Tìm hiểu về 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia liên quan đến ẩm thực của Việt Nam
Là quê hương của nghề phở, mỗi bát phở Nam Định đã khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với nhiều nét độc đáo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Việt Nam có một nền ẩm thực phong phú. Từ Bắc vào Nam, mỗi vùng miền mang đến những trải nghiệm ẩm thực độc đáo, từ những món ăn đường phố sôi động đến những bữa tiệc tinh tế, mỗi món ăn đều kể một câu chuyện về nền văn hóa địa phương độc đáo.
Cùng điểm mặt 32 Di sản Phi vật thể Quốc gia liên quan đến ẩm của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
1. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh)
Xuất xứ của loại bánh tráng phơi sương Trảng Bàng khá đặc biệt. Theo người dân địa phương, vào thế kỷ thứ 18, khi những người dân đầu tiên ở vùng đất Ngũ Quảng, Bình Định đến Tây Ninh khẩn hoang lập ấp, họ đã mang theo nghề làm bánh tráng.
Ban đầu, người thợ chỉ làm bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng (bánh đa nướng). Khí hậu ở Trảng Bàng nhiều nắng, rất phù hợp để làm bánh tráng nướng giòn. Mãi đến sau này, người thợ mới sáng tạo ra bánh tráng phơi sương.
Loại bánh tráng này cuốn cùng với rau và thịt, ăn kèm nước chấm trở thành một món ngon khó cưỡng.
2. Nghề khai thác yến sào Thanh Châu (Quảng Nam)
Bề dày lịch sử của nghề khai thác yến sào Thanh Châu được lưu dấu ở các di tích tín ngưỡng hiện tồn tại ở Hội An như miếu Tổ nghề yến ở Cẩm Thanh; miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương-Cù Lao Chàm; ở các truyền thuyết dân gian về sự tích Nàng Yến, về người phát hiện ra tổ yến ở Cù Lao Chàm...
Cùng với các nguồn tư liệu dân gian, tư liệu ký ức, tại Hội An và Khánh Hòa hiện đang lưu giữ 30 tư liệu văn bản liên quan đến nghề khai thác yến sào thời nhà Nguyễn.
Năm 2016, nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
3. Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre)
Lúc ban đầu, làng nghề chỉ làm bánh tráng nem, loại bánh khi ăn phải nhúng qua nước dùng để cuốn, gói với nhiều nguyên liệu khác thành các món cuốn khác nhau.
Vào khoảng năm 1960, bà con mới sáng tạo ra bánh tráng dừa, khi ăn phải nướng lên. Bánh tráng dừa đã trở thành sản phẩm chính của làng nghề, hấp dẫn nhiều người với hương vị thơm, béo, giòn tan.
Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2018.
4. Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre)
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc tọa lạc tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Làng nghề đã tồn tại được hơn 100 năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia năm 2018.
Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng là loại bánh ngon vì là loại bánh khi nướng sẽ nổi phồng, xốp, khi ăn giòn tan trong miệng, không bị cộm vì vụn nếp.
5. Nghề cốm Mễ Trì (Hà Nội)
Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nay có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Trong làng có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) có gần 100 hộ gia đình theo nghề làm cốm.
Khác với các nơi khác, cốm Mễ Trì hoàn toàn là cốm mộc, không pha màu, ăn thơm ngon, mềm dẻo, bùi. Những hạt cốm đến tay người mua được gói tỉ mỉ bằng lá sen, rồi buộc lại bằng những cọng rơm còn xanh trông rất đẹp mắt.
Năm 2019, nghề làm Cốm Mễ Trì được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đã mang lại niềm vinh dự, tự hào lớn cho người dân nơi đây.
6. Nghề làm nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng)
Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) có từ khoảng thế kỷ thứ 18.
Làng nghề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia từ năm 2019.
Nước mắm Nam Ô nổi tiếng bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung với bí quyết làm nước mắm “3 cá 1 muối” riêng biệt.
7. Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng (Bình Phước)
Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống được hình thành lâu đời qua nhiều thế hệ, tích lũy qua thời gian.
Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên như lá cây, vỏ cây rừng.
Cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với nguyên liệu như lúa, gạo, tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng.
Với giá trị tiêu biểu, ngày 20/12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4597 về việc công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước.”
8. Nghề muối ba khía (Cà Mau)
Nghề muối ba khía của người dân huyện Ngọc Hiển được hình thành từ rất lâu, với trữ lượng ba khía dồi dào bởi sự ưu đãi của thiên nhiên dành tặng cho người dân xứ biển.
Chính vì sự sinh sôi, phát triển dồi dào của ba khía tươi, người dân tại huyện Ngọc Hiển đã sáng tạo ra nghề muối ba khía để bảo quản được lâu và tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nghề muối ba khía được ra đời từ đó.
Nghề truyền thống muối Ba khía được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2019.
9. Nghề gác kèo ong (Cà Mau)
Theo các bậc cao niên trong nghề thì gác kèo ong hình thành rất sớm, từ những ngày đầu tiên con người đặt chân đến vùng đất huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau khai hoang mở cõi khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 19.
Hàng năm, khi hoa tràm rừng U Minh Hạ nở rộ thì hàng đàn ong mật bay về làm tổ, những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong và nghề gác kèo ong ra đời như vậy.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Nghề gác kèo ong là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2020.
10. Nghề làm muối ở Bạc Liêu (Bạc Liêu)
Nghề muối tại Bạc Liêu trải qua hơn 100 năm phát triển, mang đầy đủ tính chất của một nghề thủ công truyền thống và đặc trưng của đời sống dân gian và truyền nghề qua nhiều thế hệ.
Nghề làm muối còn phản ánh một phần lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
Vì vậy, nghề làm muối tạo ra sản phẩm không chỉ là hàng hóa đơn thuần mà còn phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt một vùng đất và các thế hệ người dân nơi đây.
11. Nghề làm bánh pía (Sóc Trăng)
Bánh Pía có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu (người Tiều), thông thường được làm vào dịp trung thu và lễ tết.
Ngày nay nghề làm bánh Pía tập trung ở các xã Phú Tâm (gắn với địa danh Vũng Thơm), Thuận Hòa và An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Nghề làm bánh Pía đã trở thành đặc trưng văn hóa của Sóc Trăng; là lễ vật dâng cúng, quà tặng trong các dịp lễ, Tết, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, khẳng định giá trị thương hiệu của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất bánh.
12. Nghề làm nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)
Cách đây hơn 200 năm, nghề làm nước mắm đã có ở Phú Quốc, người dân đánh bắt cá cơm còn tươi sống và ướp muối ngay trên tàu, trước khi mang về ủ trong thùng.
Ủ cá cơm trong thùng gỗ là một đặc trưng của nghề làm nước mắm Phú Quốc. Bời lời là loại gỗ để làm thùng nước mắm vốn có nhiều trong rừng Phú Quốc. Thùng càng để lâu thì gỗ càng bền chắc, chất lượng nước mắm càng thơm ngon.
Năm 2017, Nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm Phú Quốc; tháng 5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian cấp quốc gia “Nghề làm Nước mắm ở Phú Quốc.”
13. Nghề làm nước mắm Phú Yên (Phú Yên)
Phú Yên có bờ biển dài gần 190km, ngư trường đánh bắt rộng lớn mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào. Từ nguồn nguyên liệu này, các làng chài dọc biển hình thành nghề muối mắm, cho ra đời những sản phẩm mắm thơm ngon đặc trưng.
Phú Yên có nhiều làng nghề chế biến nước mắm truyền thống.
Các làng nghề được hình thành trên trăm năm, trong đó phải kể đến một số thương hiệu làng nghề nước mắm lâu đời và nổi tiếng như nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), nước mắm Yến, nước mắm Mỹ Quang (Tuy An), nước mắm Ba Lò (Đông Hòa)...
14. Nghề làm bánh tráng Phú Yên (Phú Yên)
Nhắc đến những món ăn dân dã của vùng đất Phú Yên, không thể bỏ qua bánh tráng - món ăn quen thuộc, gắn liền với đời sống của người dân địa phương từ nhiều đời nay.
Bánh tráng Phú Yên cũng là một trong những loại bánh làm từ bột gạo, ở miền Bắc được gọi là bánh đa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm bánh tráng Phú Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1/2022.
15. Nghệ thuật chế biến món ăn chay (Tây Ninh)
Từ việc ăn chay thường xuyên, người Tây Ninh đã sáng tạo, biến tấu những món rau, củ, quả trong vườn nhà trở thành những món chay giản đơn nhưng cực kỳ hấp dẫn, lạ miệng.
Thực phẩm địa phương để chế biến các món chay rất phong phú, từ các sản vật đặc trưng đến các thực phẩm thông thường như đậu hũ, đậu hũ ky non, nấm rơm, nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm dai, bắp chuối, trái chuối, các loại khoai, bột mỳ, bột gạo, các loại rau cải, quả, muối, nước tương, các loại rau nêm và các gia vị khác...
Các nghệ nhân ẩm thực chay có thể sáng tạo và trình bày món ăn thành các tác phẩm nghệ thuật.
Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia ngày 12/1/2022.
16. Nghề trồng rau Trà Quế (Quảng Nam)
Làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hình thành từ hơn 400 năm trước.
Nơi đây nổi tiếng với nhiều sản phẩm rau có vị thuốc dân gian, được trồng bằng phương pháp thâm canh, bón phân hữu cơ truyền thống.
Nhiều loại rau như hành, húng, tía tô, ngò... trở thành thương hiệu với các mùi thơm đặc trưng, khác biệt.
17. Nghề làm tàu hũ ky (Vĩnh Long)
Tàu hũ ky, còn gọi là váng đậu hay phù trúc, là một sản phẩm được làm từ đậu nành.
Trong quá trình nấu đậu, một lớp đậu mỏng chứa đạm và chất béo sẽ hình thành trên bề mặt nồi sữa đậu.
Người ta sẽ vớt lớp màng mỏng này và phơi khô để thành tàu hũ ky.
Tháng 8/2022, nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.
18. Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (Thái Nguyên)
Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ 20.
Đến nay, vùng chè Tân Cương có tổng diện tích trên 1.300ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở ba xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân.
Người dân vùng Tân Cương chú trọng thực hiện quy trình trồng, chăm sóc cây chè theo kinh nghiệm truyền thống từ khâu làm đất, ươm giống, trồng chè đến bón phân, tưới nước, làm cỏ, thu hái, sao chè, đóng gói, bảo quản..., tạo nên chất lượng đặc biệt của vùng chè Tân Cương so với các vùng khác.
19. Nghề làm muối ớt Tây Ninh (Tây Ninh)
Nghề làm muối ớt là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Tây Ninh, có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng-địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Tây Ninh tự nguyện cam kết bảo vệ.
Ngày 14/2/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Nghề làm muối ớt Tây Ninh là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
20. Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ)
Trải qua 200 năm phát triển, quy trình sản xuất của bánh tráng Thuận Hưng không có nhiều thay đổi, ngoại trừ người dân có sử dụng thêm một số loại máy móc để hỗ trợ như máy xay bột, máy nạo dừa.
Cũng giống như một tác phẩm nghệ thuật cần rất nhiều sự sáng tạo, những “nghệ nhân làm bánh” phải điều chỉnh lượng bột sao cho phù hợp, họ phải đong đếm bằng gáo. Mỗi gáo bột tương ứng với một chiếc bánh.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con làng nghề hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào ngày 6/3/2023.
21. Nghề làm bánh chưng, bánh dày (Phú Thọ)
Không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh dày ở Phú Thọ trải dài từ nơi bánh chưng, bánh dày được sinh ra là Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) và các vùng khác.
Bánh chưng, bánh dày được người Việt ở muôn phương làm nhưng ở Phú Thọ, tục làm bánh chưng, bánh dày trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết, trở thành lễ hội truyền thống, nghi thức riêng biệt mà không nơi nào có được.
Từ các cuộc thi trong lễ hội làm lễ vật dâng các vị Vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần..., bánh chưng, bánh dày được cộng đồng người dân ở Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, phát triển thành nghề truyền thống.
22. Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp)
Nghề làm nem ở huyện Lai Vung ra đời vào khoảng năm 1960.
Cách làm Nem Lai Vung nhìn thì đơn giản nhưng đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người thợ mới cho ra đúng vị. Và đối với mỗi gia đình sẽ có cách chế biến nem theo bí quyết riêng.
Đầu năm 2024, Nghề thủ công truyền thống “Nghề làm nem” Lai Vung đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
23. Nghề làm tôm khô (Cà Mau)
Nghề làm tôm khô gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân Cà Mau từ lâu đời, gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất Cà Mau.
Sản phẩm tôm khô trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Nam Bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Trong đó, món tôm khô dưa kiệu trong ngày Tết Nguyên đán hầu như nhà nào cũng có, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Cà Mau.
Việc thực hành nghề làm tôm khô ở Cà Mau chủ yếu theo hình thức truyền miệng, cầm tay chỉ việc, các công thức thực hành, bí quyết, kinh nghiệm được truyền dạy trong gia đình và đã được duy trì qua nhiều thế hệ.
24. Nghề làm xôi Phú Thượng (Hà Nội)
Nghề làm xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ) được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi Vật thể quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL ngày 16/2/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với hơn 600 hộ gia đình đang theo nghề xôi và 3 cá nhân được phong nghệ nhân, Phú Thượng là làng nghề hiếm hoi vẫn ngày ngày đỏ lửa lại Thủ đô.
Mỗi ngày làng Phú Thượng có thể đưa được hàng tấn xôi đi khắp thành phố.
25. Nghề làm bánh tráng Túy Loan (Đà Nẵng)
Nghề làm bánh tráng Túy Loan có lịch sử lâu đời. Hiện, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang còn 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở thôn Túy Loan.
Bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn bằng thủ công và người dân tại làng chỉ làm một loại bánh tráng nướng.
Bánh tráng Túy Loan chủ yếu làm bằng bột gạo và các nguyên liệu khác như mè (vừng trắng), gừng, tỏi, đường, nước mắm, muối..., tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho bánh tráng.
26. Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer (An Giang)
Người Khmer ở An Giang leo lên ngọn cây thốt nốt, đặt dụng cụ để hứng nước từ cuống hoa. Đây là nguyên liệu để bà con dùng nấu đường, cho ra những mẻ đường, thẻ đường thốt nốt vàng ươm, thơm ngon.
Trải qua thời gian, với kinh nghiệm dân gian truyền đời, bà con huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nắm giữ những bí quyết thực hành nghề làm đường thốt nốt, làm nên di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng ở địa phương.
Đường thốt nốt là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon như nấu chè, làm dưa cải... nhưng đặc sắc nhất là món bánh bò thốt nốt vang danh.
27. Nghề làm bột gạo Sa Đéc (Đồng Tháp)
Nghề làm bột Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Nghề làm bột gạo phải trải qua 10 công đoạn như: Lựa chọn tấm (gạo), làm sạch tấm (gạo), xay tấm (gạo), dằn bột, đánh tơi bột, lắng gạn, hớt bột, chia bột, bẻ bột, phơi bột và đóng gói thành phẩm.
28. Nghề làm bánh Khẩu xén, bánh Chí chọp của người Thái trắng (Điện Biên)
Giống như như bánh chưng của người Kinh, bánh chưng gù của đồng bào dân tộc Thái đen hay bánh dày của đồng bào Mông, khẩu xén và bánh chí chọp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Thái trắng ở Điện Biên.
Người Thái quan niệm rằng bánh khẩu xén là món ăn dâng lên tổ tiên, thần linh để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
29. Nghề ướp trà sen Quảng An (Hà Nội)
Bằng bí quyết, kinh nghiệm ướp trà sen từ bao đời truyền lại, người Quảng An đã tạo ra phẩm trà sen quý, có giá trị kinh tế cao.
Các thế hệ “trưởng bối,” những bậc cao niên người làng Quảng An chia sẻ rằng họ dùng hoa sen từ Đầm Trị (trong quần thể Hồ Tây) để ướp trà.
Hiện nay ở Hà Nội có khoảng gần chục nghệ nhân ướp trà sen, mỗi người lại có bí quyết riêng, tùy theo những chiêm nghiệm của họ về hoa sen mà xây dựng các tầng hương cho trà cũng khác nhau.
30. Phở Nam Định
Ba làng Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực được xem là quê hương của phở Nam Định. Phở Nam Định có hương vị đậm đà hơn nhờ cốt nước mắm cá.
Nước dùng phở được chế biến từ xương bò ninh nhừ với đầy đủ gia vị như hành khô, gừng nướng đập dập, thảo quả, hoa hồi, quế, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế...
Phở bò Nam Định đậm hương thịt bò, phong vị mặn mòi từ nước mắm miền biển. Không có nước mắm ngon, dẫu có cho bao nhiêu gia vị, mỳ chính cũng không thể cho ra hương vị phở Nam Định đúng điệu.
31. Mỳ Quảng (Quảng Nam)
Có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc món mỳ Quảng, nhưng đến nay, vẫn chưa ai có thể xác định được món ăn nổi tiếng này có từ bao giờ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng mỳ Quảng có từ thời chúa Nguyễn, kể từ khi hình thành Hội An, một thương cảng sầm uất nhất xứ đàng trong; đặc biệt có sự giao thoa văn hóa giữa người Việt, người Hoa, người Nhật Bản và châu Âu.
Sự độc đáo trong món mỳ Quảng là sự đa dạng trong phong cách chế biến, mùa nào thức ấy, bất cứ sản vật nào như tôm, thịt heo, gà, cá lóc, lươn... cũng có thể chế biến thành nhân mỳ.
32. Phở Hà Nội (Hà Nội)
Theo hồ sơ của Hà Nội, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Nguồn gốc món phở Hà Nội cho tới nay còn nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên nhiều sử liệu ghi chép lại món “phở” tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỷ 20.
Từ năm 1907-1910, phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường Hà Nội.../.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Phở, nem Việt Nam ’sánh đôi' cùng đồ ăn Nga, Italy tại Liên hoan Ẩm thực Quốc tế
-
2024-11-21 09:10:00
Ấn tượng về thực phẩm và đồ uống Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế PLMA 2024
-
2024-09-24 09:25:00
Phát hiện công dụng mới của cà phê giúp cải thiện sức khỏe tim mạch
Ẩm thực vùng cao góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng xứ Thanh
Vì sao polenta - món cháo ngô giản dị lại được người Italy coi như tôn giáo
[REVIEW OCOP] Giò lụa Cường Tâm – Tinh hoa ẩm thực truyền thống
Phở Nam Định, phở Hà Nội và mì Quảng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ẩm thực đường phố Thanh Hóa thu hút khách du lịch
Phát huy giá trị tinh hoa văn hóa ẩm thực để thúc đẩy du lịch
Món ăn Việt Nam góp mặt trong thực đơn phục vụ Olympic Paris 2024
Mỹ: Nữ Bếp trưởng đầu tiên của Nhà Trắng nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ
[REVIEW OCOP] Giò lụa - Món ăn truyền thống của người Việt