điện tử về mà canh. Em còn ít que, chị nào cần nhắn em địa chỉ. Que em tặng, tiền ship các chị trả nghe”.
- “Không có điều kiện thì que thường cũng được. Em hướng dẫn cho canh nháp, dễ òm”.
Chưa bao giờ Hòa thấy công cuộc tìm con của mình lại có nhiều người đồng hành đến vậy. Chỉ một lời tâm sự đăng vu vơ trong nhóm mà biết bao nhiêu người nhắn tin hỏi han, động viên, bày cách. Thấy nhiều người đi viện làm IVF không được, nhưng uống thuốc, bồi bổ lại đón được con một cách tự nhiên nên Hòa cũng muốn thử xem sao. “Làm thì quyết tâm làm thật, chứ thử là thử thế nào. Quan trọng nhất vẫn là tâm lý, đừng có để cho mình bị áp lực. Cứ thoải mái tư tưởng rồi con sẽ tới”. Nick Thiên Sứ gửi cho chị tin nhắn cùng hình ảnh siêu âm con của chị đã được ba sáu tuần. Hòa phóng to hình ảnh siêu âm, ngó sinh linh đáng yêu còn nằm trong bụng mẹ, rưng rưng cứ như thể đó là con của chính mình. Rồi một ngày nào đó gần thôi, chị cũng sẽ được cầm phim siêu âm con mình mang về cho chồng xem. Khoe với anh: “Con có má lúm giống em kìa. Đôi mắt to, cái mũi cao giống anh. Nhìn thế kia chắc là chân dài đấy”. Chị chìm sâu vào giấc ngủ trong những mường tượng về hạnh phúc...
May quá, chẳng ai lừa Hòa cả. Số thuốc và que thử rụng trứng mua pass lại trên các hội nhóm đều tốt cả. Có người còn gửi tặng kèm hộp muối kiềm, mấy que thử thai sớm, một cuốn sổ chép kinh địa tạng. Hòa uống thuốc đều đặn, sáng dậy sớm chạy bộ mấy vòng, buổi tối các chị em trong xóm còn rủ ra sân nhà văn hóa nhảy aerobic. Đêm về chị đặt lưng xuống giường là ngủ, chẳng còn trằn trọc đến ba, bốn giờ sáng như trước nữa. Có hôm, chồng chị buột miệng khen: “Da dẻ em dạo này tươi tắn thế”. Chỉ mấy câu đó thôi cũng khiến chị vui. Mà thật ra dạo này chị có nhiều thứ để vui. Khi tư tưởng thông suốt thì nhìn đâu cũng thấy dịu dàng. Chị quen nhiều bạn mới hơn, dù chỉ được trò chuyện với nhau qua mạng. Nhưng buồn vui gì cũng có thể sẻ chia mà chẳng cần dè chừng. Ngay cả việc canh trứng, phải thức đêm thức hôm chị cũng không còn cảm thấy áp lực như trước nữa. Hoa ngoài vườn nở, hoa trong nhà cũng tỏa hương. Người nói người cười, tự nhiên nhà ấm cúng. Chồng chị mang từ đâu về một chú mèo cảnh. Giống mèo ú lông mềm như bông, khôn ơi là khôn, cứ lẽo đẽo quấn chân chủ suốt ngày. Chị loanh quanh với hàng quán, bếp núc, vườn tược, rảnh thì ôm chú mèo nằm cuộn tròn trên chiếc ghế bập bênh, bật một bộ phim hài cười quên cả nồi cá kho cạn đáy.
***
Con đến vào đúng lúc chị mải mê bận rộn mà quên mất những thay đổi trong cơ thể của mình. Quên mất cơn đau lưng, đau bụng, báo hiệu một sinh linh bé nhỏ mới được hình thành. Cho đến tận khi cầm chiếc que thử thai hai vạch trên tay chị vẫn chưa thể tin cuối cùng con đã đến. Chị ngồi lặng trước cửa quán, nước mắt cứ thế trào ra. Chị bấm gọi cho chồng, dặn anh chiều nay về nhà sớm. Chị phải quét dọn nhà sạch sẽ, cắm một bình hoa mới, nấu mấy món ngon ngon. Chị nhắc mình con đang nằm trong bụng bé bỏng biết chừng nào, làm việc gì cũng nhẹ nhàng thôi. Chồng chị trở về nhà, trên chiếc áo lao động còn bám đầy vôi vữa. Nghe chị báo tin vui, anh hỏi đi hỏi lại: “Thật không em?”. Mấy ngày nay anh bận bịu hơn hẳn mọi khi. Tan làm là về ngay, chẳng la cà quán xá như mọi bận. Thềm giếng mùa nồm, lá cây rụng xuống, rêu lún phún mọc lên dễ trơn trượt lắm, anh phải cọ sạch đi. Giàn dây phơi cao quá, anh hạ thấp xuống cho chị không phải kiễng chân. Quẳng mấy cái ghế nhựa vào một xó, anh lạch cạch tự đóng ghế gỗ để chị ngồi cho chắc chắn. Hàng hóa nặng, anh không để chị bê. Hôm nào đi làm về cũng thấy treo trên xe mấy quả xoài xanh, nắm nhót, bịch ổi, toàn thứ mà chị nuốt nước bọt mỗi khi nhắc đến.
- Em nghén chua, mặn, chát thế này không biết là trai hay gái anh nhỉ?
- Trai, gái gì cũng vui, anh chỉ cần mẹ con em mạnh khỏe.
- Nếu con gái mình đặt tên là gì? Con trai tên là gì anh nhỉ?
- Cứ để từ từ rồi mình nghĩ. Mà hôm nay em đã uống vitamin chưa đấy?
Hòa ngồi nhìn vệt nắng hắt xéo sân nhà, chị mường tượng ra cảnh vào một ngày nào đó gần thôi, có đứa trẻ lăng xăng chạy chơi, dồn theo chú mèo mun cười khanh khách. Bàn tay mũm mĩm của con chạm vào những hạt nắng lấp lánh, cũng có khi tự dồn bắt bóng mình. Đôi chân nhỏ bé của con luồn dưới những tán cây, ngắt bông hoa mới nở, nhặt chiếc lá vừa rơi. Mấy mà con vừa chạy vừa bi bô gọi “mẹ ơi”. Chị xoa tay vào bụng, chờ một ngày có thể cảm nhận được những cú máy khe khẽ trong cơ thể của mình. Chao ôi! Chắc là kỳ diệu lắm. Hội chị em cùng “canh trứng” từng người, từng người một đều có tin vui. Có người báo tin kết quả Nipt con trai, có người là con gái. Điện thoại thỉnh thoảng vẫn cứ rung thế thôi. Chị em dặn nhau kiêng thứ này, thứ kia, than thở với nhau dạo này bụng to khó ngủ. Có khi nhắn để mách nhau mấy bài thuốc dân gian, chụp khoe nhau bữa cơm của bà bầu. Xin sẵn địa chỉ để ít bữa gửi cho nhau mấy loại lá tắm sau sinh, mấy thang thuốc lợi sữa. Nhỡ chẳng may ai đó đau bụng, dọa sảy thai là cả nhóm thấp thỏm không yên. Nửa đêm thức giấc cũng vội quờ điện thoại cập nhật tin tức xem mọi chuyện đã ổn chưa? Vết rạn da xấu xí của mình chẳng muốn cho chồng xem, nhưng hội chị em thì có gì mà phải giấu. Mấy ai bầu bí mà không vậy, tự nhiên chị thấy được an ủi phần nào.
Bây giờ bụng Hòa đã to lắm rồi, có đêm phải ngủ ngồi cho dễ thở. Khách đến mua hàng ai cũng nấn ná lại ít phút hỏi ngày mấy thì sinh? Nghe nói con gái hả? Nhất cô đấy! “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Người mang cho quả dừa, người cho mấy quả trứng ngỗng, người gói ít quần áo sơ sinh cũ của con cháu trong nhà nói: "Nhả vía hay ăn chóng lớn, không chê thì cất đi cho em bé dùng. Trẻ con lớn nhanh lắm, đừng mua nhiều đồ mới mà lãng phí". Hòa đâu có chê, chẳng phải ngày xưa chị cũng lớn lên từ quần áo vá. Chị thu dọn nhà cửa, tìm thấy hộp đồ canh trứng của mình còn thừa nhiều món. Đa phần cũng là đồ chị mua lại của người khác cho tiết kiệm chi phí. Bỏ thì uổng lắm, nên Hòa lên nhóm canh con, xem ai khó khăn vào xin đồ thì gửi tặng. Đàn bà trong hành trình tìm con mòn mỏi, có lắm khi tuyệt vọng thì chỉ cần một cái vỗ về cũng thấy bớt cô đơn. Trong gần mười năm vất vả tìm con, chị đã nhận được biết bao nhiêu thương yêu bình dị. Chị vòng tay ôm lấy con trong bụng, khe khẽ cất tiếng hát ru.
Nắng xuân chiếu qua tán lá nhãn, rơi xuống những hạt vàng lấp lánh. Trên dây phơi trước nhà, gió khua móc áo leng keng, tã lót và quần áo sơ sinh bay phất phơ trong nắng...
Truyện ngắn của Mai Dương (CTV)
{name} - {time}
-
2025-03-28 09:35:00
Hạnh phúc khi là đội viên
-
2025-03-23 15:10:00
Cổng làng xưa vời vợi “hồn quê”
-
2025-03-21 17:02:00
“Tạc” hình xứ Thanh trong những vần thơ
Ngư Lộc: Lễ hội Cầu ngư
Ngày thơ Việt Nam - Ngày hội tôn vinh giá trị, đóng góp của thi ca
Mùa trứng gà cuối cùng
Hội thảo Nhà thơ Văn Đắc: Tác giả - Tác phẩm
“Em đứng giữa giảng đường hôm nay” - Ca khúc hay về người giáo viên
“Sầm Sơn sau đêm mưa” - Bài thơ đầy thi vị của Nhà thơ Hồng Vinh
Sầm Sơn sau đêm mưa