Tìm việc làm trên mạng, người lao động có nguy cơ bị lừa đảo
Người lao động muốn kiếm thêm thu nhập vào dịp cận Tết cần cẩn trọng với “bẫy” việc làm ảo do các đối tượng lừa đảo núp bóng doanh nghiệp bày ra trên mạng xã hội.
Tin nhắn tuyển dụng được gửi đến nhiều thuê bao. (Ảnh: Nguồn Internet)
Vỡ mộng với chiếc bẫy “làm giàu”
Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, nắm bắt tâm lý người lao động (NLĐ) có nhu cầu tìm kiếm việc làm, các nhóm lừa đảo tăng cường phủ sóng khắp “thị trường” mạng thông tin tuyển dụng. Bị hấp dẫn bởi các lời chào mời “có cánh” như: thù lao “khủng”, hoa hồng cao, đãi ngộ tốt, không ít NLĐ, sinh viên... đã bị lừa.
Mới đây, Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã phát đi thông tin về trường hợp sinh viên một trường đại học tại TPHCM bị lừa sang Campuchia khi tìm việc làm. Cụ thể, sinh viên này nộp hồ sơ tìm việc ở nhiều nơi, sau đó, người đóng vai trò “chim mồi” tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử Shopee liên hệ phỏng vấn. Theo đó, phía tuyển dụng đề nghị kết nối Zalo, cung cấp email và hẹn ngày phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn diễn ra online qua phần mềm Zoom, các đối tượng lừa đảo lên kịch bản chi tiết, chuyên nghiệp khi hình ảnh Shopee xuất hiện xuyên suốt cuộc phỏng vấn để tạo niềm tin và dẫn dụ nạn nhân.
Một Trường ĐH cảnh báo về việc SV có nguy cơ bị “bắt cóc” trong quá trình tìm kiếm việc làm. Ảnh chụp màn hình
Sau khi nhận được email trúng tuyển, sinh viên này được yêu cầu làm thực tập sinh, địa điểm tại kho Shoppe ở tỉnh Long An. Các đối tượng hẹn sinh viên ra Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP HCM) để xe công ty đưa đi. Theo lời kể của nạn nhân, chuyến xe này là một hành trình khủng khiếp mà bạn đã phải đối mặt: “Trong quá trình di chuyển bằng xe của phía tuyển dụng, em bị một nhóm người (cả Việt Nam và Campuchia) thu hết tiền, đồ dùng cá nhân, điện thoại... sau đó đưa đến cửa khẩu Tây Ninh. Chưa hết, chúng đánh và đưa em sang một xe khác, xe đó cũng đang có 2 bạn sinh viên bị khống chế tương tự, xe chở chúng em sang Campuchia. Khi những kẻ lừa đảo chuẩn bị đổi xe, lợi dụng trời tối, em bỏ chạy và may mắn thoát được về Việt Nam sau 24 giờ. Thật may, em chỉ bị chấn thương phần mềm, em đã đến công an cửa khẩu, công an địa phương trình báo sự việc.”
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp sinh viên, NLĐ cũng từng bị lừa mất tiền, bị lừa vào vòng xoáy bán hàng đa cấp, cộng tác viên online, làm nhiệm vụ... khi tham gia tìm kiếm việc làm trên mạng. Đặc biệt, tình trạng này lại càng “sôi động” những ngày cận Tết. Các đối tượng lừa đảo đăng bài tuyển dụng quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Zalo) xung quanh chủ đề: “Kiếm tiền Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”, “Kiếm tiền online để tiêu Tết 2024”... để dẫn dụ nạn nhân.
Bạn Y. – sinh viên một trường đại học bày tỏ: “Giờ việc làm trên mạng xuất hiện tràn lan khắp nơi với đủ ngành nghề, thoạt nhìn sẽ khó nhận ra đấy là hành vi lừa đảo bởi đều gắn mác các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, nhưng đặc điểm chung là chỉ làm trực tuyến (online). Bản thân chúng em dù có tìm hiểu kỹ đi chăng nữa thì những nội dung và cách thức quá tinh vi thực sự rất khó phân biệt “thật – giả". Em đã từng được một công ty truyền thông tuyển dụng làm việc từ xa với vị trí content fanpage, trước khi làm việc họ yêu cầu em tham gia lớp đào tạo và phải đóng phí 500.000 đồng. Sau khi tiến hành chuyển khoản thành công, ngày hôm sau em đã không thể liên lạc được với nhân viên tuyển dụng của công ty. Đồng thời, tài khoản, nội dung tin nhắn cũng bị xoá sạch trên ứng dụng Telegram”.
Một số thủ đoạn phổ biến bao gồm: Kêu gọi đầu tư, giao dịch chuyển khoản, gia nhập vào các nhóm xổ số, tải các nền tảng ứng dụng để kiểm tra, khảo sát năng lực,... hoặc dẫn dắt về ứng dụng khác như WhatsApp, Telegram, giả mạo website công ty với tên miền gần giống website thật. Mặc dù, thủ đoạn có thể khác nhau nhưng mục đích cuối cùng của các đối tượng lừa đảo chính là thao túng tâm lý, dẫn dụ rồi chiếm đoạt tiền. Có nạn nhân bị mất từ vài chục đến vài trăm triệu đồng không phải là chuyện hiếm.
Cái giá phải trả...
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo về các vụ lừa đảo trên không gian mạng nhưng dường như số “nạn nhân” dính bẫy vẫn tăng. Điều đó chứng tỏ các đối tượng lừa đảo có khả năng rất tốt trong việc nắm bắt tâm lý nạn nhân cũng như tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo để tiếp cận “con mồi” - những người có nhu cầu, đặc biệt là nhóm người yếu thế.
NĐL cần phải hiểu “giấc mơ" công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức nhưng lại có mức lương cao chắc chắn không tồn tại; nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Để tránh trở thành nạn nhân, người dân nên cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo; khi phát hiện đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tương tự, cần liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Phú Lan
- 2024-09-13 17:42:00
TP Thanh Hoá thiệt hại khoảng 1,35 tỷ đồng do ảnh hưởng của bão số 3
- 2024-09-13 12:45:00
Đừng để từ thiện trở thành “công cụ” kiếm tiền
- 2024-01-25 10:10:00
Ý nghĩa chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” cho trẻ em huyện Ngọc Lặc
Sôi động thị trường hoa, cây cảnh tết
Công an TP Thanh Hóa tăng cường các giải pháp chống ùn tắc giao thông trước và trong dịp Tết Nguyên đán
Năm 2024, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh phấn đấu đón trên 350.000 lượt khách
“9 ngày lạnh nhất” và sự trùng hợp về đợt rét đậm, rét hại đầu tiên năm 2024
Tinh thần tuyệt đối “đã uống rượu bia thì không lái xe”
Sinh kế để bà con vùng biên giới Mường Lát thoát nghèo
Trời rét đậm, rét hại, giữ sức khỏe cho người già và trẻ em thế nào?
Đền Sòng tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy dịp cuối năm
Tết ấm bản Tang